27/11/2018 06:57 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Xuất hiện cách đây gần một thế kỷ, dòng tiểu thuyết trinh thám Việt Nam từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ và sánh vai với những dòng tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết hiện thực… Để rồi, sau những năm dài gần như vắng bóng, giới nghiên cứu đang nhắc tới việc “đánh thức” dòng sách ấy.
Và, câu chuyện này đã được nhắc tới khá nhiều trong dịp ra mắt bộ sách Thám tử Kỳ Phát (công ty sách Phúc Minh tổ chức) tại phố sách Hà Nội cuối tuần qua.
“Huyền thoại” tái xuất sau 80 năm
Gồm 5 cuốn: Đám cưới Kỳ Phát; Nhà sư thọt; Chiếc tất nhuộm bùn; Vết tay trên trần; Kỳ Phát giết người, Series Thám tử Kỳ Phát (Phúc Minh Books và NXB Công an Nhân dân ấn hành) là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của “vua truyện trinh thám Việt Nam” Phạm Cao Củng vào thập niên 1930 của thế kỷ trước.
Như phân tích của các nhà phê bình văn học, dù học tập và ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Cụ thể, phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở Phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.
Vì sao, tiểu thuyết trinh thám Việt Nam lại xuất hiện sớm như vậy? “Văn học trinh thám gắn liền với sự ra đời và phát triển của đô thị, cũng như sự xuất hiện của tầng lớp thị dân. Việc lớp độc giả xuất hiện đồng nghĩa với việc đặt ra yêu cầu về một thể loại văn học mới vừa có tính giải trí, vừa có sự thể nghiệm cái mới, vừa có thể khơi mở về trí tuệ” – PGS.TS Trần Văn Toàn (Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận xét – “Ban đầu, các tác phẩm trinh thám xuất hiện lẻ tẻ. Thể loại văn học này chỉ thực sự "bùng nổ" khi có sự xuất hiện của các tác giả như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Phú Đức...”.
“Có nghĩa, văn học trinh thám Việt Nam không ngẫu nhiên mà xuất hiện. Nó cũng cần phải có điều kiện riêng của mình. Bên cạnh sự xuất hiện của tầng lớp thị dân, đó còn là sự xâm nhập của văn hóa Phương Tây, đặc biệt là việc du nhập của những cuốn truyện trinh thám Phương Tây vào Việt Nam nữa”, PGS.TS Trần Văn Toàn nói thêm.
Mảnh đất cần “khai hoang”
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân , văn học trinh thám Việt Nam là một trong số thể loại có nhiều thăng trầm nhất trong các thể loại văn học. Trước năm 1945, có rất nhiều tác giả đã từng viết truyện trinh thám, nhưng sau đó, thể loại văn học này vắng bóng dần. Phải mãi tới năm 1991, văn học trinh thám Việt Nam mới manh nha trở lại, đặc biệt khi một số bản truyện cũ được bắt đầu in lại. Thế nhưng, nhìn tổng thể, đây là dòng sách có số lượng tác phẩm khiêm tốn và phát triển chậm.
Có rất nhiều lý do để giải thích về sự “lận đận” này. Trong đó, theo nhà báo Yên Ba, việc viết tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam rất khó, do bối cảnh, văn hóa, xã hội khác biệt với Phương Tây – vốn là nơi có truyền thống về tiểu thuyết trinh thám. Ngoài ra, cũng phải kể tới năng lực của đội ngũ sáng tạo.
Thực tế, ngay ở giai đoạn đầu, kể từ sau nhân vật Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, trinh thám Việt Nam không còn xuất hiện thêm hình tượng nhân vật gây ấn tượng và có phong cách tiêu biểu như vậy.
“Văn học trinh thám là một mảnh đất chưa được "khai hoang" nhiều, bởi viết trinh thám không đơn giản. Để viết được trinh thám, đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực và cả hiểu biết về khoa học, xã hội, văn hóa. Thực sự để có thể cho ra đời một tác phẩm trinh thám hay cần phải có sự đầu tư nghề rất cao”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, thẳng thắn nhận xét.
Thế nhưng, khá thú vị, không hẹn mà gặp, dòng văn học này bắt đầu có sự "hồi sinh" trở lại trong những năm gần đây. Một loạt tác phẩm "vang bóng một thời" như series Thám tử Kỳ Phát, series truyện trinh thám của Thế Lữ lần lượt tái xuất. Cộng thêm vào đó là sự xuất hiện khá đều đặn các tác phẩm trinh thám hiện đại, để đem đến sức sống mới cho một thể loại tưởng đã phai dấu từ lâu.
“Khi nhiều dòng văn học khác đang "bão hòa", trinh thám lại là một mảnh đất tiềm năng về thế mạnh của loại hình Do vậy, rất có thể, sẽ có thêm nhiều tác giả lựa chọn và đầu tư sáng tạo vào văn học trinh thám”, PGS. TS Phạm Xuân Thạch giải thích. “Hơn nữa, sự trở lại của các tác phẩm "đình đám" một thời như truyện của của Phạm Cao Củng sẽ là một sự động viên rất lớn cho các ngòi bút thế hệ. Từ những bộ sách này, họ có thể học hỏi kinh nghiệm để tìm được sự chặt chẽ khi viết, cũng như hiểu được lý thuyết cơ bản để sáng tác văn học trinh thám”.
Như chia sẻ của các chuyên gia, văn hóa đọc của một xã hội phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng của các nhà sách và các đơn vị phát hành. Để có thể làm sống lại dòng văn học trinh thám, rõ ràng đó phải là sự chung tay của rất nhiều đối tượng: người viết, bạn đọc, các đơn vị xuất bản...
Hoài Thương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất