20/04/2021 06:27 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Còn quá sớm để khẳng định Stefanos Tsitsipas sẽ giành được Grand Slam, nhưng trong một mùa giải mà anh từng loại Rafael Nadal khỏi Australian Open, giành được giải Masters 1000 đầu tiên trong sự nghiệp, thì tội gì mà không đặt mục tiêu đầy tham vọng như thế?
Nếu hình dung trong đầu danh sách các tay vợt có thành tích thắng – thua tốt nhất trong năm, hẳn trong đầu nhiều người sẽ hiện lên những tượng đài của làng banh nỉ như Rafael Nadal, Roger Federer và Novak Djokovic. Nhưng thật ra, với những người theo dõi quần vợt hàng tuần thì khác, họ sẽ ghi nhận nỗ lực đáng kể của một làn sóng trẻ đang tích lũy điểm số và sự tự tin để sẵn sàng vượt qua thế hệ đàn anh. Stefanos Tsitsipas là một ví dụ tiêu biểu.
Chiến tích ở Monte Carlo
Trong khi Big Three đang theo xu thế chọn lọc các giải đấu, tập trung vào Grand Slam thì những người trẻ như Tsitsipas đang tận dụng thời cơ này để “chiếm sóng” của các đàn anh. Bất chấp những hạn chế do tác động của dịch Covid-19, Tsitsipas vẫn tham dự 7 giải đấu, đánh tổng cộng 27 trận (22 thắng – 5 thua), và thành tích ấy của anh chỉ kém mỗi Andrey Rublev (29 trận, 24 thắng – 5 thua). Họ cũng là hai tay vợt hiếm hoi vượt mốc 20 trận thắng ở mùa giải này. Để so sánh, cả Nadal và Djokovic mới chỉ đánh tổng cộng 19 trận trong năm 2021 này mà thôi.
Ở Monte-Carlo, Rublev đã gây sốc khi hạ Nadal ở vòng tứ kết, nhưng sau đó, Tsitsipas còn xuất sắc hơn khi hạ tay vợt người Nga 6-3, 6-3 ở trận chung kết. Tại Monte-Carlo, nơi được coi như thánh địa của Rafael Nadal, Tsitsipas đã vô địch mà không thua một set nào, và chỉ thua vỏn vẹn 9 game trong hai trận bán kết (thắng Daniel Evans) và chung kết (thắng Rublev). Trong số các tay vợt hiện nay, chỉ có hai người từng vô địch một giải Masters 1000 mà không thua một set đấu nào là Novak Djokovic và Grigor Dimitrov. Hai tay vợt này cũng dự Monte-Carlo Masters năm nay, nhưng đều lần lượt bị loại ở vòng ba.
Có nhiều ý kiến cho rằng Tsitsipas vô địch Monte-Carlo bởi Nadal và Djokovic đã “buông” giải đấu này. Đó là một nhận xét tương đối phiến diện. Có thể bộ đôi này không đạt phong độ cao nhất, chứ “buông” thì không có căn cứ. Việc Monte-Carlo Masters thu hút tới 8 tay vợt Top 10 tham dự chứng tỏ các ngôi sao đánh giá rất cao giải đấu này, từ uy tín của nó cho đến hệ thống điểm thưởng.
Hơn một năm trước, Tsitsipas từng gây sốc khi vô địch ATP Finals 2019. Đó là giải đấu mà Nadal, Djokovic dừng bước từ vòng bảng, còn Federer bị Tsitsipas loại ở bán kết. Song đây mới là lần đầu tiên anh vô địch một giải Masters 1000 sau hai lần thất bại ở Rogers Cup 2018 (thua Nadal) và Madrid Masters 2019 (thua Djokovic). Chiến thắng của Tsitsipas còn thuyết phục hơn nếu biết rằng Rublev đang sở hữu 7 chiến thắng liên tiếp tại các trận chung kết.
Bước đà cho Grand Slam?
Phát biểu sau khi nhận giải, Tsitsipas đánh giá chức vô địch Monte-Carlo Masters còn hơn cả danh hiệu ATP Finals 2019. Về khía cạnh tâm lý, việc lần đầu chinh phục được Masters 1000 giúp sự tự tin của tay vợt điển trai người Hy Lạp này tăng lên một cấp độ mới, và đó có thể là một bước đệm để anh nhắm tới đấu trường danh giá hơn: Grand Slam.
Đó cũng là sân chơi mà Tsitsipas đã ba lần vào tới bán kết nhưng đều thất bại (Australian Open 2019, 2021, Roland Garros 2020). Trong thế hệ 9X, Dominic Thiem đã vô địch Grand Slam (US Open 2020), trong khi Daniil Medvedev và Alexander Zverev cũng đều từng đi tới trận đấu cuối cùng. Đó sẽ là một áp lực, nhưng cũng là động lực không nhỏ đối với Tsitsipas.
Để trở thành một ngôi sao lớn thực sự, Tsitsipas sẽ phải phấn đấu nhiều hơn ở đấu trường danh giá nhất, khốc liệt nhất. Đúng là Tsitsipas vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều thời gian ở phía trước, nhưng hãy nhớ rằng ở tuổi anh, Nadal đã chơi 7 trận chung kết Grand Slam và 5 lần vô địch, Federer cũng giành 2 Grand Slam, còn Djokovic là chủ nhân Australian Open 2008 khi mới 20 tuổi.
Tsitsipas, thật ra, từng có những khoảnh khắc không quên ở đấu trường Grand Slam. Đó là khi anh đánh bại huyền thoại Roger Federer để lọt vào bán kết Australian Open 2019, hay trở thành tay vợt thứ hai trong lịch sử đánh bại Nadal sau khi thua hai set đầu ở Australian Open 2021. Vấn đề là sau những chiến thắng ấn tượng ấy lại là những thất bại ở bán kết Grand Slam – một chỉ dấu cho thấy anh cần phải rèn giũa nhiều hơn nữa về khả năng duy trì sự hưng phấn bằng một cái đầu lạnh.
Dẫu sao thì thời gian vẫn đang đứng về phía Tsitsipas, chứ không phải Big Three. Miễn là anh phải nỗ lực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nữa thôi.
Tsitsipas “nối gót” mẹ mình Có một điều khá đặc biệt mà nhiều người không biết: Stefanos Tsitsipas không phải thành viên đầu tiên trong gia đình mình vô địch giải đấu đất nện tại Monte-Carlo Country Club. Mẹ của anh, bà Julia Salnikova, đã giành được danh hiệu dành cho các tay vợt trẻ tại địa điểm này vào năm 1981. Julia Sergeyevna Salnikova, sinh năm 1964, là một cựu tay vợt người Nga. Bà thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1978 và thi đấu cho tuyển Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ trước. Sau khi cưới Apostolos Tsitsipas, một HLV người Hy Lạp, bà đã nhập quốc tịch và thi đấu cho Hy Lạp. Trong sự nghiệp của mình (1978-92), bà Julia từng xếp cao nhất là hạng 194 thế giới (15/10/1990), giành 3 danh hiệu ITF đơn, 1 danh hiệu đôi. |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất