Khát khao từ những vở kịch 'du mục'

22/03/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Gần đây, sân khấu xuất hiện một số vở kịch hoạt động rất giống các gánh hát thời xưa: Trình diễn tùy cơ ứng biến và có tính lưu động cao. Họ tồn tại “bên lề” các sân khấu có địa điểm cố định, nhưng vẫn đầy trăn trở và khát khao mang vẻ đẹp của kịch nghệ đến với công chúng.

Sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Hà Nội

Sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Hà Nội

Tiếp nối sự thành công của hàng chục vở diễn tạo cơn sốt vé, sau đợt giãn cách, sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Thủ đô với 4 vở diễn liên tiếp trong tháng 11 này.

Lâu nay Việt Nam định hình với sân khấu công lập (thuộc nhà nước) và sân khấu tư nhân (xã hội hóa). Hai dạng sân khấu này khác nhau ở nhiều điểm, nhưng đều có điểm chung là có một địa điểm cố định để biểu diễn.

Góp ngọn lửa đam mê

Còn bây giờ, gần đây, tại TP.HCM có mấy vở như Mưa bóng mây (kịch bản: Thanh Bình, đạo diễn: Ngọc Hùng) và Khóc giữa trời xanh (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Phùng Nguyên) đã chọn diễn lưu động, vì không có sân khấu cố định. Ngoài ra còn phải kể đến các đoàn Hero Film của ông bầu Ngọc Hùng, Công ty kịch Sử Việt của ông bầu Sĩ Hoàng, sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh, Saigon Theatreland của đạo diễn Lê An, Phụng Hoàng ban của bà bầu Trác Thúy Miêu…

Chú thích ảnh
Vở “Làm vua” vừa được sân khấu Lệ Ngọc mang đi lưu diễn tại TP.HCM

Tương tự, tại Hà Nội có sân khấu tư nhân của bà bầu NSND Lệ Ngọc cũng không có một địa điểm diễn cố định, mà lưu động ở nhiều rạp hát khác nhau, diễn theo hợp đồng với các công ty và trường học. Trong các ngày 14-25/3 vừa qua, sân khấu Lệ Ngọc lưu diễn tại Nhà hát thành phố (TP.HCM) theo hợp đồng của mộtcông ty yêu thích kịch nghệ, với lượng vé gần như được đặt trước toàn bộ.

Điểm chung của các đơn vị này là hoạt động linh hoạt và đa dạng loại hình. Ví dụ, Hero Film của ông bầu Ngọc Hùng không diễn kịch thường xuyên, mà tập trung sản xuất phim ảnh, chỉ dựng kịch vào các mùa liên hoan kịch toàn quốc. Tuy nhiên, để cho các vở diễn không bị xếp kho và tiếp cận được với công chúng, sau khi liên hoan kết thúc, Ngọc Hùng luôn tổ chức trình diễn một số suất tại các sân khấu nào phù hợp với thiết kế và yêu cầu của vở diễn. Từ năm nay, Hero Film hướng tới việc sẽ liên hệ diễn hợp đồng với trường học, công ty, khối văn phòng nhà nước, hoặc nhóm khán giả yêu thích.

Chú thích ảnh
Vở “Mưa bóng mây” sẽ tái ngộ khán giả TP.HCM vào ngày 25/3

Công ty kịch Sử Việt của Sĩ Hoàng mới xuất hiện vào năm 2021 nhưng hiệu ứng sau liên hoan kịch đã tạo động lực khiến ông bầu này muốn mang các vở diễn đến trường học, nhằm truyền ngọn lửa đam mê lịch sử dân tộc Việt Nam. Đoàn kịch Saigon Theatreland khởi đầu là diễn đàn các bạn trẻ yêu kịch nghệ. Tình yêu này lớn dần, nên các bạn quyết định thành lập đoàn kịch chuyên đi theo hướng nghệ thuật đương đại để chuyển tải ý niệm nghệ thuật của mình. Cũng như các đơn vị kịch không nhà hát khác, họ trình diễn di động ở nhiều địa điểm. Sân khấu Hồng Hạc ban đầu trụ lại địa điểm Trường múa TP.HCM, nhưng bây giờ cũng chọn lưu diễn tùy theo yêu cầu.

Chất lượng tích cực

Cho đến hiện tại, tại phía Bắc, các vở diễn của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc được đánh giá cao về chất lượng và cũng khiến nhiều người ngạc nhiên về số lượng vở được dựng. Còn tại phía Nam, các đoàn kịch không sân khấu đang tồn tại rất thầm lặng, nhưng những gì họ thể hiện được những người am hiểu đánh giá khá cao.

Chú thích ảnh
Vở “Khóc giữa trời xanh” với mong muốn mang sử Việt đến với các em học sinh và sinh viên

Vở Mưa bóng mây có cách dàn dựng lạ, với sự lồng ghép với nghệ thuật múa bóng, câu chuyện chỉ diễn ra giữa hai nhân vật chính, nhưng cảm động. Diễn xuất của NSƯT Ngọc Trinh và Hòa Hiệp đã chạm vào cảm xúc người xem.

Vở Khóc giữa trời xanh của hớp hồn khán giả vì phục trang quá đẹp, thiết kế sân khấu bắt mắt và câu chuyện lịch sử còn ít người biết đến. Nó phần nào đó, giúp công chúng nhìn về các trang sử rất đẹp của dân tộc.

Còn đoàn kịch Saigon Theatreland vừa diễn vở Bức chân dung. Cái lạ của vở diễn này là tạo sự đối thoại trực tiếp giữa diễn viên và khán giả sau khi sân khấu hạ màn. Đây là sự tương tác cần thiết để người xem cảm nhận sự có mặt của họ trong tác phẩm.

Trừ Lệ Ngọc tại Hà Nội bán vé khá tốt, còn lại những đoàn kịch không có sân khấu cố định đều chưa có hiệu quả kinh doanh. Họ phải kiếm tiền từ nhiều nguồn khác nhau như tài trợ hoặc tiền túi ông bà bầu để duy trì sự hoạt động. Doanh thu của họ hầu như chỉ về huề vốn cho chi phí của mỗi suất diễn. Điều này cho thấy trái tim họ dành cho kịch nghệ khá lớn.

Ông bầu Ngọc Hùng chia sẻ: “Chúng tôi diễn lưu động Mưa bóng mây sau khi liên hoan sân khấu kết thúc vì ngay thời điểm liên hoan không nhiều khán giả được xem. Sân khấu tại Trường múa TP.HCM chỉ có 150 ghế, dù bán hết vé, chúng tôi vẫn không đủ trang trải cho máy chiếu, phục trang và thù lao cho nhóm múa. Vì vậy, chúng tôi phải chạy xin tài trợ và may mắn cũng tạm đủ hoàn trả tiền thuê rạp, kỹ thuật và tiền lương cho diễn viên”.

Kịch nghệ Việt Nam nói chung đang đuối sức trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình giải trí khác và mạng xã hội. Vậy nhưng, vẫn còn nhiều trái tim đập những nhịp đầy khát khao, muốn truyền lưu một loại hình nghệ thuật đẹp. Họ là những anh chị em nghệ sĩ vẫn còn đứng trên sân khấu, với mơ ước một ngày nào đó nhiều khán giả sẽ trở lại và tìm đến mình.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm