12/08/2012 14:10 GMT+7 | Các môn thể thao khác
(TT&VH Cuối tuần)- Kenya vẫn đang vật lộn để thoát khỏi cái nghèo nhưng đất nước người dân phải chạy ăn từng bữa ấy lại sản sinh ra vô số nhà vô địch marathon. Dường như cái nghèo đã thúc đẩy những người dân nơi đây phải chạy thật xa, thật nhanh để tới một cuộc sống ấm no hơn.
Marathon là của Kenya
Nếu viên quân bưu Pheidippides (530-490 Trước Công nguyên) là người Kenya, có lẽ ông đã không gục ngã ngay sau khi chạy một mạch 42,195 km từ Marathon về thành Athens để báo tin chiến thắng. Bởi lẽ tại đất nước châu Phi này, có quá nhiều người có thể chạy hết quãng đường này, thậm chí với tốc độ chóng mặt.
Năm 2011, có 70 người Kenya có thể chạy marathon (dài 42,195 km, đúng bằng quãng đường của Pheidippides) nhanh hơn vận động viên xuất sắc nhất châu Âu. Có 151 vận động viên trên thế giới có thể chạy marathon dưới hai giờ 10 phút và 121 trong số này là người Kenya! Cũng trong năm ngoái, cả 20 kỷ lục marathon đều do các vận động viên Kenya xác lập. Họ cũng gần như thống trị các giải marathon hàng đầu thế giới, từ Berlin, London, Boston, Chicago tới New York.
Tại sao các vận động viên Kenya lại có thể xuất sắc như vậy? Nhờ công nghệ thể thao tối tân, nhờ những đội ngũ nghiên cứu dinh dưỡng, sức khỏe hay tâm lý hàng đầu thế giới? Đất nước chỉ có GDP bình quân đầu người là 850 USD, đứng thứ 155/183 theo số liệu của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), dĩ nhiên chưa thể sở hữu những điều điều kiện lý tưởng như vậy. Bí quyết của họ nằm ở lối sống thường nhật, nơi chạy là một phần của cuộc sống, đã ngấm sâu vào trong từng tế bào của người Kenya.
Với người Kenya, chạy là một cách để tránh xa cái nghèo- Ảnh Getty
Tập chạy với sư tử
Ngay từ nhỏ, các thiếu nhi đã phải chạy bởi Kenya là một nước nghèo, rất thiếu các phương tiện giao thông hiện đại và phải chạy nhanh bởi nguy hiểm luôn rình rập khắp nơi. Cần nhớ Kenya là một trong những nơi có nhiều sư tử nhất thế giới. Johana Kariankei, tài năng trẻ hàng đầu của Kenya, cho biết: “Từ năm bảy tuổi, tôi đã bắt đầu phải chăn 40 con bò, thêm một ít dê nữa. Xung quanh có sư tử, báo và cả voi nữa nên phải để mắt liên hồi và dĩ nhiên phải chạy thật nhanh”.
Cứ chạy suốt ngày, từ ở nhà tới trường, khi chăn nuôi cho gia đình, nên không khó hiểu khi nhiều người Kenya lại có thành tích tốt như vậy. Malcolm Gladwell, tác giả cuốn Những kẻ xuất chúng, sau nhiều nghiên cứu đã cho rằng nếu muốn trở thành vĩ đại, bạn phải luyện tập 10.000 giờ. Giả sử các thiếu nhi Kenya mỗi ngày chạy hai giờ, trong một năm đã đạt 730 giờ. Kariankei năm nay 20 tuổi, tức đã chạy 13 năm, đạt 9.490 giờ, gần đến ngưỡng để trở nên xuất chúng.
Lối sống của người phương tây không cho phép nhiều người, thậm chí chẳng ai, có thể đạt tới ngưỡng chạy 10.000 giờ. Có câu chuyện hài hước cười rằng một quý bà thừa cân định đi bộ để giảm béo nhưng vừa được một lát đã có ô tô dừng lại cho đi nhờ! Thế nên dù Mỹ hay châu Âu có đổ tiền khủng khiếp vào những cuộc nghiên cứu thể thao, nhưng khi các vận động viên của họ không có một nền tảng tốt từ bé, rất khó để đạt được thành tích xuất sắc như ở Kenya.
Ra ngõ gặp anh hùng
Dĩ nhiên thói quen chạy từ thời niên thiếu chỉ là tiền đề. Quá trình tập luyện chuyên nghiệp mới là bước tiếp theo tạo nên những ngôi sao điền kinh hàng đầu. Với nhiều người Kenya, trở thành vận động viên điền kinh là một cơ hội đổi đời. Một vận động viên điền kinh có năng lực khá, nếu nhanh trí một chút và tìm được một huấn luyện viên giỏi có thể dễ dàng kiếm được 15.000-20.000 USD một năm, gấp 10 lần lương của viên chức nhà nước. Các ngôi sao marathon hàng đầu thế giới còn có thể kiếm được nhiều hơn như thế.
Các vận động viên trẻ của Kenya không có tiền để mời các huấn luyện viên hàng đầu nhưng bù lại, có cơ hội tập luyện cùng các nhà vô địch, những người vô cùng thân thiện tại Iten. Đây một ngôi làng nhỏ nằm cách thủ đô Nairobi sáu giờ lái xe, là thánh địa Mecca của các nhà vô địch marathon. Tại ngôi làng này, có tới 700-1.000 vận động viên điền kinh, chiếm hơn một nửa dân số cả ngôi làng. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu bạn tới Iten và thấy trong số hàng trăm vận động viên đang tập chạy quanh đường làng, thỉnh thoảng lại bị chặn bởi những chú cừu, có nhiều nhà vô địch thế giới.
Khi đã “gần đèn”, các vận động viên trẻ sớm “rạng” hơn hẳn. Kariankei cho biết: “Ở gần các nhà vô địch, giấc mơ của tôi sớm thành hiện thực hơn. Tập luyện hằng ngày cùng họ, tôi biết cách họ rèn luyện ra sao, chạy như thế nào và tôi có thể làm giống như vậy. Tôi đến Iten tập luyện toàn thời gian ba năm nay và tiến bộ chóng mặt”. Janet Achola, 22 tuổi, một vận động viên điền kinh Uganda, cũng đã tới Iten tập luyện và thu được những kết quả đáng kinh ngạc. Năm 2010, Achola chạy 1.500 mét hết 4:09:51 nhưng sau hai năm, đã rút ngắn xuống còn 4:05:52, phá kỷ lục quốc gia.
Các vận độc viên thuộc nhóm có khả năng giành huy chương tại Olympic thường được chính phủ các nước đầu tư cả núi tiền nhưng các vận động viên Kenya dù xuất sắc cũng không được hưởng những chính sách như vậy. Thậm chí, một vận động viên từng giành huy chương Olympic còn tiết lộ rằng có quan chức đã vòi phóng viên quốc tế 1.000 USD cho mỗi cuộc phỏng vấn với các ngôi sao nhưng biển thủ số tiền này. Biết vậy, nhưng các vận động viên không lên tiếng bởi chính trị tại Kenya rất phức tạp (Samuel Wanjiru, vận động viên marathon hàng đầu Kenya năm ngoái đã bỗng dưng bị ngã từ ban công một cách rất bí ẩn) và phần khác, với họ, được chạy đã là một niềm vui. Cũng giống như anh chàng Forrest Gump, niềm vui đến từ việc chạy chứ không phải phần thưởng nơi cuối con đường.
Trần Khánh An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất