Giọng hát Việt nhí: Nghe gì và Thấy gì?

13/09/2013 06:40 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(giaidauscholar.com) - Giọng hát Việt nhí đã kết thúc, những cảm xúc vui buồn, cuồng nhiệt của một cuộc chơi rồi cũng qua đi. Tuy nhiên, qua cuộc chơi này, những gì nó “đem lại” hoặc “gây ra” hoặc qua đó nhìn thấy được “góc khuất” trong đời sống âm nhạc cũng là những điều đáng cho chúng ta suy ngẫm.

>>>Đọc các bài viết về Giọng hát Việt nhí 2013 tại đây

Nhạc trẻ con, nhạc người lớn

Về các ca khúc dành cho thiếu nhi, trước khi có Giọng hát Việt nhí, công luận đã từng phê phán những hiện tượng trẻ con hát nhạc người lớn bởi đó là điều trái với sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ con. Khi Giọng hát Việt nhí lên sóng 1, 2 số đầu, công luận báo chí cũng đã lên tiếng việc trẻ con hát toàn nhạc người lớn. Nhưng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” cho đến nay thì gần như không ai còn nói nữa, bởi Giọng hát Việt nhí “dội bom” liên tục nhạc người lớn trên sóng truyền hình quốc gia trong ròng rã 3 tháng (từ 1/6 đến 7/9).

Vẫn biết BTC có gặp khó khăn bởi nguồn bài hát cho thiếu nhi hiện nay rất khan hiếm (BTC cũng đã phát động cuộc thi sáng tác nhạc thiếu nhi để bổ sung nguồn bài hát cho Giọng hát Việt nhí, song kết quả không như mong muốn), nhưng tác động xã hội của những màn trình diễn “không thua người lớn” của những đứa trẻ mới qua tuổi lên 10, còn đó. Giờ đây việc trẻ con hát những ca khúc có nội dung và âm nhạc không phù hợp với lứa tuổi đang trở thành rất bình thường. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tâm hồn lành mạnh của một thế hệ.

Điều đáng tiếc với một sân chơi dành cho thiếu nhi như Giọng hát Việt nhí là sự thiếu vắng hình ảnh tuổi thơ trên sân khấu.


“Nhất nghệ” hay “bách nghệ”?

Đặt trường hợp Phương Mỹ Chi và Quang Anh cạnh nhau, có thể nhìn thấy một thực tế đang tồn tại bất phân thắng bại trong đời sống showbiz.

Một số ý kiến “chê” Phương Mỹ Chi đơn điệu, chỉ hát được dân ca mà chỉ là dân ca Nam Bộ và “khen” Quang Anh đa tài hát được nhiều thể loại. Một số ý kiến ngược lại, nói rằng chỉ cần một thể loại mà chạm đến được trái tim của đông đảo khán giả thì cũng rất tuyệt vời.

Hát một loại nhạc mà đạt đến tuyệt đỉnh thì đã là rất tốt, ông bà ta từng nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nhưng nếu hát nhiều thể loại mà thể loại nào cũng đạt đến đỉnh thì không những rất tốt mà là quá tốt. Thực tế nhạc nhẹ thế giới đã cho thấy, thông thường mỗi ca sĩ chỉ chuyên trị một trong các dòng nhạc: pop, R&B, jazz, rap… Ít ai có thể thành công cùng lúc ở nhiều dòng nhạc khác nhau.

Ở thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay một số ca sĩ đủ thành phần từ sao thị trường cho đến diva, divo, bên cạnh dòng nhạc sở trường của mình đều “cõng” thêm nhạc xưa (có khi là “nhạc sang” cũng có khi là “nhạc bình dân”). Việc này, ngoài lý do “đa thể loại” còn một lý do khác là làm như thế mới mong có nhiều khán giả. Vì mục tiêu khán giả mà có khi ca sĩ xao lãng với con đường mình chọn thay vì bồi đắp cho những thành tựu mà mình đạt được.


Ảo tưởng và bệnh thành tích

Chuyện các huấn luyện viên tâng bốc thí sinh, thậm chí, ngay cả HLV Thanh Bùi được cho là áp dụng phương pháp giáo dục “dân chủ” từ phương Tây, cũng tâng bốc tối đa, gọi thí sinh là diva (“diva Thu Hà” do Thanh Bùi phong tặng không lọt vào chung kết), bản chất là “tiêm nhiễm” cho thí sinh ảo tưởng. Tuy nhiên, cái ảo tưởng đem đến cho thí sinh đáng nói trong Giọng hát Việt nhí là việc chọn bài của HLV.

Từ thực tế khan hiếm ca khúc thiếu nhi hay, đủ  “không gian âm nhạc” để khoe chất giọng và tài nghệ trình diễn, khiến việc chọn bài người lớn cho thiếu nhi hát trở thành giải pháp tình thế, các HLV ngày càng quá đà, ca khúc chọn ngày càng nặng “đô”. Phương Mỹ Chi 10 tuổi đã quá sức với Quê em mùa nước lũ, đêm chung kết lại phải gồng mình với Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, khán giả vẫn vỗ tay rần rần. Nhưng liệu Phương Mỹ Chi có cảm được “Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” (Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang - Vũ Đức Sao Biển)? Hoặc quán quân Quang Anh có biết “Nỗi oan trời cao, nỗi oan biển sâu, nỗi oan tiền kiếp, em có tội gì đâu, gặp nhau là say, say ngất say ngây…” (Đá trông chồng - Lê Minh Sơn) là gì không?

Có thể thấy, các huấn luyện viên cố bắt trẻ con làm cái mà người lớn làm được để chứng tỏ tài năng, để được công nhận thành tích. Nhưng như vậy là vô ích. Quang Anh không thể hát Chiếc khăn piêu bằng Tùng Dương hay Đá trông chồng bằng Thanh Lam. Ngoài việc thể hiện nội tâm cho tác phẩm, còn những vấn đề về kỹ năng, kỹ thuật và đó là một quá trình. Quá trình đó cần thời gian và cần một nền tảng căn bản. Đây cũng là biểu hiện của tính “ăn xổi” đang tồn tại trong showbiz.

Từ sự ca ngợi của các HLV, truyền thông lại phóng đại với các tít bài như “Quang Anh xô đổ tượng đài Tùng Dương”… Liệu các bé non nớt có thoát khỏi những ảo tưởng về khả năng của mình? Vô hình trung HLV đã góp phần vào việc làm lẫn lộn những giá trị ảo - thật mà trong “cơn địa chấn phê bình” vừa qua nhiều người đã lên tiếng.

Tìm kiếm tài năng ca hát?

Đã có nhiều người cho rằng Giọng hát Việt nhí là cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Tuy nhiên, trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam và thế giới, bộ môn thanh nhạc không có hệ sơ cấp (học sinh từ 6-7 tuổi). Các trường nhạc chỉ tuyển học sinh cho bộ môn thanh nhạc từ 15 tuổi trở lên, nghĩa là khi chất giọng phải ổn định (qua tuổi dậy thì). Vì vậy, Giọng hát Việt nhí dù có những thí sinh làm nhiều người “khâm phục”, không ai dám bảo đảm đó là những tài năng ca hát trong tương lai. Nó chỉ có ý nghĩa trong lứa tuổi của các em

Bé Xuân Mai được xem như một thần đồng ca hát, năm 2 tuổi đã có album riêng, 5 tuổi đã có live show, băng đĩa phủ sóng khắp đất nước. Xuân Nghi cũng nổi lên gần như cùng thời điểm với Xuân Mai. Nhưng khi qua tuổi 15, chất giọng của cả hai không có gì đặc biệt như hồi còn bé (ở đây chưa nói đến hoàn cảnh tác động, có thể bé không đi theo con đường ca hát).

Trách nhiệm của giới sáng tác

Qua cuộc thi Giọng hát Việt nhí nhiều người thấy rằng âm nhạc cho thiếu nhi trong thời gian dài vừa qua không được chăm lo chu đáo, ca khúc dành cho thiếu nhi thiếu trầm trọng. Ngày nay, hoàn cảnh, môi trường đã khác xưa, nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng trước đây không còn phù hợp. Một số ca khúc thiếu nhi ít ỏi hiện nay không theo kịp nhu cầu thưởng thức “hiện đại văn minh” trong thế giới Internet của thiếu nhi. Tâm sinh lý, suy nghĩ của lứa tuổi 13-14 hiện nay cũng rất khác xưa.

Các chương trình ca nhạc thiếu nhi ít được phổ biến, ít được phát sóng trên truyền hình nên thị trường nhạc thiếu nhi gần như không có. Giới sáng tác âm nhạc hiện nay không mặn mà với ca khúc thiếu nhi, thậm chí có cuộc thi sáng tác ca khúc của một đài phát thanh chỉ lèo tèo vài ba bài tham dự.

Đến lúc Giọng hát Việt nhí quy tụ những giọng ca nhí từ khắp mọi miền đất nước, xã hội mới “té ngửa”, thì ra lâu này con em chúng ta toàn hát và nghe nhạc người lớn, từ nhạc ngoại cho tới nhạc Việt.
Giới sáng tác âm nhạc hiện nay, có ai nghĩ đã làm tròn thiên chức xã hội của  một nhạc sĩ, nhất là đối với các thế hệ tương lai?


HỮU TRỊNH
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm