Phục dựng điện Kính Thiên: Đừng hỏi 'bao giờ xong'

19/03/2015 14:01 GMT+7 | Di sản

(giaidauscholar.com) - "Nâng lên đặt xuống "hơn chục năm, cuối cùng thì ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long cũng đã... nhích thêm một bước với đề án nghiên cứu vừa được TP.Hà Nội phê duyệt. Nhưng đến bao giờ, người dân thủ đô mới được chiêm ngưỡng công trình này?

Đó cũng là câu hỏi mà dư luận liên tục đặt ra trong vài ngày qua. Tới mức, trong cuộc trao đổi vào sáng 17/3, phía thực hiện dự án phải bắt đầu bằng lời khẳng định: đây mới chỉ là đề án nghiên cứu cơ sở khoa học và  tính khả thi của việc phục dựng.

Từ nỗi lo “giả cổ”

Trong những tranh luận trước khi đề án nghiên cứu được phê duyệt, một số chuyên gia từng lo ngại về độ chuẩn xác của điện Kính Thiên khi phục dựng, bởi sự thiếu vắng nghiêm trọng những tư liệu cũ về kiến trúc này. Thậm chí, một số ý kiến còn tỏ ra không hào hứng với việc khôi phục một công trình theo kiểu "giả cổ" và gây ảnh hưởng tới nguyên trạng.


Nền điện Kính Thiên hiện tại với đôi rồng đá và khu "nhà con Rồng" được người Pháp xây dựng

Tuy nhiên, trao đổi với PV Thể thao&Văn hóa (TTXVN), PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ VN (đơn vị tư vấn cho dự án), cho rằng việc phục dựng điện Kính Thiên là việc nên làm, nếu xét theo bối cảnh đặc thù của VN và khu vực. "Thực tế tại các quốc gia Đông Á cho thấy: các công trình từng được phục dựng một phần hoặc nhiều phần như Tử Cấm Thành (Trung Quốc), cố đô Nara (Nhật bản), điện Changdeokgung (Hàn Quốc) đều trở thành những điểm đến về văn hóa và du lịch" – ông Tín nói.

Bản thân, đề xuất nghiên cứu được đệ trình lên lãnh đạo Hà Nội cũng ghi rõ: việc phục dựng kiến trúc đặc biệt này xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo người dân muốn có một công trình để "làm sáng tỏ không gian lịch sử, tăng cường giáo dục truyền thống và tiềm năng du lịch". Ngoài ra, điện Kính Thiên sau khi phục dựng cũng vừa là điểm nhấn quan trọng để tôn vinh quần thể Di sản Thế giới HTTL, vừa là tiền đề cho việc nghiên cứu các di sản kiến trúc tại VN sau này.

Sự thiếu vắng tư liệu về điện Kính Thiên dự kiến sẽ được bổ khuyết bằng công tác khảo cổ học tại chỗ trong thời gian sắp tới, cũng như việc tham chiếu thư tịch cổ và các vấn đề mặt bằng, kết cấu, trang trí, quy mô... tại kiến trúc cung đình Huế. Cũng theo đề án, bên cạnh việc phục dựng điện theo kiến trúc thời Lê Trung Hưng (giai đoạn còn giữ được nhiều tư liệu nhất), các kiến trúc của điện Kính Thiên thời Lý, Trần ( có các tên Càn Nguyên, Thiên An), Nguyễn sẽ được nghiên cứu để tái hiện bằng công nghệ 3D để bổ sung phục vụ khách tham quan.

Ngoài ra, ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội (đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án) nhận xét, hiện tại, do chưa có phương án phục dựng, hướng xử lý với các phần di tích thời sau đang nằm quanh nền Kính Thiên cũ (tòa nhà Cục tác chiến, Nhà con rồng)... vẫn đang bị tạm "treo".

Đến mục tiêu... xa vời

Như thông tin được đề án cung cấp, ý tưởng khôi phục điện Kính Thiên từng được UBND TP.Hà Nội đưa ra từ năm 2001. Có nghĩa, phải mất tới 14 năm sau, công việc này mới chuyển từ ý tưởng sang.... bước khởi động đầu tiên: lập dự án nghiên cứu. Giữa quãng thời gian đó, ngành khảo cổ cũng đã tiến hành khai quật khu vực quanh điện Kính Thiên cũ trong 4 năm gần đây, nhưng chỉ giới hạn ở một diện tích rất nhỏ.

Để so sánh, các tư liệu được cung cấp cho thấy: khi phục dựng Đại Kim Điện thuộc quần thể cố đô Nara, phía Nhật Bản đã mất gần 30 năm nghiên cứu chi tiết. Tiếp đó, việc dựng mô hình 1:1 và hoàn thiện bổ sung diễn ra trong vòng 10 năm, trước khi phục dựng trong 10 năm cuối cùng. Với các công trình di sản Hàn Quốc, việc phục dựng diễn ra có thể ngắn hơn, nhưng cũng phải mất ít nhất 5 năm nghiên cứu.

Được biết, theo đề xuất ban đầu của các phía thực hiện dự án, việc nghiên cứu này dự kiến tối thiểu cần tới 4 năm để hoàn thành. Do vậy, với đề án nghiên cứu, việc phải triển khai tối đa trong 18 tháng để kịp báo cáo  theo yêu cầu của UBND TP.Hà Nội sẽ là một thách thức cực lớn. Việc nghiên cứu sẽ được triển khai song song cùng lúc trên nhiều nhóm công việc: sưu tầm khảo cứu tư liệu, tiếp tục khai thác khảo cổ học, học tập kinh nghiệm phục dựng của các nước Đông Á, thiết lập bản vẽ mô hình theo công nghệ 2D và 3D, tìm phương án để di sản phát huy giá trị sau khi phục dựng.

Hiện tại, hi vọng lớn nhất của đề án là việc khảo cổ trong thời gian tới sẽ đưa ra các kết luận cơ bản về cấu trúc nền và hệ thống móng trụ chính của điện Kính Thiên. Trong trường hợp này, quãng thời gian nghiên cứu sẽ được rút ngắn đáng kể. "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình nghiên cứu"- ông Trần Việt Anh nói. " Do vậy, việc nói về phương án chi tiết, cũng như thời điểm dự tính để triển khai phục dựng, là quá xa vời".

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm