Khi địa danh ẩn chứa toan tính chính trị

07/08/2014 07:21 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Người ta nên dùng cái tên Vịnh Ba Tư hay Vịnh Arab? Núi McKinley hay núi Denali? Mumbai hay Bombay? Chuyện dùng cái tên nào để gọi một vùng đất cụ thể nào đó hóa ra không hề đơn giản.

Một số địa danh không chỉ cho chúng ta biết mình đang sống ở đâu hoặc đang đi tới đâu. Đó còn là một tuyên ngôn chính trị, hoặc trong mắt của một số người thì là sai lầm về chính trị.

Senkaku hay Điếu Ngư?

Những tên gọi khác nhau về một khu vực địa lý có thể không gây ra các cuộc chiến tranh thế giới, nhưng chắc chắn chúng sẽ châm ngòi khẩu chiến. Ví dụ tiêu biểu diễn ra vào tuần trước, khi Trung Quốc phản ứng trước việc Nhật Bản tuyên bố đặt tên cho 158 đảo nhỏ nằm ngoài khơi nước này. 5 trong số đó thuộc về một quần đảo mà cả 2 nước đều đang tuyên bố có chủ quyền. Ngay cả cái tên của quần đảo cũng gây tranh cãi: người ta nên gọi nó là Senkaku hay Điếu Ngư?

"Không một hành động đơn phương nào do Nhật Bản thực hiện có thể thay đổi thực tế rằng Điếu Ngư và các đảo nằm xung quanh nó thuộc về Trung Quốc" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, sử dụng cái tên mà Bắc Kinh lựa chọn để gọi quần đảo đang nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo.


Người Nhật Bản biểu tình khẳng định quần đảo Senkaku thuộc sở hữu của nước mình

Một ví dụ đáng nhớ khác là cuộc tranh cãi tại LHQ hồi những năm 1970 về tên gọi các vùng đất nằm trên đảo Síp. Chuyện bắt đầu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đem quân chiếm đóng phía Bắc hòn đảo nằm trên Địa Trung Hải này, thay toàn bộ các tên làng có gốc Hy Lạp bằng những cái tên Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một công hàm gửi tới LHQ, chính quyền Síp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện "nhiều hành động tàn bạo chưa có tiền lệ" nhằm vào cộng đồng dân cư gốc Hy Lạp ở đảo. Họ nói rằng từ vấn đề địa danh có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Phía chính quyền Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ khi đó (không được LHQ  công nhận) đã đáp trả bằng việc gửi một công hàm khác, nói rằng việc gọi các ngôi làng bằng tên gốc Hy Lạp "một cách không hợp pháp là toan tính chính trị kéo dài lâu nay của của các nhà lãnh đạo Síp gốc Hy Lạp".

Ý đồ chính trị đằng sau tên gọi

Khoa học nghiên cứu về địa danh được gọi là địa danh học và các chuyên gia ngành này nói rằng địa danh không chỉ là tên gọi thuần túy. "Theo một góc độ, việc đặt tên thể hiện quyền sở hữu, bởi nó nhấn mạnh tới tính hợp pháp về di sản lịch sử, văn hóa của những người đặt tên" - giáo sư Dan Montello thuộc Đại học California từng viết hồi năm 2010 - "Vì lý do này, những kẻ thực dân hoặc các bên tuyên bố chủ quyền một vùng đất thường tìm cách đổi tên cũ của nó, trong khi chủ sở hữu ban đầu cũng sẽ làm hết sức để khôi phục tên gốc khi họ có điều kiện".


Sau khi giành lại độc lập từ Anh, các chính trị gia Ấn Độ đã đổi tên thành phố Bombay thành Mumbai, trong động thái nhằm nâng cao niềm tự hào dân tộc

Đơn cử như từ năm 1984 một quốc gia Tây Phi đã gọi mình là Burkina Faso, chứ không phải Haute-Volta như dưới thời thuộc Pháp. Tại Ấn Độ, nơi từng thuộc đế quốc Anh, Bombay đã được đặt lại tên cũ là Mumbai vào năm 1995. Chỉ một năm sau, thành phố Madras được khôi phục cái tên Chennai.

Đôi khi các chính trị gia tận dụng việc đổi tên để khuấy động niềm tự hào dân tộc hoặc kiêu hãnh chủng tộc. Tới nay không ít người ở Mumbai vẫn cảm thấy chẳng thoải mái với việc đổi tên thành phố, do điều này được thực hiện bởi một đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đảng cánh hữu này đã lên nắm quyền sau các cuộc bạo động chết chóc chống người Hồi giáo sống trong thành phố.

Việc dùng địa danh như thế nào đôi khi cũng thể hiện ý đồ chính trị và ngoại giao. Chính quyền quân sự Miến Điện (Burma) đã đổi tên nước họ thành Myanmar từ năm 1989. Tuy nhiên trong các văn bản chính thức, Mỹ vẫn gọi quốc gia này là Miến Điện, cái tên được đông đảo người thuộc phe đối lập ở Myanmar sử dụng.

Năm 2012, khi tới thăm Myanmar, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dùng từ Myanmar khi hội đàm với tổng thống quốc gia châu Á này. Nhưng khi gặp thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi, ông lại dùng từ Miến Điện.  Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã lên tiếng giải thích sau đó rằng Mỹ có biết việc người dân Myanmar gọi đất nước mình bằng 2 cái tên khác nhau. "Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: tên gọi là thứ chúng ta có thể tiếp tục thảo luận" - ông nói.

Ẩn chứa mối quan ngại chủ quyền

Với Nhật Bản, hành động đặt tên 158 hòn đảo mới là điều thu hút sự chú ý của giới quan sát, thay vì cụ thể từng cái tên. "Nhật Bản đã thực hiện một canh bạc đặt tên độc đáo khi tuyên bố chủ quyền với hàng loạt hòn đảo không có người ở, phản ánh mối quan ngại của Tokyo rằng Bắc Kinh có thể đã đặt tên và tuyên bố chủ quyền với chúng rồi" - Jeff Kingston, giáo sư về Nhật Bản hiện đại ở Đại học Temple nhận xét.

Phần lớn các hòn đảo vừa được Nhật Bản đặt tên thực tế chỉ là các mỏm đá bé xíu, vẫn nhô lên mặt nước lúc triều lên. Khoảng nửa trong số này đã được các ngư dân đặt cho những cái tên nhất định và chính quyền chỉ làm một việc là công nhận chính thức những cái tên đó. Số còn lại chủ yếu nằm ở các vùng biển hẻo lánh, đã được đặt cho những cái tên mang nhiều tính thống kê như Đảo nhỏ ở phía Đông Nam.

Khu vực Đông Á hiện có rất nhiều hòn đảo được nhiều nước tuyên bố chủ quyền, khiến tranh cãi địa danh càng trở nên nóng bỏng hơn. Năm nay Hàn Quốc đã thắng lợi khi chính quyền bang Virginia của Mỹ, dưới áp lực của những người Mỹ gốc Hàn, đồng tình rằng sách giáo khoa mới được in trong bang phải nêu rõ việc Biển Nhật Bản còn có tên khác là Biển Đông, theo cách gọi của người Hàn Quốc.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm