Góc Hồng Ngọc: Alex Ferguson và quản trị người hùng

19/05/2013 13:09 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Hồng Ngọc khẳng định với Cà phê thể thao rằng Sir Alex Ferguson dù rất vĩ đại, nhưng sẽ để lại cho người kế nhiệm một gánh nặng do mô hình quản trị “người hùng”, vốn phổ biến trong bóng đá Anh.



Sir Alex cùng danh hiệu Premier League thứ 20 trong lịch sử M.U

* Cà phê thể thao: Hồng Ngọc này, bóng đá vừa chia tay một huấn luyện viên vĩ đại sau 27 năm liên tục dẫn dắt một câu lạc bộ nổi tiếng bậc nhất thế giới.

- Hồng Ngọc: Đó rõ ràng là một huấn luyện viên vĩ đại. Ông dẫn dắt một đội từng có tên tuổi nhưng đang gặp khó khăn trở lại đỉnh cao, và liên tục duy trì trên đỉnh cao của bóng đá Anh, và từng bước chinh phục châu Âu. Hai mươi sáu năm rưỡi với 13 lần vô địch Premier League, bình quân cứ hai năm có một lần vô địch. Trên đấu trường châu Âu thì “khiêm tốn” hơn, với chỉ hai danh hiệu vô địch Champions League.

Người ta thường nói câu cửa miệng: lên đỉnh cao đã khó, trụ lại ở đỉnh cao còn khó hơn. Khi vươn tới đỉnh cao, người ta dễ sút giảm động lực. Trong khi các đối thủ tìm hiểu họ nhiều hơn, và dần dần tìm ra giải pháp khắc chế. Tức là người ta chịu thách thức từ chính bản thân mình lẫn các đối thủ. Để thoát khỏi tình trạng đó, đội bóng phải luôn biết tự tạo động lực để vượt qua chính mình, và luôn tự làm mới mình để tránh sự bắt bài của đối thủ. Vô cùng khó. Đó là lý do chúng ta hầu như không thấy một đội bóng nào ngự trị ở trên đỉnh cao một nền bóng đá hàng đầu thế giới suốt 20 năm, và càng không thể tìm thấy khi đội bóng đó được dẫn dắt bởi một người. Chu kỳ đỉnh cao thông thường là ba năm, và những đội bóng kiệt xuất có thể kéo dài được năm năm. Rồi họ suy thoái, khủng hoảng, và phải thay đổi. Thay huấn luyện viên và có thể thay hàng loạt cầu thủ. “Triều đại” gần nhất mà chúng ta chứng kiến là Barcelona của Pep Guardiola cũng chỉ kéo dài bốn năm. Pep hiểu giới hạn đó và ra đi.

Thành tựu đó cho thấy Alex Ferguson là một con người có đam mê bóng đá vô tận và khát khao chiến thắng vô tận. Một người không biết đến điểm dừng. Và khát khao đó mạnh đến nỗi, ông truyền được nó cho các thế hệ cầu thủ, gồm cả những người đi cùng ông suốt 20 năm đỉnh cao. Và luôn đổi mới. Từ một đội bóng chơi cống hiến có phần ngây thơ ở thập kỷ 90, đến đội bóng chơi thực dụng, đặt danh hiệu lên hàng đầu suốt từ đầu thế kỷ 21.

* Bạn mải nói về sự vĩ đại của ông ấy, mà hình như không muốn nhắc tới sự may mắn hay cơ hội thuận lợi của ông ấy?

- Chả có thành tựu nào lớn mà thiếu sự may mắn cả, và thiên tài chỉ phát tiết khi có cơ hội. Vấn đề là may mắn, cơ hội chỉ đến với những người xứng đáng. Nhất là khi thành tựu quá lớn và kéo dài như thế, người ta sẽ xem nhẹ yếu tố may mắn hơn. Cú ăn ba thần thánh năm 1999 quả thực là cực kỳ may mắn. Trong trận bán kết FA Cup với Arsenal, họ bị thua người và cứu được quả penalty ở cuối trận, để rồi kết thúc bằng bàn thắng siêu đẳng của Ryan Giggs trong hiệp phụ. Họ cũng bị Juventus áp đảo và dẫn trước dễ dàng ở bán kết C1, nhưng sự khinh địch của đối thủ đã trao cho họ cơ hội. Đỉnh điểm là trận thắng hoang tưởng ở chung kết Champions League, khi Bayern Munich kiểm soát hoàn toàn trận đấu suốt 90 phút với vô số cơ hội ăn bàn, còn M.U không thể lên được bóng, bỗng dưng tìm thấy cơ hội ở trong hai pha phạt góc ở phút bù giờ, biến thành hai bàn thắng kiểu “ném bóng vào chân” của hai cầu thủ dự bị.

Nhưng cơ hội lớn nhất mà Ferguson có được chính là thời gian sáu năm rưỡi đầu tiên ở M.U. Đã có lúc họ bên bờ vực xuống hạng. Và mùa giải 1991-92, họ để mất chức vô địch sau khi dẫn đầu phần lớn mùa giải, còn lượt đi mùa kế tiếp họ xếp thứ 10, cho đến khi Eric Cantona tới và thay đổi mọi việc. Chúng ta phải biết M.U là một đội bóng hàng đầu nước Anh, có sân bóng lớn nhất, đã chấp nhận chờ ngần ấy thời gian. Sẽ không có huấn luyện viên nào được trao cho cơ hội lâu như thế nữa. Và chính cái sân bóng lớn nhất nước Anh đó đã mở đường cho họ làm kinh doanh bóng đá, sau này liên tục là đội bóng kinh doanh giỏi nhất thế giới.

* Ngài Ferguson nghỉ hưu đã để lại một di sản vô cùng thuận lợi cho người kế nhiệm David Moyes. Một người trồng cây, người đến sau chỉ việc hái quả…

- Với những gì hữu hình thì đúng là như vậy. M.U giàu có, đội hình đồng đều, trẻ trung, và thấm đượm văn hóa, tinh thần chiến thắng. Nhưng trên phương diện quản trị, đó là một rủi ro lớn. Như nhiều câu lạc bộ Anh, M.U của Ferguson theo mô hình quản trị người hùng. Một người kiệt xuất được trao mọi quyền hành, từ dẫn dắt đội một, quản lý đội bóng, mua bán cầu thủ, và kiến tạo lứa kế cận. Sự xuất sắc của cá nhân làm thay cho sự vận hành và phối hợp tập thể, vốn hợp tác với nhau qua quy trình hay thể chế. Khi cá nhân đó kết thúc vai trò, thể chế chưa định hình, và mọi thứ dần trở thành một mớ hỗn độn. Chỉ có một thiên tài khác mới tái lập được trật tự và gặt hái thành tựu. Thiên tài không mấy khi xuất hiện, và chúng ta chắc dễ thống nhất với nhau rằng David Moyes không phải là thiên tài.

* Ý của bạn là không nên trao toàn quyền cho một huấn luyện viên như vậy?

- Đúng nhưng chưa đủ. Mọi tổ chức trao toàn quyền cho một lãnh tụ vĩ đại đều không thể tiếp tục duy trì sự thịnh vượng khi vị lãnh tụ đó kết thúc vai trò lãnh đạo. Khuyết điểm lớn nhất của mô hình quản trị người hùng là nó không xây dựng thể chế, trong đó hình thành một nhóm những nhà lãnh đạo xuất sắc cùng làm việc với nhau, có chia sẻ và hợp tác qua một cơ chế được định hình, vì thế không bảo đảm được tính liên tục và lứa kế cận. Barcelona cũng chọn cách xây dựng thể chế bóng đá của họ chứ không xoay quanh một cá nhân cụ thể. Khi huấn luyện viên này ra đi sẽ có huấn luyện viên khác thay thế, mà huấn luyện viên chỉ là mắt xích trong một hệ thống, một triết lý. Bayern Munich cũng vậy.

Chúng ta hãy nhìn vào những đội bóng do Jose Mourinho dẫn dắt. Đó cũng là huấn luyện viên quản trị kiểu “người hùng”, và mỗi khi ông ta ra đi, đều để lại một mớ hỗn độn. M.U hậu Ferguson sẽ không tệ như thế, nhưng cũng dễ gần như thế!

* Cảm ơn Hồng Ngọc vì những kiến giải rất… khác thường của bạn!

P.V
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm