15/03/2015 06:28 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Khi nhìn lên bầu trời phía trên London (Anh) hiện nay, bạn chỉ thấy các hình ảnh bình thường của mây đen, máy bay, chim câu... Nhưng tới cuối năm nay, hình ảnh trên có thể sẽ thay đổi, với sự hiện diện của các phương tiện là khí cầu lai máy bay.
Với kích cỡ lớn hơn một sân bóng đá và chứa đầy khí helium, Airlander 10 sẽ là chiếc máy bay lai khí cầu lớn nhất thế giới. Phương tiện này có cấu tạo gồm một phần là khí cầu, một phần là máy bay và một phần là trực thăng. Nó là sản phẩm do công ty Hybrid Air Vehicles (HAV) của Anh thiết kế riêng cho quân đội Mỹ, phục vụ hoạt động trinh sát quân sự trên chiến trường.
Tuy nhiên tình trạng cắt giảm ngân sách ở Mỹ khiến dự án phá sản. HAV sau đó mua lại chiếc máy bay thử nghiệm và đưa nó về cất trong nhà kho. Phải tới gần đây, dự án mới hoạt động trở lại khi công ty được cấp khoản vốn trị giá 3,4 triệu bảng (5,1 triệu USD) từ chính quyền Anh. Nhờ đợt bơm tiền mới, các nhà thiết kế và kỹ sư của công ty đã sẵn sàng cho cuộc bay thử đầu tiên, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Khoang lái của Airlander rất rộng rãi, có thể được tùy biến theo yêu cầu của khách hàng
Ý tưởng cũ, công nghệ mới
Trong khi ý tưởng giúp tạo ra khí cầu đã tồn tại được gần một thập kỷ, phương tiện bay này không còn được ưa chuộng sau thảm họa Hindenburg diễn ra vào năm 1937, khi chiếc khí cầu chở khách của Đức bốc cháy lúc đang hạ cánh và làm 36 người thiệt mạng.
"Các vấn đề duy nhất mà các khí cầu kiểu cũ gặp phải là cần quá nhiều nhân viên phục vụ dưới mặt đất, khả năng chở người, hàng hạn chế và chỉ hoạt động trong những điều kiện thời tiết nhất định. Chúng tôi đã giải quyết tất cả vấn đề này bằng phương tiện bay mới - một chiếc máy bay lai. Đây là sản phẩm pha trộn giữa khí cầu và máy bay cánh cố định" - Chris Daniels, phụ trách đối tác và truyền thông của HAV cho biết.
Airlander 10 - trong đó số 10 có nghĩa máy bay chở được lượng hàng lên tới 10 tấn - được sản xuất từ sợi carbon, kevlar và mylar. Các vật liệu trên khiến phần bóng chứa khí của Airlander rất bền chắc. Tiếp đó khí helium được bơm vào trong phần bóng chứa khí để giúp Airlander có thể bay lên.
Airlander sử dụng nhiên liệu diesel để chạy các động cơ V8 với tổng công suất 325 mã lực. Thiết kế đặc biệt và động cơ mạnh khiến nó có thể đạt tốc độ tối đa tới 160km/h. Airlander cũng thân thiện với môi trường. Những người tạo ra nó nói rằng phiên bản hiện nay sử dụng ít hơn 20% nhiên liệu so với các mẫu máy bay khác. Ngoài ra Airlander có thể được lắp các tấm pin quang điện để tiết kiệm nhiên liệu và thải ít khí có hại hơn.
Theo Daniels, Airlander có thể ở trên không trong 5 ngày khi tải đầy hàng. Khí cầu lai này cũng có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết đặc biệt, với nhiệt độ dao động từ 54 tới -56 độ C.
Khoang lái kiêm khoang chở hàng của Airlander rất rộng rãi, hiện mới được thiết kế để chứa 1 phi công và 1 vị khách ở trong. Tuy nhiên Daniels nói rằng lượng khách có thể tăng lên, tùy theo yêu cầu của người đặt mua khí cầu lai.
Bóng khí của Airlander được làm từ sợi carbon, kevlar và mylar nên rất bền chắc
Phương tiện bay đa năng
Daniels nói rằng công ty đã nhận được nhiều mối quan tâm ở Anh và nước ngoài. Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã muốn dùng khí cầu lai của HAV để giám sát đường biển của Mỹ.
Trong khi đó công ty OceanSky của Thụy Điển muốn dùng Airlander làm phương tiện vận chuyển các turbine gió. "Tại thời điểm hiện nay, cách duy nhất để vận chuyển thiết bị tạo phong điện là làm một con đường mới rộng 50 mét xuyên qua một số cánh rừng nguyên sinh Bắc Âu. Đây không phải là lựa chọn tốt và người ta cũng không muốn phá hoại môi trường sinh thái" - Daniels nói.
Ông cũng cho biết tổ chức từ thiện Oxfam muốn dùng Airlander để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo tại các khu vực chịu thảm họa tự nhiên. Ngoài ra HAV còn đang đàm phán với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để giúp cơ quan này tiến hành các nghiên cứu khoa học.
Khả năng ứng dụng quân sự của Airlander cũng được tính tới, ví dụ như phục vụ mục đích giám sát và trinh sát. Có điều khí cầu lai sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh dữ dội từ máy bay không người lái (UAV).
Robinson còn chỉ ra một số khả năng kinh doanh thương mại của Airlander như chở hàng tầm xa và tham gia các nhiệm vụ nhân đạo. "Việc không cần sân bay hay đường băng khiến khí cầu trở nên hấp dẫn với hoạt động cứu trợ nhân đạo. Trong khi trực thăng cũng có thể đỗ ở bất kỳ đâu, chúng lại chỉ có tải trọng và tầm hoạt động hạn chế. Ngoài ra Airlander hoạt động hiệu quả hơn nhờ thiết kế thân nâng của chúng" - Robinson nói - "Hãy tưởng tượng một khí cầu lai với đầy đủ trang thiết bị y tế có thể hạ cánh ngay giữa tâm điểm của thảm họa".
Tuy nhiên các chuyên gia đã tỏ ra thận trọng về tương lai của Airlander. Họ nói rằng trước đây đã có vài dự án nhằm đưa khí cầu trở lại, gồm 2 dự án khí cầu trinh sát đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ dẹp bỏ vì không tin tưởng vào công nghệ.
Và dù thừa nhận Airlander là dự án khí cầu lai hứa hẹn nhất trong thời gian gần đây, Robinson cũng cho rằng tương lai của phương tiện này chỉ có thể được xác định sau khi nó bay thử xong vào cuối năm nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất