27/10/2017 11:19 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Sau khi ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận trên báo chí 50% lụa của thương hiệu này bán tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, người tiêu dùng tỏ ra vô cùng bất ngờ và bức xúc.
Vụ việc thương hiệu lụa nổi tiếng Khaisilk bị phát hiện gắn mác "Made in Vietnam" lên hàng Trung Quốc tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nó đang lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội với nỗi bức xúc của người tiêu dùng. Nếu là một thương hiệu không tên tuổi thì có lẽ ít ai quan tâm. Nhưng suốt 30 năm qua, không biết đã có bao nhiêu người mua lụa Khaisilk và ai cũng nghĩ thương hiệu Khaisilk hoàn toàn là "Made in Vietnam".
Sau khi ông chủ Khaisilk thừa nhận việc một nửa số hàng hóa của mình là có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng vẫn gắn nhãn "Made in Vietnam", nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra bức xúc và kêu gọi tẩy chay thương hiệu này.
Chị Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ cảm xúc: “Ông Khải ngụy biện quá. Các thương hiệu lớn trên thế giới dù có đặt nhà máy ở Trung Quốc thì hàng hóa của họ như: Apple, Zara, H&M... vẫn ghi rõ xuất xứ 'Made in China' chứ không có chuyện cắt mác xuất xứ, gắn mác 'Made in Vietnam' như Khaisilk. Đây rõ ràng là hành vi lừa đảo khách hàng, mà lại kéo dài suốt 30 năm nay, đề nghị nhà nước xử nghiêm".
Chị Bạch Huệ ở Vĩnh Phúc thì tỏ ra mất niềm tin vào hàng hóa "Made in Vietnam". "Việc mua hàng/nguyên liệu Trung Quốc về dán mác Việt là căn bệnh của nhiều doanh nghiệp Việt trong nhiều năm qua, sâu xa là vì tham lợi nhuận, vì yếu tố cạnh tranh. Chẳng phải nhìn đâu xa, làng nghề truyền thống như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng giờ mấy ai làm nghề đâu, chuyển sang buôn đồ Trung Quốc hết rồi. Về Bát Tràng mua gốm, nhưng thực ra hàng China đấy, lụa Vạn Phúc thì khoác cho mình tấm áo sặc sỡ, lung linh hơn, nhưng cũng toàn hàng Trung Quốc cả", chị Huệ tỏ ra thất vọng.
Theo các chuyên gia về marketing, các thương hiệu lớn toàn cầu vẫn thường gia công sản xuất hàng ở các nước khác nhau. Nhất là tại Trung Quốc vì đó là thị trường rộng lớn, nhân công giá rẻ. Sản phẩm sẽ mang nhãn mác thể hiện nơi sản xuất. Vấn đề quan trọng là các thương hiệu phải thông tin rõ ràng cho khách hàng biết, không gây nhầm lẫn.
Cũng như vậy, một thương hiệu nổi tiếng Việt Nam hoàn toàn có thể được sản xuất từ Trung Quốc và doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Còn với trường hợp Khaisilk, doanh nghiệp lại cắt hết nhãn xuất xứ để thay bằng nhãn mới. Đây là hành vi lừa đảo khách hàng, khiến niềm tin của người tiêu dùng vào Khaisilk và rộng hơn là những thương hiệu Việt khác bị giảm sút.
Các luật sư đã đề nghị xử phạt nặng trường hợp Khaisilk để răn đe các doanh nghiệp làm ăn gian dối khác. “Lừa người tiêu dùng trong thời gian 30 năm với số lượng khăn bán ra rất lớn nên đã có đủ yếu tố để khởi tố hình sự Khaisilk. Nhà nước phải xử thật nghiêm để làm gương cho các doanh nghiệp khác”, luật sư Nguyễn Văn Hậu (TP Hồ Chí Minh) đề nghị.
Trong một diễn biến khác, chiều 26/10, lực lượng chức năng đã có mặt tại cửa hàng Khaisilk (113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để kiểm tra. Đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Trước đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội đã mua 60 chiếc khăn của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm quà tặng cho đối tác với đơn giá 644.000 đồng/chiếc. Sau khi nhận hàng, khách hàng phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn với nội dung “made in China”. Khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại đã phát hiệu nhiều dấu hiệu cắt mác.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất