27/09/2016 07:05 GMT+7 | Italy
(giaidauscholar.com) - Đấy không phải là câu chuyện về những điều kì diệu và các bàn thắng mà anh đã ghi trong màu áo Roma (bàn thứ 250 tại Serie A anh mới ghi vào lưới Torino tuần qua). Đấy là câu chuyện về Totti khi anh còn chưa là Totti của bây giờ, một huyền thoại sống của bóng đá thủ đô nước Ý, cái tên mà biết bao người yêu mến và ngưỡng mộ. Totti của những ngày xưa.
Đấy là một sinh nhật giản dị, không đầy ánh sáng, xa hoa và có đến 400 khách mời VIP như khi anh tròn tuổi 40, mà chỉ có chừng vài bạn học cùng lớp ở trường tiểu học Manzoni cũng như trường bóng đá. Những cậu bé bẽn lẽn ngày ấy được cha mẹ đưa đến nhà Totti, tay cầm những món quà. Cùng với Totti, lũ trẻ ấy hàng ngày chơi bóng trên khoảnh sân nhỏ trước khu chung cư, vừa để thể hiện niềm đam mê lớn lao của mình ở một thành phố lúc nào cũng phát rồ vì bóng đá, vừa để khoe mẽ trước các bạn gái cùng tuổi.
"Lúc đầu, Francesco được mẹ bắt đi học bơi ở một bể bơi tại quảng trường Epiro ngay gần nhà", Riccardo Totti, anh trai của Totti và cũng là người đại diện cho anh, nói trên một tạp chí của đội Roma. "Nhưng nó không thích bơi. Nó chỉ thích đá bóng và làm tất cả những gì có thể để được chơi bóng". Đối với Riccardo, Francesco em anh là một cậu bé đặc biệt, khá hiếu động, bị bắt đi học bơi chỉ vì quá lùn và còi, nhưng chống lại cả nhà chỉ vì thích trở thành cầu thủ. Khi 10 tuổi, Totti cao chưa đến 1,30 mét. "Ở khu phố, người ta gọi nó là thằng lùn", Riccardo nói.
Giống như rất nhiều đứa trẻ của ngày ấy, Totti vẫn chơi đồ chơi cho đến tuổi lên 10 và bắt đầu nghiện trò chơi điện tử ngay khi hai anh em được bố tặng cho một chiếc máy tính Commodore 64. Francesco và Riccardo say mê trò chơi đá bóng International Soccer và biến căn buồng nhỏ cạnh phòng cha Enzo và mẹ Fiorella của họ thành một sân bóng điện tử ngày qua ngày, tháng qua tháng, với những cuộc tỉ thí không có hồi kết. Nhưng niềm đam mê ấy không lớn bằng nỗi khao khát thi đấu thật sự trên mảnh sân trước nhà.
Và rồi, có cả một niềm đam mê khác mà cậu bé Totti dần dần nhận ra. Nhà của một người bạn đặc biệt của Totti ngày ấy chưa có nút thoại ở cửa chung cư. Cậu bé thỉnh thoảng đứng ở chân cầu thang gọi ầm lên "Francé, xuống đi". Sau này, trong một dịp nhớ lại về câu chuyện nhiều chục năm về trước, "Francé" bảo: "Cậu ấy đứng trước cửa nhà tôi và réo ầm lên. Bố tôi là người thường xuyên trả lời. Nhưng cậu ấy chẳng sợ gì cả".
Tình yêu bóng đá cứ lớn dần trong Totti
"Francé" ở đây là Francesca, người bạn gái đầu đời của Totti. Cô học cùng trường Manzoni với Totti, là người đi học cùng và rời trường cùng với số 10 huyền thoại của chúng ta suốt mấy năm trời. Những nụ hôn đầu tiên được họ trao nhau khi Totti chừng 12, 13 tuổi và không biết Totti liệu còn giữ những kỉ niệm ngày đó hay không, nhưng với Francesca, đấy là những năm tháng không thể nào quên. Francesca nói trên kênh truyền hình RAI, mắt chớp chớp đầy mơ mộng: "Ngày đó, tôi rất cuồng si cậu ấy. Cậu ấy đẹp trai, tóc vàng, mắt xanh da trời. Đấy là một hoàng tử nhỏ. Chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều lắm, vì cậu ấy rất ít nói, có vẻ là người khá khép kín. Thế rồi khi cậu ấy đi nghỉ hè, tôi cảm thấy rất nhớ cậu ấy. Nhưng thi thoảng lắm cậu ấy mới gửi cho tôi những tấm thiếp. Tôi không thể quên được tình cảm ngày đó đẹp như thế nào".
Trên bãi biển Torvajanica ở ngoại ô Rome, nơi bố mẹ Totti có một căn nhà nhỏ, trái bóng da không tồn tại. Anh em nhà Totti chơi bóng cao su trên bờ cát. Những trận bóng trên bãi biển đã giúp ích rất nhiều cho Totti trong thời gian đó. Cậu trở thành một ngôi sao nhí ở khu San Giovanni và là một nhà vô địch về tâng bóng trong đám thiếu nhi. Trên sân bóng, Totti rất khá, nhưng cũng rất hay dỗi và dễ nổi nóng, cãi cọ. Có lần, sau một vai chạm với người em họ, cậu đã không thèm nói chuyện với người này trong suốt 3 ngày, cho tới trận đấu tiếp theo. Bóng đá với Totti và đặc biệt là mẹ cậu, sau khi nhận ra Totti chỉ mê bóng đá, là tất cả. Bà Fiorella không muốn con trai mình lỡ bất cứ buổi tập nào ở trường bóng đá, nên đôi khi không cho phép Francesco đi dự sinh nhật bạn!
Các giáo viên ở trường kể rằng, Totti là một cậu bé rất ít nói và vài lần bị bắt quả tang đang khắc lên bàn dòng chữ "Forza Roma" để ủng hộ đội bóng trong tim cậu. Cô Luciana, một nhân viên vệ sinh ở trường cấp 2 Pascoli, nơi Totti đã theo học và giờ có treo một tấm chân dung lớn của anh trong phòng hiệu trưởng, thậm chí kể lại rằng, trong toilet nữ của nhà trường, có một dạo nguệch ngoạc khắp nơi dòng chữ "Francesco ti amo" (Francesco, em yêu anh) mà các cô bé đã viết lên để thể hiện tình cảm của mình với Totti của chúng ta. "Nhưng Totti có vẻ chẳng quan tâm lắm, bởi tâm trí của cậu đã dành hết cho bóng đá", bà nói. "Cậu thậm chí cự nự với cả giáo viên thể dục của nhà trường, người đã gạt cậu khỏi giờ học chỉ vì cậu không muốn làm một động tác cúi gập người".
Tình yêu với Roma của Totti là bất diệt
Người giáo viên ấy là Domenico de Zen. Ông nhớ lại: "Cậu ấy không vắng bất cứ buổi học thể dục nào. Trong khi các đứa trẻ khác sẵn sàng tập thể dục để sau giờ học còn đi học bơi thì Totti sau đó tham gia các giải đấu bóng đá thiếu niên. Ngày hôm sau, sau khi trở về từ các trận đấu, cậu ấy chìa cho tôi xem hai đầu gối tím bầm, có vẻ rất tự hào". Angelo Marozzini, người anh họ của Totti, cùng chơi với Totti trong đội thiếu nhi Smit Trastevere, là một trong những người đầu tiên nhận ra thiên tài của Totti và anh khẩn khoản yêu cầu HLV đội bóng thiếu nhi phải cho Francesco mà anh yêu mến chơi thường xuyên, "để nhỡ đâu một ngày nào đó, Roma để mắt đến cậu ấy thì sao". Marozzini kể lại: "Trong trận đầu tiên ở đội thiếu nhi Smit Trastevere, Francesco là đứa gày gò, nhỏ bé nhất đội, nhưng một mình nó đi qua đến nửa đội đối phương. Nhiều vị bố mẹ ngồi ở sân xem trận đấu gào lên khi thấy tôi cầm bóng: "Chuyền ngay cho Totti, chuyền bóng cho Totti".
Có một trận đấu, một bà mẹ quay sang hỏi HLV đội bóng, "Tại sao ông cứ cho thằng cu tóc vàng kia đá mãi thế, trận nào cũng đá?". Người HLV không trả lời, chỉ nhếch mép cười. Thế rồi có một hôm, sau khi Totti ghi được 3 bàn thắng, con trai của bà mẹ kia bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng khi đá ra ngoài trước khung thành bỏ trống. Nó nói với bà mẹ: "Giờ thì mẹ biết vì sao thằng tóc vàng ấy được đá suốt chưa?".
Điều ấy thì cả nước Ý, nhất là người Rome, đều đã biết. Và thằng bé ấy, giờ đầu đã có sợi bạc, đã bước sang tuổi 40, và vẫn chơi bóng với sự đam mê của những ngày thơ dại...
Trương Anh Ngọc
Từ Rome, Italy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất