Sự lu mờ của một hình ảnh

05/03/2011 11:39 GMT+7 | Italy

(TT&VH)- Với Juventus, năm 2006 được coi là “năm số 0”, năm của mọi điều tốt đẹp nhất mất đi, thời gian lùi lại mốc khởi đầu và cuộc sống mới được tạo ra, một cách gượng ép và bắt buộc. 5 năm đã qua kể từ ngày đó, đội Juventus mới đã không còn giữ được bản sắc mà họ từng kiêu hãnh nữa, bản sắc mà 2 thế hệ nhà Agnelli, những Gianni, Umberto, Edoardo và Giovanni Alberto đã mất gần một thế kỉ để vun đắp nên và dùng hình ảnh của CLB để tô điểm cho gia đình mình. Giờ đây, có một cảm giác chung tràn ngập trong lòng không ít người hâm mộ calcio nói chung và các juventini nói riêng: những người con cháu kế thừa họ không còn những ưu tiên cho đội, không còn nỗi đam mê như những bậc cha anh.

Cũng trong thời gian 5 năm ấy, thành phố Torino, thủ đô của nền công nghiệp Italia cũng mất dần ảnh hưởng về kinh tế, xã hội, và quan trọng nhất, quyền lực chính trị trong đời sống nước Ý, trong khi Milano vẫn giữ được ảnh hưởng ấy suốt 25 năm qua, kể từ ngày Berlusconi xuất hiện và mua lại Milan. Những tập đoàn công nghiệp lớn, từ IPI, GFT đến De Benedetti rời bỏ Torino, các chính trị gia Torino và xứ Piemonte mất dần tiếng nói. Juve, từng một thời là biểu tượng thể thao của Torino, cũng cùng cảnh ngộ, không chỉ về khía cạnh tinh thần và thể thao.

Juve đang trải qua giai đoạn khó khăn- Ảnh Getty

Mùa bóng 2005/2006, trước vụ Calciopoli, theo số liệu của Deloitte Football Money League, Juve là đội bóng có doanh thu cao thứ 3 châu Âu với thu nhập 251,2 triệu euro, chỉ sau Real Madrid (292,2 triệu) và Barcelona (259,1 triệu). 5 năm sau, Juve đã tụt xuống thứ 10 (205 triệu), thấp hơn Milan (235,8) và Inter (224,8), chỉ bằng một góc của Real (438,6) và Barca (358). Chưa nói đến thành tích sân cỏ, thì sự tụt lùi về kinh doanh nhưng lại thăng tiến chóng mặt trong những sai lầm về chuyển nhượng trong suốt nửa thập kỉ qua với rất nhiều tiền bỏ ra một cách vô ích đã vẽ nên một bức tranh xám xịt đau lòng về Juve. Chủ sở hữu hiện tại của Juve, một công ti tài chính và do đó đơn thuần là quan tâm đến lợi nhuận, giờ đây gần như không còn mối liên hệ trực tiếp nào với tập đoàn FIAT, và chắc chắn nó sẽ không chấp nhận bỏ ra nhiều tiền cho đội một khi các con số báo lỗ qua từng năm không ngừng tăng.

Chủ tịch Juve hiện tại, Andrea Agnelli, lên nắm quyền ở đội không phải vì anh muốn vậy (Andrea không có nỗi đam mê bóng đá như những người khác trong dòng họ), mà vì quan điểm chung của tất cả là đội bóng cần phải có một người của nhà Agnelli đứng đầu, theo đúng truyền thống của họ. Những sai lầm khác trong việc xây dựng nhân sự cho ban lãnh đạo đội bóng và cuộc khủng hoảng về kĩ thuật là hệ quả trực tiếp của những gì đã xảy ra trong các năm mất định hướng vừa qua. Một số nhà bình luận calcio thậm chí đã đi xa hơn với dự đoán, rằng để kết thúc cõi hỗn mang này, có lẽ nhà Agnelli cần phải bán Juventus đi. Điều ấy đã từng xảy ra với nhiều CLB lớn khác của calcio. Thay đổi sở hữu để có thể thay đổi số phận. Tại sao không?

Juve-Milan đã từng là cuộc chiến của một thế giới: cuộc đọ sức của những người chia nhau bá chủ Serie A. Bây giờ, đấy là sự đối đầu của hai thái cực, giữa 2 đội bóng và 2 thành phố giàu nhất Italia. Thời kì lịch sử của đại Juve đã kết thúc với vụ Calciopoli. Giờ là một thời kì Juve khác, như thời kì hồng hoang của vũ trụ sau vụ Big Bang…

Anh Ngọc



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm