20/06/2016 21:42 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Vẫn biết là đất nước còn nhiều khó khăn, và hầu như ai cũng phải không ngừng bươn chải để lập thân, lập nghiệp..., nhưng sau sự ra đi của phi công SU-30MK2 Trần Quang Khải, ai ai cũng cảm thấy bất ngờ khi hay tin, vợ con anh – chị Trần Thị Hà và cháu gái nhỏ tuổi - đang phải thuê nhà để sống ở Hà Nội.
Ai là giáo viên thì đều biết dạy hợp đồng là như thế nào, và cửa ải thi công chức khó khăn ra sao...
Ở đây, tôi không muốn nhấn mạnh đến những khó khăn của gia đình anh – mà có lẽ với một người lính như anh lúc sinh thời – thì những khó khăn ấy cũng chẳng thấm tháp gì. Nhưng dường như ai cũng nghĩ rằng, lúc sinh thời, với một thượng tá quân đội như anh, lại đương chức Phó trung đoàn Trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371 thì lẽ ra anh đã phải xây dựng được một "hậu phương" cực kỳ vững chắc về kinh tế.
Xin lưu ý rằng, anh không phải người trẻ mới ra trường đang trên đương lập nghiệp nữa. Anh đã là người đàn ông trung niên, chủ gia đình, và bước qua tuổi "tứ thập" từ lâu (sinh năm 1973), anh cũng đã có 25 năm rèn luyện và phấn đấu không ngừng trong quân ngũ để cống hiến cho đất nước. Hẳn mọi người đã có thể hình dung phần nào về quá trình học tập và rèn luyện để có thể trở thành phi công cấp 1, "lái chính" của chiếc máy bay hiện đại bậc nhất hiện nay là SU-30MK2...
Và hẳn rằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng có chung một suy nghĩ như thế, cho nên ngay sau khi biết công việc của vợ anh ở trường Chu Văn An, ông đã ký quyết định số 3215/QĐ-UBND về việc tuyển dụng đặc cách chị vào viên chức. Và từ ngày 19/6, chị đã chính thức trở thành giáo viên trường Trung học phổ thông Chu Văn An, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội.
Một sự tri ân kịp thời của Thành phố Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung đối với gia đình phi công liệt sĩ Trần Quang Khải. Và sự tri ân chắc chắn cũng không chỉ dừng lại ở đó...
Cần nhớ rằng, đây không phải là một ngoại lệ. Chúng ta biết rằng, chăm lo cho thân nhân các liệt sĩ và những người lính cống hiến cho tổ quốc là chủ trương, chính sách chung của đất nước ta.
Còn nhớ sau tai nạn rơi máy bay quân sự thảm khốc ở Hòa Lạc 2 năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khi đó đã lập tức chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô và Quân chủng Phòng không - Không quân "nghiên cứu sắp xếp chỗ ở cho vợ con các đồng chí hy sinh”. Đồng thời chỉ đạo “có phương án hỗ trợ các cháu ăn học. Đối với những đồng chí vợ chưa có việc làm, quân đội sẽ tạo điều kiện việc làm phù hợp với trình độ, khả năng của mỗi người".
Người duy nhất sống sót trong tai nạn năm đó, là thượng úy Đinh Văn Dương cũng được đất nước chăm lo rất chu đáo. Để vợ chồng Thượng úy Đinh Văn Dương bớt phần khó khăn, Bộ Quốc phòng đã có quyết định về việc tặng căn hộ chung cư cho gia đình anh. Căn hộ có diện tích gần 70m2, tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đặt trong bối cảnh đó, tôi tin rằng, sự tri ân của đất nước đối với gia đình phi công liệt sĩ Trần Quang Khải chắc chắn không dừng lại ở những việc làm nêu trên. Vợ anh đã có công việc ổn định ở trường Chu Văn An, nhưng phần "an cư" và cuộc sống sau nay của hai mẹ con chắn vẫn còn nhiều khó khăn, cần tiếp tục được chăm lo chu đáo. Lại nhớ rằng, trước khi hy sinh, anh luôn ao ước xây căn nhà kiểu Thái Lan cho bố, đưa vợ về quê sống bên anh em...
Nhìn về hậu phương của những người lính từ trường hợp của phi công Trần Quang Khải chắc chắn xã hội chưa thể yên tâm. Người lính, trong thời chiến hay thời bình, vẫn luôn là những người xông pha nơi "tiền tuyến", nắm chắc tay súng để bảo vệ bình yên cho bờ cõi, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Tất cả những người lính ấy đều cần có hậu phương vững chắc để có thể yên tâm nơi tuyến đầu. Hậu phương vững chắc ấy phải bao gồm cả điều kiện vật chất đầy đủ nữa. Muốn thế, xã hội phải không ngừng chăm lo tới cuộc sống của các anh và của thân nhân các anh.
Người lính Việt Nam, như trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu, vốn xuất thân từ nơi "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá". Họ lên đường bỏ lại đằng sau "căn nhà không mặc kệ gió lung lay", và sống, chiến đấu trong cảnh "đêm rét chung chăn"...
Cho đến nay, có thể thấy là đất nước đã hết sức chăm lo cho đời sống của các quân nhân. Nhưng chúng ta không thể nói là đã chăm lo đầy đủ. Đơn cử như khi ra Trường Sa, chúng ta đều thấy bữa ăn của người lính đảo đạm bạc như thế nào, thiếu từ lá rau xanh đến chậu nước ngọt. Không ít người ra Trường Sa chỉ ao ước một ngày, đất nước giàu có để có thể vận chuyển rau xanh, thịt tươi đều đặn cho lính đảo và lính nhà giàn, để các anh đỡ phải tăng gia lợn gà, rau cỏ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt...
Cùng với sự đi lên của xã hội thì sự chăm lo cho người lính và hậu phương của họ phải nhiều hơn nữa và cũng kịp thời hơn nữa...
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất