Khám phá bản chất của đêm qua trưng bày ánh sáng 'Xem đêm - Càng đêm'

04/07/2020 16:19 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Xem đêm - Càng đêm là tên trưng bày ánh sáng của nghệ sỹ thị giác Nguyễn Đức Phương và kiến trúc sư Nguyễn Hà, diễn ra từ ngày 5 đến 31/7/2020, tại Manzi Exhibition Space (số 2 Ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội).

Trưng bày gần 300 hiện vật, tài liệu về 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

Trưng bày gần 300 hiện vật, tài liệu về 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

Ngày 27/8, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã khai mạc trưng bày gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật chuyên đề “Hải Dương - 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969-2019”.

Cuộc trưng bày ánh sáng này là sự kết hợp thú vị giữa kiến trúc và nghệ thuật thị giác, phản chiếu sự tương đồng giữa nghệ sỹ và kiến trúc sư trong việc tái tạo không gian và tạo hình.

Trưng bày được chia làm 2 phần, tựa như 2 chương trong một cuốn truyện dài. Mỗi chương là một cuộc trưng bày mới, một loạt sắp đặt mới và một cách tái tạo không gian mới. Trong đó, chương 1 có chủ đề “Xem đêm” sẽ diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 5/7 đến ngày 19/7. Chương 2 có chủ đề “Càng đêm” sẽ bắt đầu từ ngày 23/7 đến ngày 31/7.  Trưng bày mở cửa đón khách từ 15 giờ đến 21 giờ từ thứ Ba tới Chủ nhật hàng tuần.

Xem đêm – Càng đêm lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống vùng Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, gồm 5 cụm sắp đặt với 150 tác phẩm đèn, được tạo hình theo phom dáng những vật dụng bình dị trong đời sống nông thôn Việt Nam như giỏ tre, làn, lưỡi rìu, đầu rau, đá lửa… và những đồ tế lễ vùng núi Tây Bắc như thẻ tre, triện, mõ cá…

Không chỉ riêng phần tạo dáng đèn và tạo khối, việc sử dụng các chất liệu truyền thống như giấy dó, vải, tinh mầu chàm, than, gò đồng, nhôm đúc… kết hợp với nguyên liệu công nghiệp hiện đại như composite, thép… cũng đem lại hiệu quả khá bất ngờ về thị giác và công năng cho các tác phẩm trong triển lãm lần này.

Chú thích ảnh
Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn

Đại diện Ban tổ chức trưng bày cho biết, trưng bày “Xem đêm - Càng đêm”, theo một cách nào đó, là một cuộc thu gom ký ức, là một lần thử làm rõ bản chất của đêm, của im lặng và của tối.

Nghệ sỹ thị giác Nguyễn Đức Phương (hay còn gọi là Phương Giò) sinh năm 1982 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2007, Nguyễn Đức Phương được biết tới như một nghệ sỹ có thực hành sáng tạo khá đa dạng trên nhiều chất liệu và hình thức khác nhau.

Quan tâm sâu sắc tới văn hoá bản địa, trong các tác phẩm của mình, từ tranh, sắp đặt tới các tác phẩm mang tính ứng dụng, Nguyễn Đức Phương thường sử dụng chất liệu truyền thống, như giấy dó, đất, gốm. Với cách tạo hình giản lược, các tác phẩm của Phương trong trẻo, bình thản nhưng hài hước và tràn đầy niềm vui sống.

Năm 2017, Nguyễn Đức Phương thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên gọi “Ngắm giấy” tại Manzi Art Space; anh cũng tham gia một số triển lãm nhóm như: “Toả 2” (2018) tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội; “Trông trời ngóng thánh” (2017)  tại Nhà sàn Collective, Hà Nội. Hiện Nguyễn Đức Phương đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Kiến trúc sư Nguyễn Hà sinh năm 1980 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng, Nguyễn Hà nhận học bổng toàn phần của chính phủ Thụy Sĩ để theo học cao học kiến trúc tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich (ETHZ). Sau một thời gian làm việc tại Thụy Sĩ, năm 2010, cô về nước, mở văn phòng thực hành cùng 2 kiến trúc sư Laurent Cantalou và Kurt Aellen.

Sáng tạo là con đường thử nghiệm một mình và Nguyễn Hà tự nhận mình là người cực đoan, muốn đi đến cùng của sự thử nghiệm. Việc thử nghiệm với các mô hình kiến trúc và các bản vẽ đã giúp Nguyễn Hà thỏa sức sáng tạo và tự thử thách chính mình.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm