Trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013: Hà Nội vẹn nguyên giữa mọi xô bồ...

30/08/2013 08:00 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái


>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013

(giaidauscholar.com) - Một thông tin thú vị trong lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013: Hai trong số tác giả nhận giải đã từng biết cố họa sĩ Bùi Xuân Phái trong hàng chục năm, đã từng kính phục và trân trọng sự nhiệt thành được ông dành cho Hà Nội.

Báo giới, bè bạn, và những gương mặt được đề cử đã có mặt từ rất sớm trong lễ trao giải chiều qua 29/8. Như lời mở đầu từ bà Trương Lê Kim Hoa - Tổng biên tập TT&VH - lý do để ngần ấy con người cùng ngồi lại với nhau chính là tình yêu lớn với Hà Nội, cũng như việc tôn vinh những biểu tượng mới của dòng chảy tình yêu không ngừng ấy.

1. Hai gương mặt được chú ý nhất trong khán phòng là nhiếp ảnh gia Quang Phùng và nhà nghiên cứu Nhật Bản Komatsu, thành viên Quỹ bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất khu vực Đông Nam Á. Tuổi 82, tác giả Quang Phùng đến nhận giải với cây ba toong và chiếc máy ảnh nhỏ xíu, không ngừng được ông "tác nghiệp" bằng bàn tay còn lại. Còn trên tay bà Komatsu là di ảnh của TS Nishimura Masanari - nhà khảo cổ Nhật Bản vừa mất tại VN vào tháng 6 vừa qua.

"Tôi là đồng nghiệp trên 20 năm của Masanari và đã cùng anh tham gia nghiên cứu tại làng gốm Kim Lan. Từ Nhật Bản, gia đình Masanari ủy thác tôi thay họ tới đây". bà Komatsu giới thiệu. Cũng vì cách trở địa lý, nhà ngoại giao Anh John Ramsden đã nhờ Bà Lesley Craig - Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam - tới nhận giải và chuyển đọc diễn từ của mình.

Đây là lần đầu tiên có tới 2 tác giả nước ngoài được vinh danh trong giải thưởng do TT&VH tổ chức. Và cũng là lần đầu tiên, hạng mục Việc làm của giải được "phá lệ", trao cho 2 đề cử khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN, cho biết: "Tôi phấn khởi vì các đề cử của giải thưởng năm nay đã bao quát được rộng khắp các lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa xã hội, và cả các hoạt động giao lưu văn hóa có yếu tố nước ngoài. Nhiều đề cử có tính phát hiện cao và có ý nghĩa xã hội sâu sắc".

Một điểm thú vị khác, theo KTS Đoàn Đức Thành (đại diện Hội đồng giám khảo) ở giải năm nay là "sự lên ngôi của nhiếp ảnh". Hàng ngàn bức ảnh về HN suốt 60 gần đây  của nghệ sĩ Quang Phùng, cũng như 1.700 bức ảnh chụp HN thập niên 1980 của John Ramsden, là những câu chuyện rất riêng của Thủ đô dưới mọi góc nhìn. "Xem bộ ảnh Hồ Gươm dưới mưa vào đầu tháng 8 vừa qua, tôi đặc biệt kính phục anh Quang Phùng. Hỏi, tác giả kể: nước ngập phủ trắng những con phố quanh đó. Ở tuổi 82, anh vẫn dò dẫm, bám vào những mép tường, lội vòng quanh Hồ Gươm để chụp. Trong khi hôm đó, tôi cũng định chụp ảnh, nhưng cứ xách máy tới cửa lại tần ngần quay lại vì ngại mưa" - KTS Thành kể giữa tiếng vỗ tay của mọi người.

2. Bước lên nhận Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội, tác giả Quang Phùng chia sẻ khá nhiều về những kỉ niệm riêng với cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Mối thâm giao suốt 20 năm ấy, như lời ông, để lại những bài học lớn và đi theo tay máy của Quang Phùng cho tới tận bây giờ.

"Nói không quá lời, bác Phái là tấm gương về một người HN mẫu mực. Tôi chịu ảnh hưởng của Bùi Xuân Phái về bố cục, đường nét, về những góc nhìn HN. Nhưng cao hơn hết, đó là bài học về tấm lòng của bác với vùng đất này" - nhà nhiếp ảnh 82 tuổi run run xúc động - "Mỗi lần nhìn Bùi Xuân Phái say mê vẽ Hà Nội, giữa những ngày mà cuộc sống của người dân nơi đây đang ở vào giai đoạn khó khăn, u ám nhất, tôi hiểu rằng bác vẫn yêu, vẫn tin rằng HN sẽ tới thời điểm được như ngày hôm nay – thời điểm mà chúng ta cùng nhau ngồi tôn vinh HN qua giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái".

3. Cũng trong diễn từ gửi tới lễ trao giải, nhà ngoại giao Anh John Ramsden đã dành những lời tích cực nhất để nói về người họa sĩ đã được coi là một phần của lịch sử HN này. Những năm 1980, khi công tác tại Hà Nội, ông đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng cố họa sĩ Bùi Xuân Phái.

"Bùi Xuân Phái là trường hợp điển hình cho những nghệ sĩ luôn gắn với mảnh đất mà mình đang sống. Tình yêu khiến họ có sự nhạy cảm đặc biệt để nắm bắt được những khoảnh khắc kì diệu, những góc nhìn độc đáo về nơi ấy, và đưa vào tác phẩm của mình" -John Ramsden viết - "Và sau niềm vui được biết ông, tôi lại có một niềm vui thứ 2 sau 30 năm cũng với cái tên Bùi Xuân Phái. Hẳn, ông sẽ rất vui mừng nếu được biết về một HN mở rộng và thịnh vượng như ngày hôm nay".

Như lời nhận xét của Hội đồng giám khảo, Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 6 - năm 2013 diễn ra trong bối cảnh Hà Nội tròn 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Bên cạnh những gì đã đạt được, ở một Thủ đô với quy mô trải rộng như thế cũng còn rất nhiều những vấn đề chưa thể giải quyết đồng bộ - mà dễ thấy nhất đó là nề nếp, lối sống, là chất văn minh, thanh lịch của người Thủ đô đang phai nhạt dần. Bởi thế, việc "bội thu" với 5 giải thưởng của năm 2013 là một bất ngờ thú vị trước những tấm lòng luôn đau đáu về một HN vẹn nguyên và đích thực, bất chấp mọi pha tạp xô bồ...

Trao đổi với TT&VH từ London, nhà ngoại giao John Ramsden chia sẻ: Giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” đến với tôi rất bất ngờ. Tôi rất hạnh phúc khi những việc làm thầm lặng suốt 3 năm tại Hà Nội và 30 năm ở khắp nơi trên thế giới của mình được người Hà Nội ghi nhận. Với tôi, đó là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực của mình.

Tại buổi lễ, bà Lesley cũng truyền đạt mong muốn của John Ramsden khi nhờ báo TT&VH dùng toàn bộ tiền thưởng của ông để làm từ thiện. “Chúng tôi rất mong báo TT&VH tìm một việc từ thiện với tinh thần “vì tình yêu Hà Nội” để tình yêu Hà Nội của chúng tôi được lan tỏa”- Bà Lesley trao đổi với TT&VH.

Bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa, vui mừng đón nhận nhã ý này của John Ramsden và hứa sẽ tìm những việc làm thiết thực để giúp John lan tỏa tình yêu Hà Nội.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng (giải Việc làm):

4 năm trước, TT&VH là tờ báo duy nhất đồng hành cùng chúng tôi khi bắt đầu hành trình tới Chư Tan Kra. Loạt phóng sự về những người "lính mũ sắt" HN sau đó, đã khiến hàng trăm người thân của các liệt sĩ bật khóc. Họ không đau đớn như 30 năm trước, khi chồng, cha, con trai mình nằm lại núi rừng Kon Tum. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc - khi sau một chuỗi những năm dài đằng đẵng, cũng tới lúc chiến công và sự hy sinh thầm lặng của những người lính HN bắt đầu được dư luận quan tâm.

Tôi không biết nói gì hơn khi nhắc tới cụm từ Vì tình yêu Hà Nội trong giải thưởng này. Năm 1967, hàng trăm chàng trai HN ngã xuống trong trận đánh ở Chư Tan Kra cũng với niềm tin rằng HN sẽ không bao giờ trải qua những chuỗi ngày như trong chiến tranh nữa. Họ xứng đáng với cụm từ Vì tình yêu Hà Nội, đến từng lời.


Nhóm PV Văn hóa thực hiện
Ảnh: Nguyễn Đình Toán, Cao Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm