Từ Ba Tơ đến Dung Quất

22/02/2009 09:24 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm nay 22.2, một dấu ấn quan trọng sẽ diễn ra ở Dung Quất, Quảng Ngãi: Dòng dầu đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất sẽ tuôn chảy để cho đất nước bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ mà chúng ta có quyền nói rằng đã đến lúc Việt Nam đủ khả năng để bảo đảm an ninh năng lượng.

Kiểm tra đường ống xuất sản phẩm


Đặt tên đường cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Dung Quất

Dự kiến, trong năm 2009, NMLD Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại. Dù giá dầu thô thế giới hiện chỉ còn 40 USD/thùng, thì việc sản xuất xăng dầu ngay tại Việt Nam cho nhu cầu nội địa vẫn rất có lợi, nếu so với xuất khẩu dầu thô. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ gắn biển tên đường mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - con đường dài gần 23 km - vào đúng ngày 22.2 này. Đó là con đường dẫn thẳng về NMLD Dung Quất, một con đường không hề dễ dàng, nhưng như văn hào Lỗ Tấn viết: "Có đi, mới thành đường".

Dân tộc ta là dân tộc anh hùng. Địa danh nào trên cả nước cũng đầy ắp những chiến công lừng danh trong lịch sử. Nhưng có thể nói rằng, Quảng Ngãi là một miền đất đặc biệt: Kể từ khi có Đảng, miền đất này luôn là nơi mở đầu, đột phá những sự kiện đáng nhớ, gắn liền với sự phát triển của Cách mạng Việt Nam nói riêng, vận mệnh của dân tộc Việt Nam nói chung.

Giai đoạn 30 năm khai thác dầu nhưng không có nhà máy lọc dầu bắt đầu chấm dứt, và từ đây sẽ giảm được 30% số tiền hàng chục tỷ đồng mỗi ngày để bù lỗ do chênh lệch giá dầu thô/dầu tinh... Đến tháng 8.2009 nhà máy sẽ đạt 100% công suất thiết kế và được chính thức bàn giao cho phía Việt Nam từ tháng 10.2009. Nhớ lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về quyết tâm xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất: "Chính vì tôi là Thủ tướng, tôi phải nói và quyết định (xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất) vì quyền lợi của nhân dân". Mãi mãi, nhân dân sẽ ghi nhớ với lòng biết ơn những người đã dũng cảm mở đường, những người đã đi, đã lao động để có một con đường và một NMLD đầu tiên của Việt Nam.

Để có được Dung Quất, cả nước đã phải nhọc nhằn nhiều lắm. Dự án được quyết định từ năm 1994 nhưng phải đến năm 1997 mới chính thức khởi công. Từ đó đến nay, thêm 12 năm nữa mới có thể hoàn thành. Nói như thế để thấy rằng Dung Quất không chỉ là thành quả của quyết tâm, lòng kiên trì mà còn đem đến rất nhiều bài học quý giá cho công cuộc dựng xây đất nước mà chúng ta vẫn phải vừa làm vừa học lâu dài.

Dường như lịch sử đã chọn Quảng Ngãi để trở thành một trong những miền đất có “bổn phận” mở đầu? Ôn lại lịch sử để minh định xác tín trên là điều cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử nước nhà.

Ngày 11.3.1945, cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ đã bùng nổ, chỉ hai ngày sau khi phát xít Nhật đầu hàng, đã mở đầu cho giai đoạn Tiền khởi nghĩa cực kỳ quan trọng. Đó vừa là tiếng súng báo hiệu cho một cao trào cách mạng mới, vừa là sự khẳng định chính xác nhận định của Đảng ta về vận nước – “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tiếp đó, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Quảng Ngãi lại đóng góp cho tổ quốc một trong những nhà cách mạng xuất sắc nhất: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vị thủ tướng có thâm niên cao nhất trên thế giới. Tiếp đó, trong khi “Cách mạng miền Nam tưởng chừng như không tìm thấy lối ra” (Lê Duẩn) thì cùng với nhân dân Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Ngãi đã đóng góp chiến công của Trà Bồng để mở đầu cho cao trào Đồng khởi, đưa Cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng, chuyển sang tiến công.

Bàn bạc phương án


Thép xây dựng Dung Quất đủ để xây 2 tháp Eiffel
Khối lượng xây dựng NMLD Dung Quất được tổng nhà thầu Technip ví von rất hình tượng: "Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải nặng. Diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá. Hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị tương đương với 1 triệu xe máy. Trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP.HCM. Gần 17.000 tấn thép các loại đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel - Paris...". Ở thời gian cao điểm xây dựng, số lượng lao động trực tiếp trên công trường NMLD Dung Quất lên tới hơn 12 nghìn người.

Nếu như Ấp Bắc (Mỹ Tho, năm 1963) là chiến công đầu tiên trên mặt trận quân sự của quân và dân miền Nam thì chiến thắng Vạn Tường ngày 18.8.1965 của quân và dân Quảng Ngãi đã mở đầu cho cao trào “Tìm ngụy mà đánh, lùng Mỹ mà diệt” của toàn miền Nam; mở đầu cho chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta trong việc đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.


Tiếp đó, do phong trào cách mạng của Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, quân Mỹ đã trả thù và gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ làm rung chuyển lương tri loài người. Có thể nói rằng, những tổn thất thương đau của nhân dân Sơn Mỹ đã tạo nên sự xúc động và phẫn nộ - một bước ngoặt thực sự trong phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ và loài người tiến bộ trên toàn thế giới.

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, những trang nhật ký của Đặng Thùy Trâm để lại trên vùng đất Đức Phổ, một lần nữa lại làm bừng cháy sức mạnh, tinh thần, nhiệt huyết của hàng triệu thanh niên cả nước. “Mãi mãi tuổi hai mươi” là một trong những trang đẹp nhất của tinh thần yêu nước, của tuổi trẻ nước ta.

Lịch sử dường như đã “chọn” Quảng Ngãi để mở đầu cho nhiều bước đột phá lớn lao của lịch sử. Dung Quất là một trong những địa danh đáng tự hào và kiêu hãnh. Dòng dầu sẽ chảy, mạnh mẽ, không ngừng. Sự thiếu, nghèo của đất nước bấy lâu nay sẽ được giải tỏa. Chào mừng Dung Quất! Chào mừng Quảng Ngãi! Truyền thống của những sự mở đầu chắc chắn sẽ đem đến cho người Quảng Ngãi niềm tin mới và những thành công mới!

Hà Văn Thịnh - Đại học Khoa học Huế

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm