12/12/2015 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Là linh hồn của các cuộc trình diễn ấn tượng mang tính khai mở cho các fashion show ở Việt Nam từ hơn chục năm trước, nhưng đến giờ Giám đốc sáng tạo Đẹp Fashion Show từ 1 đến 8, Elle Show 1, 2… Nguyễn Thanh Hương, quen biết trong giới thời trang Việt với tên Hương Color, mới thật sự đến gần giấc mơ lớn của đời mình: Tổ chức Tuần lễ nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Vietnam Designer Fashion Week - VDFW).
Sự kiện diễn ra trong 6 ngày, từ 14 đến 19/12, là tiền đề cho việc thành lập Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Việt Nam.
Người Thái đã làm tôi thay đổi…
* Sàn diễn thời trang Việt Nam vài năm gần đây rất sôi động với hàng loạt cuộc thi và tuần lễ thời trang. Được biết chị đã ấp ủ VDFW từ rất lâu, chắc hẳn có những sự khác biệt?
- VDFW trước hết là sân chơi dành cho các nhà thiết kế thời trang trong nước, cho các thương hiệu nội địa, là cầu nối thương mại cho nền công nghiệp thời trang nội địa với mục tiêu bán lẻ nhắm đến người tiêu dùng Việt Nam. Ý tưởng về một sân chơi như vậy thực sự nhen nhóm từ 8 năm trước.
Làm xong Đẹp Fashion Show 3 (DFS), tôi đến xem Bangkok Fashion Week 2007, với bao nhiêu điều: mơ ước, nguyện vọng ấp ủ từ đây. Tham gia sự kiện này, từ nhãn hàng, nhà thiết kế đều là người Thailand.
Đó là những thương hiệu nội địa, trình diễn bộ xong được bày bán tại Siam Paragon. Nên khách hàng, nhà báo như tôi có thể ra đó để mua cho mình sản phẩm mà mình chấm điểm từ catwalk. Tôi ăn ngủ ở Tuần lễ thời trang Bangkok đúng 1 tuần, xem trình diễn rất nhiều show thời trang, dự các hội thảo chuyên đề về nguyên vật liệu, cách tạo dựng thương hiệu, xây dựng tạp chí thời trang, trang điểm, làm đẹp, quan sát đủ thứ, từ cách làm việc trong hậu trường, cách setup sàn catwalk, ánh sáng… và nhận ra Việt Nam mình thật thiếu thốn và ngây ngô trong ngành công nghiệp này.
Tôi nghĩ, ấp ủ về một tuần lễ thời trang như vậy ở Việt Nam nhưng chưa làm được vì quá nhiều lý do. Hơn nữa, tổ chức một tuần lễ thời trang cần có một chiến lược lớn, tỉ mỉ từ cách thức tổ chức, nhân sự, tiền bạc… Giờ là lúc mọi thứ đã chín để tôi và các cộng sự bắt tay khởi đầu.
* Tức là từ lúc đó chị nhận thấy có gì chưa ổn trong các fashion show ở Việt Nam?
- Đẹp Fashion Show những năm đầu đã mang đến cho khán giả Việt Nam những chương trình ấn tượng, gây tiếng vang trên truyền thông nhưng thực chất đó là những performance show nặng tính trình diễn chứ chưa phải fashion show. Fashion show phải để kinh doanh.
Tôi may mắn được tham dự thêm một số sự kiện tuần lễ thời trang ở Paris, New York, học hỏi nhiều điều nữa từ thời trang cao cấp của Pháp cho đến tính thực tế của người Mỹ tại NYFW.
Với Elle Show, tôi thay đổi hẳn cách làm: Trình diễn khác, ánh sáng khác, tiêu chí chọn nhà thiết kế cũng khác. Elle Show đầu tiên, Đỗ Mạnh Cường giới thiệu với bộ sưu tập trắng đen, chấm bi và bán hết veo sau đó. Trước khi chuẩn bị cho show diễn này, Cường không làm đồ trình diễn nữa mà theo hẳn việc kinh doanh để kiếm tiền từ thời trang.
Tôi nói với Cường: “Chị em mình chơi thế đủ rồi, làm thời trang không phải chỉ vì cái danh mà phải kinh doanh, bộ sưu tập phải làm ra tiền, và phải thực tế. Sau này Cường lớn mạnh vẫn không quên dấu mốc đó vì show diễn đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và kinh doanh của DMC.
* Chị biết tất cả các tuần lễ thời trang danh tiếng đều gắn với tên thành phố, địa điểm diễn ra. Tại sao chị lại dùng Vietnam Designer Fashion Week, một cái tên vừa to tát - vì gắn với cả nước - và cũng là cái tên dễ bị lẫn vào những cái tên khác bắt đầu từ “Vietnam” và kết thúc bằng “Fashion Week”?
- Paris, London, New York hay Bangkok Fashion Week là những sự kiện mà chính quyền các thành phố đó ngoài bỏ tiền đầu tư vào thời trang để thu hút khách du lịch, còn giúp kích cầu cho các thương hiệu thời trang kinh doanh, phát triển thương hiệu tại nước đó. Việt Nam thì chưa, nhưng sắp vì có VDFW (cười).
Tôi đã từng nghĩ đến Saigon Fashion Week nhưng cái tên đó đã có nơi đăng ký bản quyền. Tôi muốn làm các tuần lễ thời trang ở Sài Gòn hoặc Hà Nội để tạo môi trường kinh doanh cho tất cả các nhà thiết kế và thương hiệu. Tên “Việt Nam” khi đọc lên cũng làm tôi thấy tim mình đập mạnh. Hơn nữa, cái tên không quan trọng bằng những gì diễn ra trong đó.
Ông chủ Zara đã thế chỗ ông chủ LVMH
* Trong VDFW, ngoài những tên tuổi quen thuộc như Đỗ Mạnh Cường, Hà Linh Thư, Li Lam, Rue De Chats…, chị dành chỗ cho các nhà thiết kế chưa hề có tên, tại sao vậy?
- Tôi đi chấm thi tốt nghiệp ở các trường đại học có chuyên ngành thiết kế thời trang và thấy rằng có nhiều sinh viên rất tài năng. Họ giàu năng lượng và sự sáng tạo khi đang ở độ tuổi sung sức nhất. Tôi chọn mỗi trường một em mời vào màn trình diễn chung để giới thiệu họ. Chắc chắn khán giả sẽ bất ngờ với những sản phẩm của các sinh viên này.
Cũng qua những lần chấm thi ở trường đại học, trò chuyện với các giảng viên và sinh viên, tôi được biết có rất nhiều sinh viên giỏi chỉ sau 2 - 3 năm ra trường là bỏ nghề. Và người ta vẫn quan niệm làm nhà thiết kế là phải con nhà khá giả vì toàn phải mang tiền nhà ra xây dựng thương hiệu.
Đó là do quan niệm sai lầm về nghề nghiệp. Các nhà thiết kế trẻ không hề nghĩ đến những công việc nhỏ hơn như làm trợ lý, phụ việc cho các hãng thời trang lớn. Hầu hết các nhà thiết kế lớn đều phải trải qua những công việc như vậy ít nhất 10 năm để lấy kinh nghiệm chứ không ai vừa học xong là làm thương hiệu thành công ngay được.
Hiện nay các trường chỉ dạy sinh viên cách làm ra những bộ trang phục chứ không dạy về con đường sự nghiệp của một nhà thiết kế như thế nào. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế thành danh cũng không hề gặp thuận lợi với công việc kinh doanh của mình. Họ kiếm mỗi tháng 30 - 40 triệu đồng rất vất vả bởi mô hình kinh doanh của họ rất nhỏ lẻ, không khác mấy mô hình của những tiệm may. Vì thế mà tôi rất muốn đóng góp vào việc giúp các nhà thiết kế trẻ tìm ra con đường của mình và những người đã thành danh có thể tìm ra cách kinh doanh hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.
* Chị có nhắc đến Đỗ Mạnh Cường, tôi nhớ rằng anh ấy từng tuyên bố sẽ không tham gia các show chung từ khi tổ chức show riêng đều đặn. Điều gì ở VDFW khiến Đỗ Mạnh Cường thay đổi chủ trương, khi anh ấy đã có vài tỷ để đổ vào các show riêng của mình?
- Tôi nói với Cường rằng thay vì đổ tiền tỷ vào làm show riêng, DMC hoàn toàn có thể đầu tư ít đi bằng cách tham gia VDFW. Đây không phải với riêng Cường mà với tất cả các nhà thiết kế. Paris, New York, Tokyo Fashion Week… đều là nơi, thời điểm các nhà thời trang lớn, nhỏ tổ chức show tìm kiếm khách hàng, nhà bán lẻ.
Nếu tổ chức show cùng thời điểm, cả thế giới sẽ đổ về thành phố đó, hoặc dõi theo các xu hướng, nhà thiết kế tài năng. Tôi hy vọng VDFW sẽ giảm chi phí cho các nhà thiết kế khi tổ chức chung địa điểm, thời điểm, mà lợi nhuận kinh doanh lại tăng lên do các tuần lễ thời trang tạo được môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, PR hiệu quả.
Với VDFW, tôi còn muốn rằng các bộ, ngành liên quan, hiệp hội dệt may… sẽ quan tâm đến sự kiện này, cùng ngồi xuống bàn bạc để tìm ra con đường chung cho sự phát triển, tìm nguồn nguyên, phụ liệu, kinh doanh hiệu quả cho ngành thời trang Việt Nam, làm sao có những thương hiệu uy tín, người Việt Nam thay vì mua Uniqlo, H&M, Zara… quay ra mua hàng Việt Nam thì vui biết mấy.
* Chị nghĩ đến sự phát triển của cả ngành thời trang Việt Nam. Vậy xin chị lý giải điều này. Những người như chị, hay tôi cũng thường đến các trung tâm thương mại như Taka hay Saigon Square để tìm mua những bộ váy áo gọi là hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng được dán mác Zara, H&M… Và cũng có người cho rằng những trung tâm như vậy đang bóp chết thời trang Việt Nam.
- Tôi là người tiêu dùng và chúng ta cần phải sử dụng đồng tiền của chúng ta một cách thông minh nhất. Zara, H&M mỗi mùa thời trang đều đi copy nhanh chóng và sản xuất hàng loạt để cung cấp cho toàn thế giới. Dù đó là mặt trái của việc sản xuất thời trang thì cũng không thể thay đổi được vì điều đó là bình thường, tất yếu.
Nếu như trước đây ông chủ của LVMH là người giàu nhất trong làng thời trang thế giới thì nay vị trí này đã thuộc về chủ của Zara! Người tiêu dùng có toàn quyền quyết định cách tiêu tiền. Không thể trách hay đổ vạ cho họ rằng họ bóp chết thời trang Việt được mà nên trách thời trang Việt Nam chưa biết vận hành theo người tiêu dùng. Tôi cũng được biết có doanh nghiệp Việt Nam tập trung nhiều nhà thiết kế trẻ làm đúng công việc mà các nhà thiết kế ở Zara hay H&M đang làm, copy mẫu và sáng tạo thêm theo đúng xu hướng của thế giới để cung cấp cho các trung tâm như Taka hay Saigon Square.
Nếu bạn vào đó mua hàng mà thấy các mẫu đẹp nhưng không phải Zara, H&M hay Mango gì đó, rất có thể bạn đã mua những mẫu của người Việt làm ra từ đầu đến cuối. Việc đó là rất đúng xu thế, một hướng đi tốt và nó đã mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp kia. Mình là doanh nghiệp địa phương, có nhân công rẻ trong khi các doanh nghiệp quốc tế đến đây gia công phải trả những khoản phí khác, vậy tại sao không làm để có doanh thu cao, thúc đẩy thị trường nội địa và tạo công ăn việc làm cho chính người lao động nước mình?
Chính thị trường trong nước mới nhiều tiềm năng, các nhà thiết kế Việt, thương hiệu thời trang Việt chỉ cần chinh phục được người tiêu dùng nội địa là đã thành công về doanh thu rồi.
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất