03/07/2013 14:55 GMT+7 | Âm nhạc
Yeezus có thể xem là tuyên ngôn mới nhất của West về cuộc đời. Trong cuộc đời âm nhạc của mình, tính đến nay album mới nhất đã là cái thứ 6 nhưng cái nào West cũng có một tuyên ngôn riêng. Ở Yeezus, West chĩa thẳng sự phẫn nộ của mình vào tệ nạn phân biệt chủng tộc; vào những công chúng ba phải, hời hợt, sính mốt và cả vào những nhà phê bình âm nhạc từng dè bỉu anh, nói âm nhạc của anh không đáng một xu chất lượng.
West gọi mình là Chúa trời (trong bài I am God) “nhưng chẳng thể nào lách nổi chiếc Porsche mới tinh ra khỏi garage” và hay la cà hộp đêm dành cho dân da màu. Nhưng trong thế giới đẫm u ám và mùi khói thuốc nồng nặc ấy là một tâm trạng chán chường, là sự buồn tủi kéo dài nhiều thế hệ, về màu da (bài Blood on the leaves), về thân phận của những kiếp nô lệ kiểu mới (bài New slaves), về tôn giáo và đẳng cấp xã hội.
Về mặt âm thanh, toàn bộ album là một tổng thể trộn lẫn của rock, của jazz, của rap... Tờ Allmusic xếp album này vào thể loại rap, nhưng trong tiết tấu của rap lại pha lẫn rock và rất nhiều dòng nhạc khác. Rap chỉ là cái cớ để Kanye West dựa vào giãi bày. Phong cách và các thể loại âm nhạc đập vào nhau liên hồi. Lần đầu nghe có vẻ lộn xộn, nhưng càng nghe bạn sẽ lại càng thấy dạt dào cảm hứng. Như ở bài Blood on the leaves, West phối theo cảm hứng vay mượn từ bài jazz kinh điển, Strange Fruit của Nina Simone vốn tồn tại đã hơn nửa thế kỷ. West kể về một thời mà nước sạch chỉ dành cho dân da trắng, các cửa hiệu đều có bán đồ đủ mọi loại cho dân da trắng trong khi “đám da màu chỉ có một loại bán cho tất cả”… Sẽ càng ngạc nhiên hơn khi West “lắp” cả rock vào và rock này lại cực kỳ lạ với nhiều người. Đó chính là sample (nhạc mẫu) trong các ca khúc nổi tiếng của nhóm Omega, một nhóm rock cấp tiến đã từng rất nổi tiếng ở Hungary những năm 70 thế kỷ trước. Trên nền nhạc đó, West hát về những nô lệ thời đại mới, ề những nhà lãnh đạo kiểu mới và những kẻ vuốt đuôi. West cũng gây ngạc nhiên khi lấy cả chất âm trong âm nhạc Hindu Ấn Độ để “gài” vào ca khúc I am God, bài hát mang tính tuyên ngôn cho toàn album.Trong suốt hành trình 40 phút, album Yeezus đưa người nghe từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mọi thứ như một màn hình ti vi, chiếu lại tất cả những ký ức cũ, từ giọng hát của Nina Simone, Brenda Lee cho đến Marylin Monroe, nhac Hindu, rock Đông âu cho đến grunge rock những năm 90… Dường như mỗi cái tên, mỗi sample có nhiệm vụ như một chức năng trong tổng thể của một cỗ máy, khi tất cả các chức năng được bật lên, khi mê cung âm thanh đã tỏ rõ thì dường như cỗ máy ấy hiện nguyên hình một Kanye West khác lạ và mang một tầm vóc âm nhạc khác hẳn.
Hình dáng album được thiết kế hết sức tối giản. Không bìa trước, chỉ có một miếng dấy dán trên vỏ
Thật kỳ lạ khi một album mang tính báng bổ nhiều thứ, kể cả những nhà phê bình âm nhạc, lại được chính những tay phê bình cự phách nhất lại dành cho những lời khen nồng nhiệt nhất. Tờ New York Times gọi đó là album hay nhất của 2013 cho đến thời điểm này và “trong cuộc đời âm nhạc của mỗi ca sĩ nên có ít nhất một sản phẩm như vậy để được lưu danh”. Jon Dolan của tờ Rolling Stone nhấn thêm rằng “có lẽ mỗi thiên tài điên khùng chỉ có thể làm được một album như thế trong sự nghiệp”. Nhà báo Steve Jones của tờ USA Today đánh là album đã tạo ra được nhiều dáng vẻ của âm nhạc và đây sẽ là album được thảo luận nhiều nhất trong mùa hè. Cây viết bình luận âm nhạc Ryan Dombal gọi album này là “sắc như dạo cạo” và sự gắn kết một cách thú vị giữa những bài hát với nhau, giữa những đoạn nhạc với nhau “khó có thể tìm thấy bất cứ đâu trong những album trước đây của West”.
Yeezus là album hay nhất của 2013 cho đến thời điểm này. Trong cuộc đời âm nhạc của mỗi ca sĩ nên có ít nhất một sản phẩm như vậy để được lưu danh - New York Times |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất