Viết cho Kaka: Ngày anh đi...

19/01/2009 12:07 GMT+7 | Italy

(TT&VH) -  7 vạn khán giả ngồi chật kín những khán đài của San Siro luôn chỉ có một câu hỏi: đấy có phải là trận đấu cuối cùng của Kaka? Không thể cứ hát “Đừng bán Kaka” (Non si vende Kaka) trong cả trận là anh sẽ ở lại, không thể đốt những tờ 50 euro giả ngay trước mắt Galliani là Milan thay đổi ý định, không thể nhìn thấy Kaka đặt tay lên trái tim và ngước mắt lên khán đài lúc đầu và cuối trận để tin anh vẫn còn yêu họ. Không thay đổi được bất cứ điều gì nữa.

Anh không cô đơn, Kaka

Anh nở nụ cười với tất cả, nhưng ai cũng hiểu là anh không vui. Anh cười với những cầu thủ Fiorentina bắt tay anh lúc cuối trận. Anh ôm lấy từng đồng đội trong một cuộc chia tay buồn bã mà có lẽ ai cũng hiểu nếu sau đấy Kaka có ôm họ, đấy không phải là cái ôm của một người đồng đội, mà chỉ là một người bạn cũ. Anh cười với những khán đài tức giận và nức nở trong cả trận với những tiếng hát “Đừng bán Kaka” lặp đi lặp lại. Những tiếng hát của các tifosi Milan trên khán đài San Siro giống hệt như những lời cầu nguyện trong giáo đường mà trời quá cao Chúa không nghe thấu. Anh cố cười với những tifosi đã chờ anh trong cái lạnh ban đêm lúc anh ra xe để về nhà.
 
Ai cũng thấy là anh quá xúc động, và trong cả trận đấu, anh không còn là chính anh. Anh tìm kiếm một bàn thắng cho riêng mình như một món quà tặng lại những người đã yêu anh hết mực. Nhưng ở đời, không gì hoàn hảo, kể cả cuộc hôn nhân giữa anh và Milan. Nhưng anh vẫn còn hạnh phúc hơn Shevchenko đôi chút. Ngày Sheva đi, người ta chỉ trích anh hết lời và ở trận cuối cùng mùa bóng 2005/06, anh không ra sân vì chấn thương, mà đứng xem trên khán đài San Siro, cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa muôn vạn trái tim Milan mà anh đã cùng nhịp đập với họ trong suốt 7 năm ròng rã nắng mưa.
 
Tạm biệt nhé, Kaka!
 
Kaka không muốn cô đơn trong chuyến đi này. Các tifosi cảm thấy điều ấy, nhưng rốt cục, khi tất cả trở về nhà sau trận đấu, giống như những người La Mã vừa rời đấu trường cổ và chia tay với người võ sĩ giác đấu mà họ yêu mến sắp ra đi ở chặng cuối cùng của một tình yêu, họ cảm thấy cô đơn và bị phản bội. Không phải Kaka đã phản bội họ, mà chính là CLB, mà người đứng đầu là Berlusconi. Nếu những tiếng hát vang vọng trong một bầu không khí xúc động và nghẹn ngào ấy đôi khi bị gián đoạn bởi những tiếng huýt sáo, thì hẳn không phải là vì các tifosi ghét bỏ hay hờn dỗi, mà là vì họ cảm thấy sự nghiệt ngã của cuộc đời, điều mà họ có thể đã từng gặp, là người mà họ yêu thương nhất bỗng có ngày từ giã họ ra đi dù với bất cứ lí do nào.
 
Điều ấy chỉ có những người đã yêu và đau khổ mới hiểu nổi. Chỉ cần liếc mắt lên khán đài là Kaka hiểu. Anh quá rành tiếng Ý. Những băng rôn kia là cho anh. Cả một khán đài mang số 22. Họ viết, “Cho Eto’o 80 triệu - đã có Mastercard (một hãng thẻ tín dụng), cho Cristiano Ronaldo 100 triệu - đã có Mastercard, cho Messi 150 triệu – đã có Mastercard. Nhưng Kaka không có giá”, “Tình yêu không phải để đem bán”, “Bán Kaka, Milan không phải Milan nữa”, hay “Kaka ở lại, đây là nhà của anh”, “Galliani cút đi”. Khi người của BTC sân đọc kết quả các trận đấu ở các giải VĐQG Châu Âu vào giờ nghỉ giữa 2 hiệp, cả một biển la ó và huýt sáo đã vang lên khi đọc đến trận thắng của Man City trước Wigan.
 

“6 năm qua, Kaka đã ở đây với chúng ta...”

Các tifosi Milan nổi loạn và thể hiện sự phản kháng thật sự. Lần đầu tiên, họ đòi Berlusconi ra đi. Nhóm Padania Rossa đã thu được 5 nghìn chữ kí để yêu cầu Kaka ở lại. Họ viết trên băng rôn “Nếu ngài có tâm, hãy bán CLB đi”. Cuộc hôn nhân tifosi-Berlusconi sau 23 năm đứng trước nguy cơ rạn vỡ. Những người thất vọng và bất mãn chỉ nhìn thấy ở thương vụ Kaka không phải là một sự hy sinh như Berlusconi vẫn kêu gọi dân chúng, mà là một hành động làm giàu. Những tiếng la ó trên sân không phải dành cho Kaka, mà cho những người đứng đầu Milan, và trên một khía cạnh xa hơn, đứng đầu nhà nước Italia.
 
Họ buồn không chỉ vì Kaka ra đi và những tuyên bố theo kiểu Berlusconi, nghĩa là đổ lỗi sự ra đi này cho phía Kaka, rằng anh cần tiền, nhiều tiền và không thể tăng lương mãi cho anh. Họ buồn không phải vì suy nghĩ Kaka đã phản bội họ, dù không ít người đã có quan điểm ấy. Hãy gạt bỏ tiền khỏi chuyện này để nghĩ đến yếu tố tình cảm. Họ buồn vì không bao giờ nghĩ rằng, những người như Shevchenko hay Kaka, những người mà họ yêu và cũng yêu họ, đã từng không dưới một lần khẳng định sẽ ở lại với họ cho đến hết sự nghiệp, xây trên đôi chân mình những tượng đài, bỗng nhiên một ngày dứt áo ra đi và không hẹn ngày trở lại.
 
Đêm San Siro, Shevchenko ngồi ghế dự bị suốt 90 phút. Không một camera nào chĩa vào anh và anh chỉ hiện diện trên bảng báo cáo của trận đấu trong danh sách dự bị. Nhưng bỗng nghĩ đến anh và thông cảm cho anh. Các tifosi yêu anh đến thế kia mà. Hai năm trước anh đã đi. Và bây giờ anh trở lại. Milan lại có anh, thể xác anh, trái tim anh, tâm hồn anh. Nhưng anh không còn là anh nữa. Anh đi, anh ở và anh trở nhưng không thể hàn gắn vết thương không bao giờ kín miệng...
 
Trên kênh Milan Chanel, Marco Suma, giám đốc kênh này và cũng là một BLV lên tiếng trong nghẹn ngào ở đầu trận, “6 năm Kaka đã ở đây với chúng ta...”. Nhưng ông không thế nói hết câu ấy. Hàng triệu milanisti cũng nghẹn ngào như thế, trong cái đêm mà không chỉ Milan, mà cả calcio, tiếc nuối anh. Bây giờ anh vẫn chưa đi. Hợp đồng chưa được chính thức kí. Nhưng tất cả đều tin, đêm San Siro, đêm 17/1/2009, giữa ầm ào những tiếng hát tự hào vang vọng khi nó bị tổn thương, đấy là lần cuối cùng họ thấy anh ấp tay lên trái tim, trong màu áo đỏ-đen, 5 năm rưỡi sau khi anh đặt tay lên đó lần đầu tiên ở San Siro, ngày 8/10/2003, trận Milan đánh bại Inter 3-1.

Addio amore, Kaka (Chào anh, Kaka)!

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm