10/05/2017 18:31 GMT+7 | Juventus
(giaidauscholar.com) - Daniel Alves càng chơi hay bao nhiêu, người ta càng thấy Juventus khôn ngoan và chính xác bấy nhiêu khi chiêu mộ anh từ Barca. Và Alves cũng chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về thành công chuyển nhượng của Juve.
Từ quá khứ mua sắm trứ danh của “bố già” Luciano Moggi
Thực ra không phải bây giờ Juventus mới nổi tiếng về khả năng mua bán cầu thủ. Họ đã khuấy đảo cả Serie A lẫn Châu Âu bằng hàng loạt phi vụ mua bán cầu thủ đầy sắc sảo từ thời của bộ ba lãnh đạo Luciano Moggi – Roberto Bettega – Antonio Giraudo trong đó Moggi là ông trùm số 1 với hàng loạt các phi vụ mua bán cầu thủ xuất sắc, đặt nền tảng cho thành công về mặt thể thao của Juventus suốt nhiều năm.
Có thể đơn cử một số ví dụ của Luciano Moggi như chiêu mộ Pavel Nedved (từ Lazio), Thuram, Buffon (từ AC Parma), Pippo Inzaghi, Paolo Montero, Christian Vieri (từ Atalanta), Edgar Davids (từ AC Milan), Fabio Cannavaro (từ Inter Milan), Didier Deschamps (từ Marseille), Zinedine Zidane (từ Bordeaux), Vladimir Jugovic (từ Sampdoria), Trezeguet (từ Monaco), Zambrotta (từ Bari), Ciro Ferrara (từ Napoli)...
Có thể nói là rất nhiều thương vụ thành công rực rỡ về mặt thể thao. Trên phương diện tài chính, Moggi từng thực hiện rất nhiều phi vụ ấn tượng trong đó nổi bật nhất là vụ mua Zidane với giá 3 triệu bảng từ Bordeaux rồi bán lại cho Real Madrid sau 5 mùa chơi bóng ở Turin với giá 63 triệu bảng. Đó là vụ chuyển nhượng cầu thủ đắt đỏ cao nhất thế giới suốt một thời gian dài.
Tới hiện tại lừng lẫy với “bố già” Beppe Marotta
Ông Beppe Marotta được Chủ tịch Andrea Agnelli bổ nhiệm làm GĐTT của Juventus hồi tháng 5/2010 sau đó trở thành TGĐ của Juve. Ông đến Turin và mang theo luôn “cánh tay phải” của mình ở Sampdoria là ông Fabio Paratici, sau này trở thành GĐTT của Juventus.
Cặp “bài trùng” này đã cùng nhau mở ra một kỷ nguyên chuyển nhượng mới ở Juventus, huy hoàng không kém thời Moggi, thậm chí còn ấn tượng hơn. Cũng như Moggi trước đây, Beppe Marotta và Fabio Paratici nổi tiếng về khả năng nhìn người sắc sảo. Họ không chỉ giỏi trong việc lựa chọn những cầu thủ đã thành danh và phù hợp với phong cách Juve, họ còn rất giỏi trong việc nhìn thấy tiềm năng phát triển và bùng nổ to lớn ở những cầu thủ trẻ cũng như giá trị thương mại leo thang khủng khiếp của họ trong tương lai.
Và cả hai là những chuyên gia làm tiền siêu hạng của Bianconeri với các thương vụ mua rẻ bán đắt của mình mấy mùa giải qua. Bản thành tích mua bán cầu thủ của Marotta và Paratici chắc chắn khiến cả Châu Âu thèm muốn. Với họ, Juve đã có ít nhất 6 hợp đồng dạng “0 euro” (CNTD) từ thành công tới siêu thành công cho tới lúc này gồm Fernando Llorente (từ Bilbao), Kingsley Coman (từ PSG), Paul Pogba (từ Man United), Andrea Pirlo (từ Milan), Daniel Alves (từ Barca), Khedira (từ Real Madrid) trong đó với Pogba (lãi 100 triệu euro), Coman (lãi 28 triệu), Juve không chỉ gặt hái thành công về thể thao và còn thu lãi rất đáng kể.
Bên cạnh đó là rất nhiều phi vụ mua sắm giá cực rẻ hoặc giá “bình dân” thành công như Patrice Evra (1,5 triệu euro từ Man United), Barzagli (0,3 triệu euro từ Wolfsburg), Carlos Tevez (10,5 triệu euro từ Man City), Morata (20 triệu euro từ Real Madrid), Arturo Vidal (10,5 triệu euro từ Bayer Leverkusen), Mandzukic (22 triệu euro từ Atletico Madrid), Alex Sandro (26 triệu euro từ Porto), Bonucci (15 triệu euro từ Bari), Cuadrado (20 triệu euro từ Chelsea), Lichtsteiner (10 triệu euro từ Lazio), hay một thương vụ chắc chắn Juve sẽ lãi to trong tương lai như mua Paulo Dybala (40 triệu euro từ Palermo).
Ngay cả vụ mua Gonzalo Higuain với giá đắt nhất trong lịch sử CLB là 90 triệu euro từ Napoli cũng ngày một cho thấy tính đúng đắn của nó khi tiền đạo Argentina gần như một mình “gánh” cả hàng công Juve ở Serie A mùa này và đã ghi những bàn thắng quan trọng giúp Bianconeri vào chung kết Champions League.
“Sản xuất” danh hiệu từ chiến lược chuyển nhượng “cao thủ”
Chính nhờ hàng loạt thành công chuyển nhượng của bộ đôi Marotta – Paratici mà Juve không ngừng hồi sinh, lớn mạnh sau Calciopoli. Cùng với việc xây dựng và đưa vào kinh doanh SVĐ riêng, kiếm tiền từ hợp đồng bán bản quyền truyền hình, từ quảng cáo, đội bóng giàu truyền thống nhất Italy từng bước củng cố, tạo dựng nền tảng tài chính vững mạnh bằng những khoản lãi thu được từ các vụ mua bán cầu thủ.
Mua rẻ như “lấy không” rồi bán đắt “kinh hoàng” cộng với các vụ chuyển nhượng miễn phí, Juve từng bước xây dựng đội ngũ cầu thủ hùng mạnh. Đội ngũ này giúp họ thống trị Serie A 6 mùa liên tiếp bên cạnh 2 lần vào chung kết Champions League trong 3 năm qua với hy vọng vô địch tràn trề mùa này, Juve càng lúc càng giàu hơn nhờ các khoản tiền thưởng, tiền lãi, nhờ doanh thu từ nhiều nguồn khác nhau.
Và khi có nhiều tiền hơn, họ lại tái đầu tư vào TTCN, mua sắm những cầu thủ chất lượng, phù hợp với triết lý của CLB. Vòng tròn logic khép kín được thực hiện một cách hợp lý cao giữa bóng đá và kinh doanh biến Juve trở lại thành thực thế tư bản cáo già như truyền thống vốn có của họ.
Tiền bạc đẻ ra thành công nhờ những bộ não tính toán xuất sắc. Đến lượt nó, thành công lại giúp Juve thu nhiều tiền bạc hơn nữa. Và họ lại dùng những triệu euro ấy để tái đầu tư cho thể thao. Cứ như thế, Juve vận hành như một dây chuyền nơi bóng đá và kinh doanh song hành, bổ trợ cho nhau để biến đội bóng Italy thành một thiết chế quyền lực hàng đầu trên cả phương diện bóng đá lẫn kinh doanh bóng đá.
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất