Kết thúc VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Sự hụt hẫng của bóng đá Việt Nam

03/11/2015 08:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Những lò đào tạo danh tiếng "bật bãi" từ sớm, ngoại trừ Hà Nội T&T và không nhiều những cái tên mới mẻ nổi trội lên ở VCK lần thứ 19. Những chi tiết đó xoáy sâu vào thực trạng một nền bóng đá đang bị hụt hẫng nghiêm trọng ở khía cạnh đào tạo tài năng trẻ.

Việc những lò đào tạo được coi là trỗi dậy mạnh mẽ, là thế lực của bóng đá trẻ Việt Nam trong nửa thập kỷ trở lại đây như PVF hay Viettel không thể có vé lọt vào VCK là minh chứng của sự non nớt của cả hai. Dù đã có vé lên chơi ở giải hạng Nhất 2015 nhưng đội hình Viettel cũng không thể so với “lò” Hà Nội T&T vượt trội hơn nhờ dàn cầu thủ không chỉ từng trải ở giải hạng Nhất mà cả V-League.

Tiếc cho Viettel, PVF

Đó có thể là sự kém may mắn của Viettel. Còn lãnh đội PVF cảm thấy đáng tiếc khi họ không thua trận nào (2 thắng, 2 hòa) nhưng vẫn phải rời cuộc chơi vì chỉ xếp nhì bảng D.

Cả PVF và Viettel chứng tỏ họ vẫn chưa thể tiếp cận đỉnh cao với tập thể còn rất trẻ trung của mình. So với những cầu thủ nhỉnh hơn mình đôi chút về tuổi đời lẫn tuổi nghề, họ bộc lộ rõ sự yếu thế về kinh nghiệm. Họ có thể làm “hổ báo” ở những giải đấu U19 trở xuống, nhưng chỉ là “mèo con” trên một cái đỉnh cao hơn là U21.

Điều này cũng cho thấy một thực tế rằng, không phải lò đào tạo trẻ nào đạt được thành tích tốt ở những sân chơi cấp dưới cũng có thể thành công khi tiệm cận đỉnh cao. Bóng đá trẻ còn như thế, chưa kể ở cả V-League, HAGL mùa bóng 2015 vừa qua cũng cho nhiều người cảm giác hụt hẫng.

Công Phượng và các đồng đội có thể là những tài danh sáng giá ở lứa tuổi U19 nhưng đến V-League, nhiều người đã bị thui chột tài năng vì sân chơi quá tầm với sức họ.

Mới đây, PVF đã “xuất khẩu” 6 cầu thủ U19 nổi trội của họ cho Than Quảng Ninh mượn nhằm thử lửa đỉnh cao. Đây được xem là bước đi có tính toán để trau dồi kinh nghiệm cho những cầu thủ trẻ. Lãnh đạo đội bóng vùng mỏ cũng cho biết họ sẽ lấy bài học HAGL làm gương và sẽ cất nhắc sử dụng những cầu thủ PVF để không phí hoài tài năng trẻ.

Nỗi buồn của những tên tuổi lớn

Trong sự thoái trào đồng loạt của các lò đào tạo trẻ danh tiếng còn phải kể đến SLNA. Việc nhà vô địch U21 QG 2014, trung tâm đào tạo giàu truyền thống nhất nhì Việt Nam, bật bãi ngay từ vòng loại năm nay là một cú sốc với CĐV xứ Nghệ.

SLNA không thể đến với VCK dù sở hữu dàn tinh binh vô địch mùa trước và không ít người từng trải ở V-League. Thậm chí, SLNA còn phải chịu thiệt đơn thiệt kép khi hậu vệ Mạnh Hùng lại mang tai tiếng vì xấu chơi ở vòng loại. Sau vụ Ngọc Hải chưa hết lùm xùm dư luận thì đây có lẽ là một năm buồn với bóng đá xứ Nghệ.

Những đội trẻ của họ cũng bị lép vế trước những thế lực mới như PVF hay Viettel. Từ một lò đào tạo có bản sắc, truyền thống nhất đất nước, bóng đá trẻ xứ Nghệ đang đi thụt lùi so với mặt bằng chung. Đây là điều chưa hề có trong tiền lệ, không chỉ với SLNA mà cả với nền bóng đá.

Khá hơn SLNA đôi chút là U21 Gia Lai. Đội hình của HLV Trịnh Duy Quang đem đến VCK năm nay gồm toàn cầu thủ đã có kinh nghiệm ở hạng Nhất và V-League. Trẻ Gia Lai có nhiều CĐV nhất vì vẫn còn hiệu ứng của thế hệ U19 Việt Nam ngày nào. Nhưng thành tích trên sân lại chiếu theo chiều ngược lại. Đến nỗi có lẽ vì quá thất vọng, CĐV đã không còn treo những khẩu hiệu ủng hộ bầu Đức và những đứa trẻ của ông chỉ sau lượt trận đầu tiên.

Việc nhiều cái tên “lạ” bất ngờ đi đến VCK năm nay với nhiều người là một bất ngờ thú vị. 3/4 CLB vào bán kết giải là Bình Định, An Giang và chủ nhà TP.HCM khiến giải đấu trở nên khó lường hơn.

Nhưng cũng từ đây là sự phản ánh sự đi xuống của những cái gọi là truyền thống, bản sắc. Chủ nhà TP.HCM gom góp vội được 1 đội hình, lại chỉ có 6 tuần chuẩn bị do được đặc cách vào thẳng VCK nhưng thầy trò HLV Phùng Thanh Phương vẫn lọt vào bán kết.

Thành tích này TP.HCM có được không phải bởi họ quá xuất sắc mà đơn giản vì phong độ quá phập phù của Huế và Gia Lai. Từ giải này, CĐV Sài thành phần nào trỗi dậy hy vọng về sự vươn vai của bóng đá TP.HCM như thuở nào.

Nhưng có lẽ tín hiệu vui đó không kéo dài bao lâu vì sau giải này mọi chuyện lại đâu vào đấy. CLB TP.HCM theo lộ trình sẽ nỗ lực thăng hạng mùa tới, nhưng làm sao hiện thực hóa được mục tiêu này vẫn là dấu hỏi lớn.

Việc An Giang lọt đến trận đấu cuối cùng gợi nhớ đến một đội bóng miền Tây khác là Vĩnh Long của mùa giải 2013. Năm đó, Vĩnh Long cũng "hùng hổ" vào chung kết và chấp nhận thất bại trước Hà Nội T&T. Nhìn lại bây giờ, Vĩnh Long đang ngụp lặn ở giải hạng Nhì. Kết thúc giải hạng Nhì năm nay, An Giang xếp hạng 5/7 đội ở bảng B.

Họ đến với VCK cũng chỉ với tư cách là đội nhất bảng có thành tích kém nhất. Sắp tới, người làm bóng đá An Giang xác định đội bóng trẻ này sẽ tham dự giải hạng Ba và đi lên dần dần. Chưa biết lộ trình khi nào An Giang sẽ trở lại V-League nhưng có điều chắc chắn, bài học của Vĩnh Long là ngay trước mắt. Xét về bản chất, phong độ nhất thời ở một giải trẻ không  phải lúc nào cũng phản ánh chính xác năng lực thực tế của nền bóng đá địa phương đó.

Từ những giải đấu như VCK U21 QG, phần nào sẽ thấy thực trạng của cả nền bóng đá. Điểm sáng duy nhất Hà Nội T&T vào đến trận cuối cùng cả 3 năm gần nhất phản ánh đúng năng lực của họ. Và chính CLB này được giới chuyên môn thừa nhận cầu thủ mà họ đào tạo có đủ tài năng phục vụ đỉnh cao.

Công cuộc “đãi cát tìm vàng” vẫn rất gian nan. Với mặt bằng chung ở mức sàn sàn như nhau, không khó hiểu khi căn bệnh hụt hẫng nhân tài của bóng đá Việt Nam ngày càng trầm trọng.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm