15/01/2015 08:03 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Phần lớn những cuộc chia tay của nghệ sĩ Việt ồn ào, có khi “nảy lửa”, nguyên nhân không chỉ do báo mạng đói chuyện “câu khách”. Như bi kịch của một diễn viên hài mới đây khiến dư luận lại xôn xao chuyện tình - tiền trong showbiz.
Những tố cáo lừa đảo chưa bao giờ dồn dập đến thế. Nhiều cuộc hôn nhân khép lại với dư âm chỉ một chữ… tiền. Liên tục những lời nói dối, đổ lỗi, những bức ảnh chứng thực, những băng ghi âm, những vụ “tố” với con số hàng tỉ đồng như trong những vụ án kinh tế.
Chuyện liên can từ những hoa hậu, ca sĩ, diễn viên, từ người già đến người trẻ với đủ “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Họ không ngại “lôi” nhau lên truyền thông để thóa mạ, lăng nhục đối phương với đủ mọi thói hư tật xấu, hận thù, cay đắng. Và cả những khoản tiền kếch xù, mà nếu không bị ràng rịt bởi tờ giấy hôn thú, những “bị cáo” đủ tù mọt gông vì tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân.
Dù đã ngán đến tận cổ những scandal lộ hàng, ăn cắp, đánh lộn, chụp ảnh khỏa thân, trác táng… người ta vẫn thấy kinh ngạc cuộc sống thật sau ánh đèn hào nhoáng. Tôi liên tưởng chuyện Vũ Trọng Phụng viết trong Kỹ nghệ lấy tây mà Phùng Tất Đắc từng nhận xét: “Nước ta hiện đương sống một cuộc đời biến đổi lạ lùng... Chỉ trong vòng ngoài năm mươi năm, bao nhiêu lề thói, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu hình dạng của bốn nghìn năm phải phá huỷ đi gần hết. Vậy hiện tượng của cuộc biến đổi ấy như thế nào, sức xung đột của Đông Tây ảnh hưởng vào đời sống vật chất và tinh thần của xã hội ra sao, há chẳng là những điều nên mô tả ra cho đời sau được biết ư?”.
Nhưng bây giờ, đổ cho phương Tây thì chẳng phải cấp tiến gì mà lại có vẻ lỗi thời. Phương Tây với sự rõ ràng định lượng trong quan hệ như những hợp đồng hôn nhân sẽ không lẫn lộn tình tiền như thế. Hơn nữa, nền công nghiệp giải trí Việt, với một thị trường bề nổi, không đủ tiền để nuôi một đám đông sao xẹt tự phong với cuộc sống xa hoa, sáng tối siêu xe, du hí, hàng hiệu… Họ phải vay, thuê, mướn, đổi chác và… tầm gửi là phải.
***
Nghệ sĩ vốn là người của công chúng, được dõi theo. Mỗi cuộc ly hôn sặc mùi tiền, mỗi lời tố cáo trên truyền thông không thể nói là “chẳng chết ai”. Nhưng nó cũng khiến người ta nhận ra lớp vỏ hào nhoáng của cuộc sống. Như quả táo ngâm ủ trong chất bảo quản lâu ngày, bên ngoài trơn láng hấp dẫn nhưng bên trong thâm thẹo và có phần nhầy nhụa. Như một ý kiến độc giả: "Lúc thì khoe khoang nhà cao cửa rộng, ông chồng, bà xã tốt đầy rẫy trên mặt báo, rồi chán chê nhau cũng đưa lên mặt báo tố tụng nhau, các bạn có thấy kỳ không? Lúc các bạn ăn sung mặc sướng các bạn có nghĩ tới ai đâu? Mà sao khi có chuyện các bạn lại bắt người ta phải nghe phải đọc? Không đọc thì không biết nhưng đọc rồi cảm thấy bực mình và cảm thấy thật “ruồi bu kiến đậu” làm sao”.
Các sao quá nhẹ dạ dẫn đến dễ lừa cả tình lẫn tiền, hay chiêu trò?
Chẳng phải có người nói rằng không chiêu trò không phải nghệ sĩ. Có lẽ không, bởi mấy ai có gan đến mức mang hạnh phúc riêng tư ra làm trò để “chơi dao đứt tay”. Có một điều mà một người trong cuộc chua chát thốt ra “người phải gánh chịu thiệt thòi nhất trong mối thù hằn ấy chính là con cái” khi những bi kịch gia đình ấy trở thành tâm điểm chuyên mục giải trí của một số báo mạng. Vâng, chuyên mục Giải trí chứ không phải không phải Văn hóa.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất