12/04/2021 20:19 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong đợt thực tập điều tra khảo cổ học của nhân viên Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tại khu vực chùa Thông tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), chúng tôi đã phát hiện một khối cuội suối có khắc hình 1 người ngồi quỳ 2 tay đặt trước gối.
Tượng được cạo và khắc hình rất đơn sơ trên nền một hòn cuội basalt có lớp khoáng màu nâu phủ ở bên ngoài. Người xưa đã dựa vào lớp khoáng dễ rạch này để tạo hình bằng mũi của một vật kim loại nhọn nào đó.
Khối tượng nằm lẫn trong đống cuội đắp 1 ngôi mộ đời Trần còn sót lại cho đến năm 2008 khi chúng tôi cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đi phúc tra lại địa điểm này, vốn trước đó được Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phát hiện và sưu tầm hàng trăm hiện vật các loại của 1 ngôi chùa đời Trần.
Tuy nhiên, đến đợt điều tra năm nay, ngôi mộ đã bị đào trộm, cuội được vun thành đống. Lượm trong đó chúng tôi đã mang về một số hòn tiêu biểu và trực tiếp tôi đã nhận ra chân dung bức tượng khi tự tay mình rửa những viên cuội phủ mộ đó.
Mộ Trần phủ cuội suối/sông là hiện tượng khá phổ biến ở vùng Hòa Bình. Mộ nằm trong khuôn viên ngôi chùa cổ, nay cũng đã bị san bằng để trơ vài chân tảng bằng cuội suối lớn. Các phù điêu kiến trúc bằng đất nung như đầu rồng, phượng, lá đề, chóp tháp cho thấy chúng thuộc phong cách kiến trúc đời Trần. Ngôi chùa được truyền tụng trong ký ức người dân với tên chùa Thông.
Tại đây, chúng tôi đã sưu tầm được 1 tượng Phật ngồi trên bệ làm bằng đá vôi, khá tinh xảo, cao toàn bộ nếu kể cả phần đầu đã mất là khoảng 30cm. Tượng Phật này thuộc tượng thờ của chùa Thông hoàn toàn khác với tượng mộ mà chúng tôi vừa phát hiện, gợi mở đến tục dựng đá viền quanh mộ, tục tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên, tượng gốm Hanuka ở các mộ gò lớn ở Nhật Bản.
Tượng khắc trên nền 1 hòn cuội suối có lớp khoáng mềm bọc ở xung quanh. Dựa vào phần áo khoáng mềm này, người xưa đã khắc bằng những nhát rạch không sâu, đủ thể hiện 1 hình người ngồi quỳ, 2 tay chắp giữa gối, mặt nhìn thẳng. Hiện tượng này rất dễ bị bỏ qua bởi dáng cuội nguyên thủy không khác những hòn cuội phủ mộ khác.
Do đó, có thể chúng ta đã bỏ sót rất nhiều hình khắc trên cuội phủ mộ đời Trần như thế này. Thực tế là chúng chỉ được phát hiện nếu chúng ta rửa tất cả các hòn cuội suối phủ trên các mộ đời Trần - một công việc khá mất thời gian và lao động, trước đây thường bị bỏ qua trong quá trình khai quật.
Bài viết này một mặt giới thiệu 1 dạng tượng hiếm hoi ở đời Trần, mặt khác cảnh báo cho những lần khai quật sau về khả năng phát hiện loại hình di vật này trong các đá cuội phủ mộ có khi lên đến hàng trăm viên.
(Còn tiếp)
TS Nguyễn Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất