Khi hội họa là nhu cầu

04/12/2020 19:24 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Bên cạnh những họa sĩ hoạt động chuyên nghiệp, trong sáng tác mỹ thuật còn có rất nhiều người có duyên với hội họa, vẽ đối với họ như một nhu cầu. Và ở địa vị này, hội họa cho họ nhiều hơn, ít đòi hỏi hơn, họ không phải trăn trở nhiều cho sự thành công, phong cách và cống hiến, mà chỉ theo dòng suy tư để lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn.

'Hội họa Truyện Kiều': Thế giới truyện Kiều qua mộng tưởng mỗi người

'Hội họa Truyện Kiều': Thế giới truyện Kiều qua mộng tưởng mỗi người

Ngày 21/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn. Triển lãm do Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền tổ chức, nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Triển lãm Tháng Chạp của nhóm 6 họa sĩ: Nguyễn Quý Dương, Thái Phạm, Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Ngọc Phương, Lương Hiện, Nguyễn Trương Quý diễn ra từ 2 đến 8/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Tác phẩm trong triển lãm dưới góc nhìn đa dạng ở chủ đề phong cảnh, tĩnh vật, chân dung và các chất liệu sơn dầu, màu nước, lụa.

Không gian đồng hiện trong tranh của một nhà văn

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Nguyễn Trương Quý là một kiến trúc sư, nhà văn, bên cạnh đó anh làm đồ họa, truyền thông. Hội họa đến với tác giả Hà Nội bảo thế là thường bên lề những công việc chính nhưng không phải ngẫu nhiên mà đã âm ỉ như một mạch ngầm từ khi anh còn bé.

Chú thích ảnh
Nhóm họa sĩ triển lãm "Tháng Chạp"

Anh đã từng có ý định theo đuổi hội họa nhưng rồi lại rẽ sang một hướng khác. Nhưng theo anh nói: “Viết văn hay vẽ tranh cũng chỉ là từ một góc nhìn quan sát để tạo ra câu chuyện của riêng mình”.

Loạt tranh trong triển lãm lần này của anh là 4 tác phẩm được vẽ theo lối tượng trưng mang hơi hướng siêu thực. Không gian trong tranh đậm chất kiến trúc và được vẽ theo lối tạo hình phương Tây. Trong mỗi bức tranh đều xuất hiện 2 đối tượng chính là con người và những mảnh vỡ của tượng đá. Đây là những bức tượng của mỹ thuật Hy lạp La Mã cổ đại đã bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh, một phần mảnh vỡ còn lại của tượng được lưu trữ ở các bảo tàng nghệ thuật quốc gia ở châu Âu mà anh đã được tận mắt ngắm nhìn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bản vắng”, sơn dầu của Nguyễn Bá Kiên

Chính sự tan vỡ của những tạo vật từng là biểu tượng cho vẻ đẹp hoàn mỹ của phương Tây một thời đã đem đến cho anh nhiều suy ngẫm và cảm hứng cho những bức tranh. Anh lồng ghép quá khứ và hiện tại trong một không gian đồng hiện bí ẩn để tưởng tượng sự đối thoại giữa con người của hiện tại và những mảnh vỡ của quá khứ.

Những bức tượng không chỉ đại diện cho quan niệm về thẩm mỹ mà còn đại diện cho hệ thống tư tưởng và niềm tin của phương Tây trong suốt nhiều thế kỷ trước. Lối vẽ tượng trưng về hình thể cùng những vật biểu tượng cho ta gợi nhớ đến họa sĩ bậc thầy của trường phái này là Gauguin cùng với bức tranh nổi tiếng cuối cùng của ông: Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?. Là một nhà văn, những suy nghĩ của tác giả Nguyễn Trương Quý còn được anh thể hiện rõ hơn bằng ngôn từ của thơ ca:

Chú thích ảnh
Nguyễn Trương Quý (trái) và Nguyễn Bá Kiên

Thần linh chỉ là những mảnh vỡ

Sắc xưa trôi trơ phiến trắng với nhân gian

hay

Nào đâu bác thợ cả xưa đâu

Sống lại cho tôi hỏi một câu

Làm sao mẫu bác phom toàn thế

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Dấu vết”, sơn dầu của Nguyễn Trương Quý

Trong văn chương, anh viết nhiều về Hà Nội, cũng là tìm về một Hà Nội xa xưa với bản chất và những nét đẹp dung dị (Nguyễn Trương Quý đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2019 với tác phẩm Một thời Hà Nội hát).

Đối với anh, hiện tại là sự tiếp nối của quá khứ. Con người đương đại và những hình tượng của quá khứ vẫn tiếp diễn trong đời sống hiện tại này là sự cộng sinh. Khám phá Hà Nội nơi anh sinh ra và lớn lên có lẽ là một cách để anh suy nghiệm về sự kết nối ấy. Hội họa với đặc trưng về chất liệu và sức nặng không ngôn từ là một cách khác để anh kể câu chuyện đồng hiện của mình.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thân thể”, sơn dầu của Nguyễn Trương Quý

“Mộng - Đời - Thường”

Trong nhóm 6 tác giả tham gia triển lãm Tháng Chạp có 1 họa sĩ hiện đang công tác tại Viện Khoa học hình sự. Đó là Nguyễn Bá Kiên sinh năm 1979. Công việc của anh liên quan tới giám định hình ảnh, phục dựng chân dung tội phạm. Có lẽ công việc đã phần nào tác động đến... dáng vẻ của anh, khiến người lạ nhìn thoáng qua đã thấy “không nên đùa với anh”. Nhưng trong triển lãm, các tác phẩm của anh lại đem đến cho người xem cảm giác nhẹ nhõm, thảnh thơi nhất.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Làng Tó”, sơn dầu của Nguyễn Bá Kiên

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương năm 2003 và Đại học Sư phạm Nghệ thuật năm 2008. Anh tâm sự: Khi chuyển sang ngành công an, lĩnh vực anh học là vẽ chân dung rất phù hợp cho công tác giám định hình ảnh tội phạm nhưng lúc trước còn là sinh viên mỹ thuật, trong nhiều năm đã quen với phong thái “lãng đãng” rồi, khi vào ngành công an, mọi thứ đều quy chuẩn từ thời gian, cách ăn mặc, môi trường… khiến anh phải dần quen với áp lực của công việc.

Cho tới giờ, công việc của anh ngày càng căng thẳng khi anh đã nắm giữ vị trí quan trọng, kiêm công tác đào tạo chuyên môn cho cảnh sát một số nước bạn trong khu vực. Tuy nhiên, anh vẫn dành thời gian nhất định giữ mạch sáng tác nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm và tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Bá Kiên

5 bức tranh trong triển lãm lần này của Nguyễn Bá Kiên là những khung cảnh đa dạng của nơi chốn trong ký ức, được thể hiện theo phong cách hiện thực - ấn tượng: Bản làng trên núi, phong cảnh và sinh hoạt miền biển, cảnh làng quê Bắc bộ, lao động thành thị và một góc vườn. Màu sắc trong tranh đậm chất màu của thiên nhiên Việt Nam. Bố cục, đường nét, không gian đều hài hòa, giản dị.

Trong phần tự bạch anh có viết: “Tại một quán cà phê nhỏ tên là Cái Bụi nằm trên đường Đặng Văn Ngữ - nơi gặp gỡ của một nhóm họa sĩ trẻ, bạn tôi, một nhà lý luận mỹ thuật đã trân quý viết tặng thảo thư "Mộng Đời Thường". Hơn 10 năm nay, 3 chữ Mộng - Đời - Thường mộc mạc giản dị nghe có chút yên bình đó khiến tôi luôn đau đáu thể hiện vào trong tranh…”.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm và tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trương Quý

Hội họa là ngôn ngữ đặc biệt mà con người dùng nó để tự đi tìm và tự trả lời cho những câu hỏi của bản thân. 2 tác giả trong triển lãm với 2 cuộc sống khác nhau, nhưng đều không che giấu góc sâu kín nhất của tâm hồn trước hội họa khi họ đã coi nó là một nhu cầu.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm