Khám phá lại Kim Dung (kỳ 5): Sự lưỡng tính của tà phái

05/11/2018 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ai có thể đoan trang hơn Mục Niêm Từ? Nhưng người con gái sẽ suốt đời giữ thủy chung với Dương Khang là một con người ung thối, gian xảo…

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu một đoạn bình trong cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, NXB Đà Nẵng sắp phát hành. Các tiểu dẫn và xuống đoạn trong bài do chúng tôi đặt.

Tiếng gọi của huyền bí

Con người bị thế giới thay đổi. Ấy là tại thế giới lớn hơn con người. Người anh hùng Kim Dung thường xuyên bị vây giữa cái chưa biết. Tương lai thì mịt mù, hiện tại lại khó hiểu, mà sau lưng chàng còn cả một dĩ vãng mà chàng không hề tham dự, nhưng đôi khi một võ công thất truyền nhắc lại như tiếng vọng của một cái gì thần bí và hoang đường. Chàng phải khám phá ra thế giới từng bước một.

Chú thích ảnh
Hoàng Dung trong "Anh hùng xạ điêu" phiên bản 2003...

Nhưng thế giới như không có giới hạn. Hết sự lạ này lại đến sự lạ khác, hết võ công này lại có võ công khác cao hơn và như người ta nói, ngoài trời lại có trời.

Kinh nghiệm của người anh hùng là kinh nghiệm của cái vô cùng, cái bên kia, cái khác. Từ cái phồn hoa của những đô thị đến những cơ quan ác hiểm, tất cả, trong truyện võ hiệp cổ điển, đều làm chứng cho sự nhân loại hóa của thế giới.

Cảnh trí trong truyện võ hiệp mới khác hẳn. Hang sâu, vực thẳm, rừng hoang, đảo vắng, sa mạc mêng mông, một thiên nhiên dữ tợn vây con người ở khắp nơi. Ở khắp nơi xao xác tiếng gọi của huyền bí và của vô cùng.

Vừa đe dọa nó vừa cám dỗ

Tà đạo trong Kim Dung cũng có lưỡng tính ấy. Vừa đe dọa nó vừa cám dỗ. Như người của chính phái, khi lâm sự, người của tà đạo cũng mười phần ác độc, và đôi khi những đòn của họ còn thâm hiểm gấp bội: chỉ có người tà đạo, chẳng hạn, mới nuôi rắn ở trong túi để đề phòng khi họ bị thua, kẻ thù có lục xác sẽ bị rắn cắn chết. Nhưng họ không bao giờ tìm cách cho sự ác độc ấy một minh chứng. Hơn thế nữa họ còn cười đạo lý của những môn phái khác là ngây thơ, giả dối và hủ lậu.

Chú thích ảnh
 ...và Đông Tà Hoàng Dược Sư trong "Tân anh hùng xạ điêu" bản mới nhất

Cám dỗ đầu tiên họ mang lại là một tự do không biên giới. Người lương thiện trước họ sửng sốt tự hỏi sao trên đời lại có người như thế? Làm sao có thể vô tình trước sự thông minh của Hoàng Dung, nhan sắc của Hân Tố Tố, sự uyên bác của Tạ Tốn, tính ngạo mạn của của Hoàng Dược Sư?

Những đức tính ấy tuy nhiên chỉ là những cám dỗ bề ngoài. Xa hơn nữa Kim Dung sẽ cho người ta thấy rằng tội ác tự nó có một sức thu hút lạ thường. Ai có thể đoan trang hơn Mục Niêm Từ? Nhưng người con gái sẽ suốt đời giữ thủy chung với Dương Khang là một con người ung thối, gian xảo và ngoài danh vọng ra thì chẳng thiết gì.

Cũng như thế, Kỷ Hiểu Phù sẽ chịu chết mà không chịu phản bội Dương Tiêu mà sư phụ nàng gọi là một tên dâm tặc và cũng là người tình của chính nàng.

Trong những mối tình ấy có một cái gì người ta không thể hiểu hết và người ta tự hỏi khi tả chúng thì Kim Dung đã muốn nói lên cái gì. Sự thôi miên của tội ác, sự phi lý của tình yêu hay cái thiêng liêng mà người ta muốn xác định trong những con người sa đọa nhất?

Tất cả những ý tưởng ấy có lẽ cùng một lúc đã thoáng qua trong đầu người ta, khi cái xác của Dương Khang phơi ở ngoài một miếu vắng, đàn quạ no nê chỉ để lại một mớ xương hoang. Con người gian xảo ấy đã đền tội một cách xứng đáng. Nhưng trong một ngôi chùa xa, ít người lai vãng, Mục Niệm Từ sẽ giữ nguyên dưới đáy lòng ảnh tượng của một người yêu.

Những tâm lý phức tạp

Không có gì trong thế giờ là minh định như xưa. Họ thường xuyên phải ngạc nhiên, tự tra vấn, xét lại những thành kiến và những ước định của mình. Cho nên người nào cũng có một đời sống bên trong cực kì sôi động.

Hơn thế nữa, chẳng mấy người chưa từng trải qua những cay đắng của giang hồ, và đen trong mình một quá khứ nặng nề. Kinh nghiệm ấy cho họ một tâm hồn đầy uẩn khúc, và mỗi nhân vật giờ xuất hiện như một sự sâu xa thần bí. Ấy là nguồn của cái tâm lý phức tạp mà người ta thường ca tụng Kim Dung là đã mang vào truyện võ hiệp.

Tâm lý trong kim Dung có lẽ cũng không phức tạp như người ta nói. Nhưng ít nhất thì nhân vật của ông cũng không phải là những vai trò mang những nhãn hiệu cố định. Sau những nhãn hiệu là một thế giớ riêng tư, sau những vai trò còn có con người, và con người đích thực theo Kim Dung là con người năng tính.

Ông sẽ cho người ta thấy trong những tên đại ma đầu, một người cha muôn thuở đang ngủ. Tiếng khóc của một trẻ thơ thức tỉnh Tạ Tốn khỏi cơn mê sảng đẫm máu từ bao lâu đã vùi ông trong một cuộc tàn sát tưởng không bao giờ thôi. Và cái sướng nhất đời của Âu Dương Phong, có ai ngờ là được một thằng bé con gọi là cha.

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 2): Triết lý về tinh hoa võ học

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 2): Triết lý về tinh hoa võ học

Nói tóm lại thì võ lực trong Kim Dung không phải chỉ có những cái tên rất đẹp. Nó không chỉ là cơ hội cho những vũ điệu ngoạn mục mà còn góp phần vào sự diễn biến và sức dẫn cảm của truyện.

Mất con. Diệp Mị Nương bắt trẻ của người để ăn tim uống máu. Nhưng chỉ cần nhìn thấy lại đứa con mụ vẫn mong thầm nhớ trộm là mụ chợt giác ngộ và lên án cả quá khứ của mình.

Cũng như thế, một Lý Mạc Thu có thể nhảy vào lửa để cứu một đứa trẻ thơ. Nhưng dưới tác phong tàn bạo của họ, nhân vật nào trong kim Dung lại không đa sầu, đa cảm và đa tình? Người ta chỉ cần nhớ đến sự thủy chung của Hoàng Dược Sư với người vợ sớm qua đời, và tiếng sáo của ông trên nước biếc, khi một mình trên chiếc thuyền ông đi khắp bốn bể tìm con.

Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong cơ thể con người. Không có tình giữa nhưng vai trò xã hội. Nhưng khi hai nhân vật khám phá nhau như những con người, nghĩa là khi Trương Thúy Sơn thấy Hân Tố Tố không giống hẳn cái ảnh tượng mà mấy tiếng nữ ma đầu gợi ra trong đầu chàng thì cái tình giữa hai người đã bắt đầu.

(Còn nữa)

Đỗ Long Vân

(Trích từ tập nghiên cứu "Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung")

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm