Juventus - Milan: Cánh cung khỏe & Tên tẩm độc

01/10/2011 18:35 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần)- Họ là hai biểu tượng mới của Juventus và Milan. Zlatan Ibrahimovic có thể bị chỉ trích là một kẻ nhút nhát bên ngoài Italia, nhưng trong một cuộc đua đường trường, anh ta là vũ khí vô địch. Andrea Pirlo có thể là một mẫu cầu thủ vô cùng đặc biệt (có thể tạo ra đột biến ngay cả khi lùi sâu xuống sát hàng thủ), nhưng khả năng duy trì sự ổn định thì luôn bị đặt dấu hỏi, ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của anh ở Milan, chứ chưa nói là hiện tại.

Ổn định, và đột biến

Ibra là một biểu tượng chiến thắng mang tính đảm bảo rất cao ở chiến trường quốc nội, với tổng cộng 9 chức VĐQG (chưa kể 2 chức VĐ bị tước cùng Juve) qua 6 đội bóng từng khoác áo. Tiền đạo người Thụy Điển duy trì được tính cách ấy ở mọi môi trường, dù chơi ở một giải VĐQG chặt chẽ như Italia, hay ngây thơ như Hà Lan, dù là ở là ở những CLB luôn coi Ibra là số một (Inter, Juve), hay một đội bóng mà anh không thể hòa nhập về lối chơi (Barcelona).

Andrea Pirlo không có được sự ổn định ấy. Nhưng anh là một phát kiến chiến thuật mang tính đột biến, mà có lẽ hàng chục năm mới xuất hiện một lần. Pirlo không thành công với vị trí hộ công ở Inter, nhưng lại trở thành một quân bài có ý nghĩa lịch sử với AC Milan, khi được HLV Carlo Ancelotti kéo về ngay trước hàng thủ, nhưng không phải để… phòng thủ, mà là để kiến tạo lối chơi.

Điều mâu thuẫn là ở một vị trí đáng ra phải tạo ra sự ổn định như thế, Pirlo và Milan dường như phù hợp nhất với Champions League, nơi tính đột biến được đánh giá rất cao. Còn Ibra, với sự xốc nổi và ưa thay đổi, lại là một cầu thủ rất ổn định.

Những vị cứu tinh

Sự tương phản ấy giải thích một phần lý do rằng tại sao trong thời kỳ đỉnh cao của Pirlo ở Milan, dấu ấn rõ nét nhất nằm ở các chức VĐ Champions League 2003 và 2007 (đặc biệt là 2007, khi Pirlo đá 52 trận cho Milan tính trên mọi đấu trường!), còn trong 2 Scudetto vào năm 2004 và 2011, thì anh chỉ có ý nghĩa quyết định năm 2004, còn mùa trước, Pirlo chỉ ra sân 25 lần trên mọi mặt trận, ít nhất trong 10 mùa giải ở Milan, và nhường sân khấu lại cho Ibra.

Tính khốc liệt và đào thải rất mạnh của Champions League cho thấy 2 chức VĐ trong vòng 10 năm là một kỳ tích phi thường, nhưng cũng trong 10 năm ấy, Ibra 9 lần nâng Cúp VĐQG (2 bị tước ở Juve). Phi thường không kém. Cả hai đều là những cầu thủ có thể đại diện cho phương hướng phát triển của đội bóng. Bất kỳ một CLB cạnh tranh Scudetto nào cũng cần một cầu thủ ổn định như Ibra, và để tao ra một lối chơi mang tính đột biến cao, thì một kiểu cầu thủ có đặc tính rất khác lạ như Pirlo là lựa chọn chuẩn xác.

Vào giai đoạn mà Inter suy yếu sau Calciopoli, thì việc mua lại Ibra còn cho thấy rằng Milan đã bắt đầu thật sự tập trung vào mặt trận quốc nội. Với Juve, Pirlo là một mẫu cầu thủ đi ngược lại truyền thống của họ, nhưng đó là con đường duy nhất để đẩy đội bóng ra khỏi sự trì trệ hiện tại.

Cách mạng ở Juve & Milan

Nếu như sự kiện trở thành đội đầu tiên ở Italia có một sân đấu riêng là một cú hích mạnh về mặt tài chính và hình ảnh (Juve có lực lượng CĐV đông đảo nhất trên toàn nước Ý, nhưng sân của họ trước đây thường vắng hoe), thì Pirlo là một cú hích về mặt lối chơi của Juve. Thay vào lối đá chắc chắn và giống như lập trình của giai đoạn trước Calciopoli, được “hộ thể” bởi những tiền vệ trụ cổ điển (Vieira, Emerson), Juve dưới thời Antonio Conte đang cố xây dựng một lối chơi mang tính nhịp điệu cao hơn. Thay vì dựa dẫm vào khả năng làm việc độc lập của các tiền đạo trong các phương án tấn công (như đã từng dựa dẫm vào Ibra), Juve kéo trọng tâm lối chơi về giữa sân, nơi mà Pirlo đang thể hiện tốt đến mức báo chí Italia đã bắt đầu phải đặt dấu hỏi về sự phụ thuộc của Juve vào anh.

Đó lại là một sự thay đổi ngược hoàn toàn với Milan, đội đã bắt đầu đẩy trọng tâm đội hình lên cao dần sau Calciopoli, mà đỉnh của nó chính là Ibra. Nếu như trước đây, họ chú trọng vào mẫu cầu thủ kiểu bệ phóng cho lối chơi như Pirlo, thì bây giờ, một cầu thủ có khả năng duy trì sát thương cao một cách độc lập và ổn định như Ibra được ưu tiên. Thay cho cánh cung khỏe, là một mũi tên tẩm độc.

Cách vận hành hiện tại của Milan cũng “nhắc lại” một phần cách chơi của Juve trước Calciopoli: Thay vì tạo ra những ý tưởng lối chơi ngay từ giữa sân (thậm chí là ngay từ trước hàng thủ, khi Pirlo còn ở Milan), đội bóng ấy bảo vệ nó một cách chắc chắn bằng tuyến giữa giàu cơ bắp và tính chiến đấu (Van Bommel, Ambrosini), trước khi kết liễu đối thủ bằng những tình huống bất thần trong 30 mét cuối cùng, với vai trò rất quan trọng của Ibra, người rất phù hợp với lối chơi ấy, nhờ khả năng tạo đột biến một cách độc lập. Chính sách chuyển nhượng thay đổi hoàn toàn trong 2 năm qua đã giúp Milan xây dựng thành công hình ảnh ấy. Thay vì mua các tiền vệ trung tâm và các hộ công có tính sáng tạo cao (Kaka, Rui Costa) trước kia),bây giờ lựa chọn của Milan là các tiền vệ cơ bắp, các tiền đạo cánh và tiền đạo lùi. Mua bán một cách có ý đồ mạch lạc, rõ ràng và hiệu quả chính là thứ vũ khí trước Calciopoli của Juve, nhưng nay thì nó đã thuộc về Milan.

Một điều bất lợi khác cho Juve là họ đã tiến hành những cải tổ chậm chân khá lâu, và chất liệu cách mạng lối chơi của họ lại là một cầu thủ gần như đã cạn kiệt sau 10 năm ở Milan. Vẫn có thể hy vọng vào một bất ngờ trong một trận đấu cụ thể, nhờ khả năng tác động mang tính đột biến cao của Pirlo vào hệ thống chơi bóng, nhưng trong tương lai gần, Scudetto vẫn sẽ là câu chuyện của Ibra và Milan. Mũi tên sẽ đâm thủng cái khiên (Scudetto), chứ không phải cánh cung.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm