Man City "tấn công" Mỹ, Mexico, và Trung Quốc

28/02/2013 09:24 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Trong nỗ lực trở thành thương hiệu toàn cầu và cạnh tranh với đối thủ cùng thành phố M.U, Manchester City vừa mở chiến dịch tìm kiếm các CLB đối tác ở Mỹ, Mexico và Trung Quốc.

Theo báo chí Anh, đội đương kim vô địch Premier League đang tiến hành nghiên cứu khả năng trở thành đối tác của các CLB ở Mỹ, Mexico và Trung Quốc cũng như một số nước châu Á khác, như một cách phát triển thương hiệu của đội bóng.

Theo con đường của M.U

Cách làm này lặp lại chiến lược mà M.U từng áp dụng ban đầu nhưng rồi từ bỏ 15 năm trước, và cho thấy Man City khát khao theo bước đối thủ cùng thành phố trong những nỗ lực trở thành một thương hiệu toàn cầu ra sao. M.U hiện là một trong hai thương hiệu bóng đá lớn nhất thế giới, cùng với Real Madrid.

Tuy nhiên, Man City sẽ cần phải tăng doanh thu của họ lên rất nhiều để có thể thực sự cạnh tranh với những tên tuổi đó bởi luật công bằng tài chính của UEFA sắp có hiệu lực và họ sẽ không còn có thể chi tiền vô tội vạ như trước. Thêm vào đó, triển vọng tăng được doanh thu của đội bóng áo xanh tại Anh là giới hạn trong bối cảnh cơ sở CĐV đã ổn định và số người hâm mộ của họ ít hơn nhiều so với những đội bóng giàu truyền thống hơn như M.U, Arsenal và Liverpool. Điều này cũng khiến kế hoạch mở rộng sân Etihad để tăng doanh thu từ những ngày có trận đấu khó khả thi, dù những ông chủ A-rập tỉ phú của CLB thừa sức làm như thế.

Man City đã bác bỏ tin tức do hãng tin tài chính Bloomberg đưa vào tháng 12 nói họ đang cân nhắc mua lại một đội ở giải nhà nghề Mỹ MLS để tăng cường sự hiện diện tại thị trường quan trọng này. Hồi tháng 5, đội bóng áo xanh cũng đã có chuyến du đấu sau mùa giải kéo dài một tuần ở đây. Nhưng giám đốc điều hành Ferran Soriano tuyên bố trong bản báo cáo thường niên vào tháng 12 của CLB rằng “những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới, sáng tạo” sẽ là rất cần để “có sự chuyển đổi mang tính lịch sử” ở CLB.

Việc Man City tìm đối tác có thể diễn ra với nhiều hình thức, như mô hình của Udinese của ông chủ người Ý Giampaolo Pozzo và gia đình ông. Nhà Pozzo hiện cũng đang sở hữu các đội bóng Watford và Granada. Họ kiếm lời lớn nhờ chiêu mộ những cầu thủ từ nhiều nước rồi bán đi những ngôi sao giỏi nhất, như Alexis Sanchez cho Barcelona. Soriano, được chiêu mộ nhờ thành tích giúp Barcelona trở thành một thế lực lớn của thế giới bóng đá giai đoạn 2005-2008, vừa bổ nhiệm cựu giám đốc điều hành CLB Derby Tom Glick vào vai trò giám đốc thương mại của Man City hòng tăng doanh thu từ hoạt động thương mại dựa vào thương hiệu của đội bóng.

Đối phó với luật Công bằng tài chính

Ngoài ra, để góp phần né luật công bằng tài chính, Man City cũng sẽ lập một công ty trả lương cho những thành viên trong đội không phải là cầu thủ, một thủ thuật pháp lý được các đội bóng áp dụng rộng rãi hiện nay (M.U hiện có 8 công ty để đáp ứng các thủ tục kế toán). Nhưng các nhà phân tích ước tính động thái này cũng chỉ giúp đội bóng áo xanh giảm bớt 5-7 triệu bảng tiền lương trong giấy tờ sổ sách, khi quỹ lương của CLB lên tới 178 triệu bảng vào năm ngoái. Man City hiện đang thua lỗ khoảng 97,8 triệu bảng, trong khi luật công bằng tài chính quy định các đội chỉ được phép thua lỗ 39 triệu bảng là tối đa.

Đội bóng áo xanh, vì thế, cũng đang gấp rút chiêu mộ những chuyên gia về luật công bằng tài chính. Alex Byars và Martyn Hawkins đã gia nhập CLB từ hãng kinh doanh và kiểm toán thể thao Deloitte, công ty từng giúp UEFA thiết lập dự luật công bằng tài chính. Cả hai nhân vật kỳ cựu này của Deloitte đã làm việc suốt 18 tháng với UEFA và hiểu rất chi tiết hệ thống luật vận hành ra sao.

Nhưng dù có thực hiện nhiều thủ thuật, vấn đề cốt yếu vẫn là tăng doanh thu. Man City hiện không bán hết vé ở Etihad dù lượng khán giả đến sân đã tăng 13% nhờ vào chức vô địch lịch sử mùa trước, giúp doanh thu tăng lên mức 1,3 triệu bảng.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm