Khi dư luận ngày càng lắm lời

07/11/2015 13:40 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Một cái dắt tay trên đường, một hình ảnh không đầu không cuối trên Facebook, đôi khi chỉ là một vài câu nói vu vơ… không ảnh hưởng gì tới “hòa bình thế giới” cũng có thể trở thành một đề tài bình luận, mổ xẻ sôi nổi từ ngày này đến ngày khác không chỉ trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, mà cả trên mặt báo.

Thậm chí, có hẳn những chương trình talk-show được sản xuất chỉ để bàn về những chuyện như vậy. Từ những câu chuyện xã hội, một bộ phận dư luận có vẻ đang thích thú với những câu chuyện đời tư…

Ca sĩ Đức Tuấn: Là nghệ sĩ, nên chân thật và nên “đẹp”

Bản thân là một nghệ sĩ thì thị phi là điều không tránh khỏi. Và đã là người nổi tiếng, bị công chúng soi mói cũng là đương nhiên. Tuy vậy, theo tôi, những người chuyên bới móc và soi mói vào cuộc sống riêng của người khác thường là những người quá “rảnh rỗi” và có nhân sinh quan u ám để không tin vào những giá trị của con người.

Nhưng tất nhiên, đã là người nổi tiếng sẽ không có sự thoải mái như những người khác và cũng cần có sự cẩn trọng hơn trong cách ứng xử. Tuy vậy, tôi không nghĩ cẩn trọng đến mức sống không phải là mình. Thay vì phải giả tạo để giữ hình tượng, nghệ sĩ phải biết trau dồi tâm hồn để hướng tới những điều tốt hơn. Là nghệ sĩ nên chân thật và nên “đẹp”.

Không chỉ showbiz mà cuộc sống này luôn có nhiều vấn đề phải đối mặt, đơn giản hay phức tạp là tùy vào cách tiếp nhận của mỗi người. Cuộc sống này vốn vô thường nên tôi luôn lạc quan và luôn tin vào các giá trị tốt đẹp của mỗi người và mọi điều xung quanh.

Luật sư Lê Quang Vy: Trên Facebook đời tư không còn là bí mật

Về mặt xã hội việc các cơ quan truyền thông tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với người công chúng hay người nổi tiếng đó cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên trong thực tế có những điều báo khai thác tuy không vi phạm pháp luật nhưng xét về đạo đức hay đạo lý thì không ổn.

Độc giả tuy có nhiều người khác nhau, nhưng độc giả không kém hiểu biết đến mức không đánh giá được đạo đức và văn hóa của người cầm bút. Vì vậy xin hãy đừng viết ra những điều mà mai sau nhìn lại người viết sẽ thấy ân hận bởi do chính ngòi bút của chính mình.  

Bí mật đời tư là một quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ. Khái niệm “Bí mật đời tư” không được Bộ Luật dân sự định nghĩa rõ, tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tôi “đời tư” là những việc trong quá khứ hay hiện tại của một con người, theo đó “Bí mật đời tư” là những gì thầm kín trong quá khứ hay hiện tại của một cá nhân mà người đó không muốn thể hiện ý chí tiết lộ ra hoặc công khai với mọi người.

Một người nổi tiếng khi đăng tải cuộc sống riêng tư của mình trên Facebook, điều này đã thể hiện ý chí của người đó muốn công khai cho mọi người biết, hay cuộc sống riêng tư mà người đó phơi bày chốn công cộng thì cũng không được xem là điều bí mật. Bởi “bí mật” là phải giữ kín, không để lộ ra, không công khai. Do vậy khi xét đến khía cạnh pháp lý của “Bí mật đời tư”, cần phải xem ý chí của người trong cuộc họ có muốn tiết lộ hay công khai không?

Tương tự như Quyền bí mật đời tư, Quyền của cá nhân đối với hình ảnh cũng được bảo vệ theo Điều 31 BLDS. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định báo chí: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó…” .

Tuy nhiên, Nghị định 51 cho phép báo chí được đăng tải những hình ảnh thông tin về các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, buổi biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án. Như vậy khi người nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu, báo chí được quyền chụp hình và đưa tin.

Ngoài các trường hợp như đã liệt kê, các trường hợp khác, khi  muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân nói chung hay người nghệ sĩ nói riêng đều phải được người đó đồng ý. Người bị xâm phạm đều có quyền khởi kiện bên xâm phạm ra tòa để yêu cầu xin lỗi và đòi bồi thường thiệt hại.      

Nhà văn Di Li: Nhiều chuyện hay lúc trà dư tửu hậu

Đứng từ góc độ một người nghiên cứu và giảng dạy về truyền thông, tôi thấy thú vị với kiểu bình luận về những gì dư luận đang “chè chén vỉa hè” trong một chương trình talk-show trên mạng.

Mặc dù vậy, cách thức bình luận trong chương trình vẫn có thể làm hấp dẫn hơn nữa. Cách thể hiện ở đây còn chưa đi sâu, những chủ đề như vậy thì hằng ngày người ta đã tám chuyện với nhau rồi, nếu đưa lên chương trình truyền hình thì cách bình luận cần phải khác đi so với ở quán xá vỉa hè.

Cụ thể, trong một chương trình gần đây, họ cũng có đưa ra thông điệp qua câu chuyện về Hồ Ngọc Hà, thông điệp khá quyết liệt, chủ đề nóng và thu hút, có thông điệp nhưng chưa có gì bật lên hẳn so với các cuộc trà nước của những công chúng bình thường.

Còn đề tài về đời tư ngôi sao? Tôi thấy không vấn đề gì vì chương trình muốn đưa ra bàn luận tất cả những chủ đề mà dư luận đang quan tâm. Có ý kiến cho rằng sẽ có những nhân vật bị xúc phạm khi làm chương trình theo dạng này (Hồ Ngọc Hà, Cường Đôla, Đại gia kim cương, người vợ)?

Bây giờ, xu hướng dân chủ trong truyền thông là rộng đường dư luận. Đương nhiên nếu đề tài phong phú, cập nhật mọi phương diện chứ không chỉ tập trung vào showbiz và scandal thì sẽ hấp dẫn hơn. Vì có rất nhiều chủ đề về xã hội, giáo dục, sức khỏe... mà mọi người bàn tán lúc trà dư tửu hậu. Một chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng hạn. Tất nhiên, điều đó đòi hỏi người bình luận phải có kiến thức vững hơn.

Tôi nghĩ đây sẽ là xu hướng của thời đại vì Internet đang rất phát triển. Thuận tiện, nhanh, đa dạng, có thể truyền tải được những thứ mà truyền thông chính thống không thể. Trước truyền thông dạng này, đã có hình thức vlog phát triển rất mạnh và được dư luận quan tâm.

Hạnh An An, Mi Ly (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm