M.U: Làm sao để đánh bại Barcelona?

27/05/2011 11:46 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Alex Ferguson là một chiến lược gia bậc thầy và hẳn lúc này không ít người đang tò mò tự hỏi ông sẽ làm gì để khống chế Barcelona ở trận chung kết Champions League tối mai.

Phong cách Barca: Khởi nguồn từ Ajax

Barca từng hạ MU 2-0 ở CK Champions League năm 2009 - Ảnh Getty

Hãy hỏi Arsene Wenger và Arrigo Sacchi, họ sẽ nói với bạn rằng triết lý bóng đá của họ bắt nguồn từ Ajax vào những năm 1970. Ý niệm cơ bản rất đơn giản: chuyền và di chuyển thật nhiều khi có bóng, siết chặt tuyến giữa khi không có bóng. Khi Milan của Sacchi vượt qua định kiến về bóng đá Italia vào cuối những năm 1980 và ĐT Italia bị Liên Xô của Valeriy Lobanovskiy đánh bại tại bán kết Euro 88, HLV Marcello Lippi đã nhận xét “giờ đây mọi người đều chơi kiểu chuyền bóng”.

Điều đó cũng đã diễn ra tại Barcelona, vào thời của Rinus Michels và Johan Cruyff, những nhà xuất khẩu bóng đá tổng lực. Học thuyết Ajax đã là nền tảng trong lối chơi ở Nou Camp thông qua Dream Team mà Cruyff xây dựng lên từ đầu những năm 1990 và được duy trì tới tận Pep Guardiola (một cầu thủ của Cruyff) bây giờ. Trong hai thập kỷ qua, lối chơi bắt đầu với Viktor Maslov tại Dynamo Kiev và Michels ở Ajax từ giữa những năm 1960, đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, ở đẳng cấp cao nhất.

Tất nhiên, hiện vẫn còn những đội bóng thành công với lối chơi thiên về kiểm soát, không hẳn là thụ động, nhưng là xây nên một rào chắn, chớp lấy những thời cơ và khiến đối phương không có cơ hội phản đòn. Đó là những gì Jose Mourinho làm với Inter mùa giải trước. Nhà cựu vô địch Champions League đến từ Serie A lùi sâu, hóa giải áp lực và đánh gục đối phương bằng những pha phản công. Tuy nhiên, cảm giác về một đội bóng lớn là rất rõ ràng: họ phải chuyền bóng ở tốc độ cao, có những tiên vệ sắc bén và luôn làm chủ thế trận.

Dẫu vậy, tất cả những điều đó không có nghĩa là họ không thể chơi phòng ngự. Có một khuynh hướng chung thường cho rằng phòng thủ nghĩa là lùi về phần sân nhà, tập trung dày đặc trước vòng cấm địa và chơi tầng tầng lớp lớp ngay từ giữa sân. Tuy nhiên, cách phòng ngự tốt nhất không phải là như thế, mà là giữ bóng trên chính phần sân đối phương. Hãy nhớ lại cách Ajax giành 3 Cúp C1 liên tiếp. Trong hai danh hiệu sau, những năm 1972 và 1973, họ đều vươn lên dẫn trước rồi cầm bóng trong chân khiến đối thủ chẳng có mấy cơ hội làm gì được. Ở World Cup, trong khi mọi đội trừ Chile đều cố gắng phòng ngự trước TBN, nhà vô địch đã lựa chọn một chiến lược cầm bóng và chuyền liên tục, hiểu rằng sớm muộn bàn thắng cũng sẽ đến. Barca cũng làm như thế. Thường thì họ mạnh hơn đối thủ và có thể chơi tấn công không chút sợ hãi. Nhưng trong những trận đấu lớn, như chung kết Champions League, họ còn có thể chuyền bóng để đảm bảo một cách biệt tối thiểu cho đến khi hết giờ.

M.U có thể làm gì?

Dự đoán của bạn về trận chung kết Champions League giữa M.U và Barcelona?

Chính M.U từng trải nghiệm điều đó trong trận chung kết ở Rome 2 năm trước, dù cho tới trước khi Samuel Eto’o ghi bàn mở tỉ số cho Barca ở phút thứ 10, đội bóng áo đỏ không hề kém thế. Một khi đã dẫn trước, Barca đơn giản giữ bóng càng lâu càng tốt. Tin xấu cho M.U là Barca đang làm việc đó ngày càng tốt hơn. Opta, tổ chức thống kê bóng đá có số liệu trên toàn châu Âu, cho biết trong mùa giải 2006-2007, Barca nắm quyền kiểm soát bóng trung bình 61,1% trong các trận đấu ở Champions League và con số đó cứ tăng dần qua từng năm, 63,2%, 65,6%, 70,6% rồi lên đến 73,3% ở mùa này. Do đó, lời khuyên đưa ra cho đội bóng Anh là họ phải tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều mỗi khi có bóng và việc không để thủng lưới trước có vai trò quyết định.

Cũng có một vài số liệu tích cực cho Ferguson, khi Barca tỏ ra thận trọng hơn so với 2 năm trước. Mùa này, nhà vô địch La Liga chỉ ghi trung bình 2,25 bàn mỗi trận, so với 2,46 bàn trong chiến dịch đến Rome, và chỉ thủng lưới 0,67 bàn mỗi trận, so với 1 bàn mỗi trận năm 2009. Có vẻ như Guardiola đã yêu cầu các cầu thủ tập trung cầm bóng nhiều hơn để có những chiến thắng chắc chắn hơn. Với Xavi và Iniesta, đội bóng TBN còn có tỉ lệ chuyền bóng thành công kinh hoàng: 89% trên sân nhà và 90% trên sân khách. Thống kê tương tự của M.U là 82% và 80,2%.

Sự khác biệt một phần còn ở phong cách. Đội bóng áo đỏ thường có những đường chuyền dài hơn, vì họ kiểm soát bóng ít hơn và chơi phản công nhiều hơn. Đổi lại, M.U hiệu quả hơn trong những quả tạt, với tỉ lệ thành công là 21,7% so với 17,4% của đối thủ. Thống kê này đặc biệt có ý nghĩa với Ferguson bởi ông hiểu rõ Gerard Pique không quá giỏi chơi bóng bổng (đó cũng là một trong những lý do khiến HLV người Scotland bán anh đi), còn Javier Mascherano có thể phải vào vai trung vệ bất đắc dĩ nếu Carles Puyol chuyển sang cánh trái. Một vũ khí khác của M.U sẽ là những đợt phản công, mà họ sẽ phải dựa vào rất nhiều trong trận đấu này.


Hải  Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm