Kỳ 1: 'Kẻ gây rối' tài năng Robert Rodriguez

12/08/2014 14:16 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Sự kiện phần 2 của Sin CitySin City: A Dame To Kill For sắp ra rạp vào 22/8. Riêng với phim này, người ta không nói là nổi tiếng mà dùng từ “khét tiếng”, cho hợp với không khí toàn tội ác và báo thù chứa trong nó.

Sin City: A Dame To Kill For đã được báo chí loan tin từ mấy năm nay và là một trong những phần tiếp theo được trông đợi nhất ngoài rạp tháng 8 này. Một bộ phim đen (noir - tên thể loại) đậm đặc bạo lực và tình dục nhưng giàu tính nghệ thuật, vẫn được coi là tiêu biểu và đáng mong chờ đối với bất cứ người hâm mộ điện ảnh nào. Hãy cùng TT&VH nhìn lại sức ảnh hưởng của Sin City phần 1 và những chuyện thú vị xung quanh phần 2 sắp ra mắt.

Khi “kẻ gây rối” rời khỏi Hollywood

Vị đạo diễn đứng đằng sau Sin City (Thành phố tội lỗi), Robert Rodriguez (46 tuổi), người cũng “khét tiếng” chẳng kém trong làng điện ảnh, đã tạo nên bộ phim từ studio độc lập của riêng anh tên là Troublemaker (Kẻ gây rối) tại Austin, Texas trong nhà chứa máy bay của một sân bay cũ.

Rodriguez đủ độc lập và cũng đủ tài năng để thay đổi quy luật của Hollywood: anh không cần các hãng lớn và trường quay lớn ở Los Angeles hoa lệ, nơi hầu hết giới diễn viên sinh sống. Anh “bốc” họ đến Texas, tuyển chọn diễn viên, quay phim, thiết kế trang phục, làm hậu trường lẫn thiết kế áp phích đều ở Troublemaker.

Một đạo diễn giỏi biết cách kéo mọi người về phía mình. Tự chủ đến như Rodriguez trong một thế giới phụ thuộc vào các tên tuổi như Hollywood là điều phi thường. Vào năm 2011, Sin City phần 1, bất chấp giới hạn độ tuổi, đã thu về 158 triệu USD (kinh phí 40 triệu) và đứng thứ 100 trong top 250 phim hay nhất trên trang web Internet Movie Database.

“Ai đó đã tạo ra hệ thống Hollywood và cả nền kinh doanh khổng lồ, nhưng với một người sáng tạo, thứ đó chẳng nghĩa lý gì” - Rodriguez nói với trang The Red Bulletin - “Bạn phải tự tạo ra một lồng ấp ý tưởng cho mình, đó là nơi bạn tự do thất bại, tự do thử mọi cơ hội. Không phải lúc nào bạn cũng phải đến trường quay để mượn sân khấu âm thanh và thử nghiệm cái này cái kia. Họ sẽ chỉ đuổi bạn đi mà thôi”.

Rodriguez không để bộ phim của mình bị chia năm xẻ bảy với những người nắm các vai trò khác. Để làm được như vậy, anh tự nắm lấy các vai trò đó. Với Sin City phần 1, Rodriguez tự đảm nhận các vai trò sau: đồng đạo diễn (với Frank Miller và khách mời Quentin Tarantino), nhà sản xuất, sáng tác một phần nhạc phim, quay phim, dựng phim    . Phim đứng tên hãng Troublemaker Studios của anh, chỉ “cậy nhờ” mỗi Dimension Films phát hành.

Với Sin City 2, Rodriguez lặp lại nguyên các vai trò đó. “Đó là những sở thích hàng đầu của tôi: chụp ảnh, vẽ, âm nhạc, làm phim. Tôi chọn làm phim vì tôi có thể kết hợp tất cả các sở thích đó trong cùng một dự án.Vì thế với những phim khởi nghiệp, tôi đã làm mọi thứ như vậy. Khi gia nhập vào hệ thống Hollywood, tôi nghĩ: Không hiểu sao mình phải từ bỏ những sở thích này”.

Rodriguez nổi tiếng là đạo diễn chuyên quay các phim “chạy-và-bắn” ngoạn mục mà lại tốn rất ít tiền. Hollywood bắt đầu đặt niềm tin vào anh từ loạt phim Spy Kids 4 phần, từ năm 2001 đã thu về nửa tỷ USD. Nhờ niềm tin này, Rodriguez có quyền chọn bất cứ dự án nào mà anh thực sự đam mê. Và dự án đó chính là Sin City.

Mọi nẻo đường dẫn đến Troublemaker

Sin City là tên loạt tiểu thuyết đồ họa cũng rất “khét tiếng” của nhà văn kiêm đạo diễn Frank Miller. Basin City, thành phố có biệt danh “sin city” (thành phố tội lỗi), là một địa danh tưởng tượng nằm ở miền Tây nước Mỹ. Đây là nơi “không có công lý”, tỷ lệ tội phạm cao khó tin.

Trên đường tìm đề tài cho dự án mới “thực sự đam mê” như đã nói ở trên, Rodriguez đến hiệu sách, chọn mua Sin City, để rồi khi về nhà anh nhận ra mình đã có 3 cuốn. “Tôi quá yêu bộ sách này và tôi biết ngoài mình ra không ai có thể chuyển thể nó thành phim, vì họ sẽ chỉ phá nát nó mà thôi” - anh chia sẻ.

Thứ khiến Rodriguez ngay lập tức say mê Sin City là vì phong cách phối màu quá độc đáo. Miller vẽ mọi thứ chỉ bằng 2 màu đen trắng, không hề có bóng hay màu xám. Ông kể chuyện về những kẻ giết người, gái điếm, những tay cảnh sát đồi bại và các chính trị gia tham nhũng.

Rodriguez trung thành với phong cách này khi chuyển thể thành phim, dù biết rõ màu sắc như vậy có thể khiến khán giả bất ngờ. “Nó quá lạ lẫm và khiến người ta mất tập trung. Nhưng họ cũng nghĩ rằng đó là một sự đột phá về hình ảnh. Sự thực ở phần 1 tôi đã không đi quá xa”.

Phần 2 có lẽ sẽ đột phá thêm một chút. Năm 2011, 6 năm sau khi phần 1 ra đời, Rodriguez nhấc điện thoại gọi cho diễn viên nữ chính Jessica Alba, bảo cô đến Troublemaker càng sớm càng tốt để quay phần 2. “Tôi nghĩ: Ôi Chúa ơi, Robert, anh phải thông báo cho tôi một cách tử tế hơn chứ” - Alba nói và cười lớn.

Nhưng thực tế thì Alba đã nhận được kịch bản từ nửa năm trước đó và đã bắt đầu tập luyện vũ đạo với biên đạo múa để thực hiện được những cảnh nhảy điêu luyện (cô vào vai vũ công xinh đẹp Nancy). Nhờ thế, các cảnh quay của Alba hoàn thành chỉ trong ít ngày. Rodriguez làm việc bài bản và hiệu quả đến khó tin.

Rodriguez “cậy” có trường quay riêng nên không vội tuyển diễn viên. Sau khi khởi quay, có 2 diễn viên mới được gọi đến Troublemaker. Đó là người đẹp gợi cảm Eva Green vào vai vị phu nhân (dame) Ava Lord trong phim A Dame To Kill For, và tài tử Joseph Gordon-Levitt vai tên đánh bạc thực hiện một nhiệm vụ bí mật.

Ngoài ra, đội của Rodriguez trong phần 2 này tập hợp các gương mặt quen thuộc của phần trước: Rosario Dawson, Jaime King, Mickey Rourke, Bruce Willis, Josh Brolin. Vào ngày 22/8, A Dame To Kill For sẽ đến với người hâm mộ.

Kỳ 2: Khi tội ác là “nhân vật” của nghệ thuật

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm