27/07/2024 07:44 GMT+7 | Giải trí
Xin một lần thôi không nói nhiều về âm nhạc khi nhắc đến một ca khúc Việt Nam. Bởi vì, Giai điệu Tổ quốc của nhạc sĩ Trần Tiến đã là một bài ca bất hủ nên đã có rất nhiều lời ngợi ca. Bởi vì đang giữa những ngày cuối tháng 7, tháng tri ân những anh hùng liệt sĩ, những con người bình dị, hy sinh lặng thầm mà hóa bất tử cùng Tổ quốc yêu thương.
Cũng bởi vì, bản thân người viết có những trải nghiệm không thể quên gắn với ca khúc ấy trong 2 chuyến đi thăm biển đảo quê hương và muốn chia sẻ cùng bạn đọc.
Tôi tự hát ở Côn Đảo
Tôi không phải ca sĩ, nhưng tôi đã hát, hát rất nhiệt tình, hát rất đắm say những giai điệu ấy, những lời ca ấy giữa tiếng sóng biển gầm ào, giữa những cơn gió chỉ chực chờ người hát sơ xểnh là xô ngã. Và đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên.
Một ngày đầu tháng 12/2022, ca sĩ Phan Thanh Cường tìm đến khoe với tôi vừa nhận lời mời tham gia hoạt động Vì biển đảo xanh tại Côn Đảo do Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài nguyên Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND huyện Côn Đảo tổ chức.
Cường nói, Ban tổ chức muốn có một hoạt động gì đó ý nghĩa, ngoài việc dọn rác bờ biển, tặng những món quà thân thiện với môi trường ở các địa điểm lịch sử và những nơi công cộng… Cường đang nghĩ đến một đêm văn nghệ, bảo rằng đã có nữ ca sĩ Hạ Lan (Đoàn Văn công Bộ đội biên phòng), có ca sĩ kiêm MC Hoàng Chung (VTVcab) nhận lời. Hóa ra, Phan Thanh Cường chia sẻ là vì muốn tôi tham gia và miễn phí. Cuối cùng, ngoài tôi, chương trình còn có thêm nhạc sĩ Giáng Son.
Cả 5 chúng tôi thống nhất, chương trình tập trung vào ca khúc cách mạng, quê hương, người lính, riêng tôi có thêm tiết mục hát xẩm, Giáng Son hát tác phẩm của mình, còn Hạ Lan và Hoàng Chung sẽ có thêm 1, 2 ca khúc trẻ trung, sôi động để phục vụ chiến sĩ và các bạn trẻ. Cũng không vì ít người mà chỉ có đơn ca, song ca khiến chương trình đơn điệu, cho nên bài cuối cùng cả 5 cùng xuất hiện. Và ca khúc Giai điệu Tổ quốc ở giữa chương trình là tiết mục tam ca.
Ngày 17/12, sau 2 ngày tham gia đủ các hoạt động thuộc khuôn khổ Vì biển đảo xanh, cuối cùng cũng đến lúc chuẩn bị cho đêm văn nghệ có tên Thanh âm Tổ quốc. Sân khấu được dựng lên khá to giữa sân quảng trường ngay trụ sở UBND huyện Côn Đảo, phía trước là biển. Có điều, từ giữa buổi chiều, những đám mây đen từ đâu kéo về khiến bầu trời tối sầm, rồi cơn mưa như trút tưởng như kéo dài bất tận khiến ai nấy không khỏi lo lắng. Chị cán bộ huyện động viên nghệ sĩ yên tâm, chị bảo chị ở đây và đã trải nghiệm thấy, hễ có chương trình là có mưa, nhưng đến gần tối sẽ tạnh và sẽ vẫn diễn được đúng giờ.
Lời chị nói đúng. Sát đến giờ diễn, Phan Thanh Cường nói với tôi: "Mình hát ở đây, còn có thêm những khán giả rất đặc biệt nữa, đó là anh linh các anh hùng liệt sĩ". Tôi gật đầu, quả thực, ngay từ đầu tất cả mọi người tham gia chương trình đều nghĩ thế.
Lẽ ra tôi sẽ tham gia tiết mục tam ca Giai điệu Tổ quốc, nhưng thật tiếc là tôi mét sáu lăm (165cm), trong khi 2 bạn diễn đã vừa trẻ, đẹp trai, lại đều từng là người mẫu, cao mét tám mấy. Cuối cùng người lên sân khấu cùng 2 cựu người mẫu nam là Hạ Lan. Nhưng tôi, đứng sau sân khấu, đứng ngay dưới mặt đất, tôi vẫn hát. "Tôi nghe trong đoàn quân đi/ Tôi nghe trong lời bão tố/ Bốn nghìn năm đất nước gian nan/ Giai điệu cháy trong tình thương nước vô vàn…".
Hát, hát say đến nỗi người tôi nổi hết da gà. Cũng ở dưới mảnh đất này, chỉ cách nơi tôi đứng chừng vài chục bước chân, xưa kia là nghĩa trang Hàng Keo, nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ và ở khắp nơi tại Côn Đảo này, còn biết bao chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Và nghe hát ở Trường Sa
Vẫn là Giai điệu Tổ quốc, vẫn những giai điệu, lời ca ấy khi tôi lắng nghe với tư cách một khán giả, ca sĩ là một giọng hát không chuyên ấy thế nhưng nó lại cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt. Dẫu không nổi da gà như ở Côn Đảo, dẫu người đang thể hiện vẫn rất say sưa đắm mình trong giai điệu lời ca với một tinh thần lạc quan, một niềm rạo rực đặc biệt, nhưng nó khiến tôi cảm thấy nghẹn lại.
Dịp cuối tháng 5 mới đây, tôi có vinh dự được tham gia đoàn công tác thăm chiến sĩ và nhân dân đang công tác và sinh sống tại quần đảo Trường Sa. Sau hải trình kéo dài hơn một ngày rưỡi từ đất liền, chúng tôi ghé thăm đảo Sinh Tồn. Đây là điểm dừng chân thứ 2 trong lịch trình. Vừa bước chân lên đảo, tranh thủ ghé thăm các địa điểm của đảo, chụp ảnh ở cột mốc chủ quyền, đi lễ và chiêm bái chùa Sinh Tồn, ghé thăm lớp học ở trên đảo, chạy ra khu vui chơi để cùng hòa mình vào với đám trẻ con chơi các trò chơi tuổi thơ…
Đang rảo bước, thấy bóng dáng người phụ nữ vận chiếc áo dài màu đỏ, tay cầm chiếc nón. Từ xa đã thấy nụ cười chị thật tươi và mở lời chào. Vì lần đầu tiên thấy tà áo dài duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam ở nơi đặc biệt thiêng liêng của Tổ quốc, tôi ngỏ ý xin chị chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm, chị vui vẻ nhận lời. Hỏi thêm được biết chị tên là Hồ Mỹ Hưng, hiện cùng gia đình sinh sống ở trên đảo. Và chị đang chuẩn bị ra để tham gia một tiết mục văn nghệ của Hội Phụ nữ xã đảo chào đón đoàn chúng tôi.
Tiết mục chị Hồ Mỹ Hưng tham gia biểu diễn là bài Giai điệu Tổ quốc, trong đó các chị thể hiện phần múa minh họa. Khi những giai điệu quen thuộc trong bản nhạc có sẵn từ bản thu được vang lên, 6 người phụ nữ mặc những chiếc áo dài các màu rực rỡ, trên tay cầm chiếc nón lá bắt đầu đi từ phía cánh gà ra, rồi theo điệu nhạc, các chị di chuyển duyên dáng, tạo thành nhiều hình khác nhau, có cả tạo hình chữ S bản đồ đất nước. Người ca sĩ đang ở độ tuổi trung niên, da sạm nắng, ăn vận bộ trang phục chiến sĩ hải quân với quần xanh, áo trắng bước ra giữa các cô gái, tiếng hát anh vang lên: "Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Dịu dàng trong tiếng ru hời/ Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Trầm sâu trong tiếng đất trời…".
Gọi là sân khấu cho sang, thực ra, địa điểm giao lưu là một cái sân khá rộng, cả người biểu diễn và khán giả ngồi xem đều tập trung ở trong cái sân đó, dưới gốc những cây cổ thụ rợp bóng mát. Nó vừa gần gũi, vừa dân dã dễ liên tưởng tới sân làng trong những buổi giao lưu văn nghệ ở khắp các làng quê Việt Nam. Sau tiết mục, gặp người ca sĩ mặc áo lính, đang làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn, anh kể, anh rất thích hát bài này, nó giúp anh bớt nhớ nhà, giúp anh cảm nhận được tình cảm quê hương, đất nước.
Tôi lại tiếp tục di chuyển tới chỗ mấy chị vừa tham gia múa trong tiết mục Giai điệu Tổ quốc, giờ các chị ngồi ở dưới làm khán giả. Để có được tiết mục tham gia giao lưu này, các chị phải tập mấy buổi liền nhưng ai cũng thấy vui.
Vĩ thanh
Những giai điệu Tổ quốc là gì? Với nhạc sĩ Trần Tiến, đó là kết tinh từ những tinh hoa hàng ngàn năm của dân tộc; những tinh hoa ấy không đâu xa mà luôn hiện hữu ở đâu đó trong cuộc đời mỗi chúng ta. Đó có thể là câu ru của mẹ, là giọng nói người Việt Nam, là tiếng chiêng đồng vang vọng từ lịch sử, là khát vọng được sống trong hòa bình, là truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm… Và ông đã gửi gắm tất cả vào trong những lời ca của Giai điệu Tổ quốc.
Giai điệu không bóng bẩy nhưng lại rất dạt dào. Vừa hào hùng, lại tràn đầy tình cảm. Vừa mang tinh thần chung lại ẩn chứa những tình cảm riêng tư. Vừa như điều bình dị hiện hữu ngay trước mắt lại có cả những thẳm sâu trong tâm thức mỗi người. Có lẽ vậy mà Giai điệu Tổ quốc cứ được lan tỏa mãi trong trái tim mọi người. Cũng vì thế, ta dễ dàng bắt gặp ca khúc này ở đâu đó trong hành trình cuộc đời mình và mỗi lần như thế, ở mỗi nơi khác nhau lại cho ta những cảm xúc khác nhau.
Như bản thân người viết, đã biết bao lần nghe ca khúc này, cũng không thể nhớ hết nổi có bao nhiêu giọng ca nổi tiếng đã từng thể hiện, từ Trần Hiếu, Quang Thọ đến Quốc Hưng, Tấn Minh, Trọng Tấn, Lê Anh Dũng và cả lớp trẻ bây giờ nữa. Ấy thế mà rồi vẫn cảm nhận được những mới mẻ, khác biệt, khi có những trải nghiệm như 2 lần hòa mình cùng Giai điệu Tổ quốc ở nơi biển đảo của đất nước.
Với nhạc sĩ Trần Tiến, "Giai điệu Tổ quốc" là kết tinh từ những tinh hoa hàng ngàn năm của dân tộc; những tinh hoa ấy không đâu xa mà luôn hiện hữu ở đâu đó trong cuộc đời mỗi chúng ta" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.
Không cho điểm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất