Kế hoạch đình công của cầu thủ Serie A: AIC bị cô lập

12/09/2010 11:16 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Giới cầu thủ Serie A, được đại diện bởi Hiệp hội cầu thủ Italia (AIC), dự định sẽ tổ chức đình công ở vòng 5 Serie A (ngày 25 và 26/9 tới đây) để phản đối một số điều luật đang được Lega Serie A (Ban tố chức Serie A) dự định áp dụng. Nhưng họ đang có nguy cơ thua cuộc.

Sự phẫn nộ đến từ đâu?

Oddo (trái) là người khởi xướng vụ đình công này - Ảnh: Getty

Trước khi mùa giải mới khởi tranh, Lega Serie A (Tổ chức mới thành lập để thay thế Lega Calcio sau khi hai giải Serie A và Serie B tách ra hoạt động riêng kể từ mùa này) đã đưa ra một bản dự thảo thay đổi những điều khoản quy định quyền lợi và trách nhiệm của các cầu thủ cũng như của CLB để bàn với AIC. Dự thảo này gồm 7 điều, trong đó đáng chú ý có điều khoản chỉ cho phép các cầu thủ được hưởng một mức lương cơ bản bằng 50% lương ký trong hợp đồng, số còn lại sẽ dao động tùy theo mức độ thành công của đội bóng, nhằm ngăn ngừa khả năng các ngôi sao lĩnh lương “khủng” nhưng không nỗ lực thi đấu.


Nhưng trong khi dự thảo nói trên còn chưa được AIC đồng thuận thì Lega Serie A lại bổ sung thêm một điều khoản nữa, điều khoản thứ 8. Điều khoản này cho phép các đội bóng được quyền sa thải cầu thủ mà chỉ phải trả 50% lương đền bù thay vì 100% như quy định cũ, trong trường hợp anh ta từ chối chuyển sang đội bóng khác với mức đãi ngộ và điều kiện thi đấu tương đương. Điều khoản này rõ ràng sẽ “cắt cơm” của giới cầu thủ một khi họ bị coi là không còn cần thiết với đội bóng, hay đơn giản là vì họ buộc phải ra đi để lấy chỗ cho một người khác. Đối tượng dễ “chết” nhất sẽ là những cầu thủ chỉ còn một năm trong hợp đồng và các đội bóng tìm cách bán tháo anh ta để gỡ gạc lại một phần tiền.


Kêu trời, trời không thấu?

Đứng trước nguy cơ bị đối xử “tàn bạo”, dĩ nhiên giới cầu thủ Italia sẽ không chịu để yên, nhưng không phải là tất cả các cầu thủ. Với một bộ phận chiếm 90% tổng số cầu thủ đang chơi bóng ở Italia, những người lĩnh mỗi năm vài trăm ngàn euro và hài lòng chơi ở các đội bóng ít tiếng tăm, điều luật kia không đủ làm họ bận tâm. Nhưng ở nhóm các ngôi sao triệu phú thì khác. Những người này, ngoài chuyện tiền bạc, cũng còn là chuyện danh dự khi họ bị “đá đít”. Chính Massimo Oddo, người phát ngôn của AIC trong vụ này, cũng là một đại diện của nhóm này khi trở thành người thừa ở Milan suốt 2 mùa gần nhất. Cũng không ngạc nhiên khi những người đứng tên công khai ủng hộ Oddo là những Seedorf, Gattuso, Orlandoni, Zanetti, Totti, Del Piero hay Cordoba – rặt những lão tướng.


Nhưng sự phản kháng của họ đang bị che phủ bởi quan điểm hết sức quyết liệt từ phía các đội bóng cũng như từ phía Lega Serie A. Hàng loạt vị lãnh đạo các CLB Serie A và quan chức Lega Serie A đều cực lực phê phán lời đe dọa bãi công từ phía AIC. Liên đoàn bóng đá Italia cũng rất quan tâm đến vụ này và sẽ chính thức vào cuộc nếu hai phía, AIC và Lega, không đạt được sự đồng thuận trước thời điểm dự kiến diễn ra cuộc đình công, theo đề nghị của Tòa án cấp cao về thể thao Italia. Trên báo chí, quan điểm chung là ủng hộ những thay đổi mới nhằm tìm hướng đi tốt hơn cho bóng đá Italia, nhưng trên hết, dư luận chờ đợi sự thỏa hiệp và để cho vòng 5 Serie A được diễn ra như đúng lịch.

Ngày mai, hai bên sẽ gặp nhau ở Rome với “trọng tài” là chủ tịch FIGC Giancarlo Abete. Không chịu lùi bước là quan điểm của cả Lega Serie A lẫn AIC, nhưng họ sẽ phải lùi bước vì lợi ích chung.

B.V

Beretta: “Họ không phải là đồ vật”

AIC tuyên bố họ bãi công còn là để đòi quyền con người, chống lại việc bị đối xử như những đồ vật, nhưng Chủ tịch Lega Serie A, ông Maurizo Beretta, khẳng định: “Chúng ta đang không nói về những người nghèo. Chỉ có khán giả mới nghèo. Họ đã phải hy sinh nhiều thứ để đến sân bóng bất chấp khó khăn kinh tế, trong khi 635 cầu thủ kia lĩnh trung bình 1,3 triệu euro mỗi năm. Ở Anh, người ta đã có quy định hạn chế những cầu thủ ngôi sao và luật fair-play tài chính sắp áp dụng buộc các đội bóng phải có những sự lựa chọn chính xác để đảm bảo các quy định về tài chính. Chúng tôi khẳng định dự thảo 8 điều được đưa ra là hoàn toàn logic và thuận theo hoàn cảnh kinh tế và bóng đá hiện tại”.

Phản ứng từ giới lãnh đạo các CLB cũng rất gay gắt. Ông Claudio Lotito, chủ tịch Lazio đồng thời là một trong số những người chấp bút cho dự thảo 8 điều: “Không thể tưởng tượng được một cầu thủ có thể lĩnh 10 triệu euro/mùa bất kể đội bóng của anh ta thắng hay thua. Chúng tôi chỉ phải chăm sóc quyền lợi cho những ai biết lao động thực sự”. Chủ tịch Palermo Maurizio Zamparini, một người “phũ miệng”: “Đình công đúng là lố bịch. Chủ tịch AIC Campana cũng quá lố bịch”.

Khó có đình công

Tuyên bố là một chuyện, còn thực hiện được hay không là chuyện khác. Trong lịch sử 42 năm tồn tại với mục đích bảo vệ quyền lợi cho giới cầu thủ, AIC mới chỉ thực hiện thành công duy nhất một cuộc bãi công vào tháng 3/1996, nhằm đòi quyền lợi về đảm bảo lương bổng cho những cầu thủ “bình dân” cũng như một số quy định liên quan đến luật Bosman. Năm ngoái, AIC cũng dự định đình công 30 phút trước các trận mở màn Serie A mùa 2009-10 nhằm phản đối quy định mới về độ tuổi áp dụng ở Lega Pro (giải hạng ba), nhưng sau đó kế hoạch bị hủy do Lega Calcio chịu nhượng bộ.

AIC đúng khi bảo vệ lợi ích cho giới cầu thủ, nhưng vì thế mà họ đang là vật cản trên đường thoát khỏi lạc hậu của bóng đá Italia. Ví dụ như quy định về tuổi nói trên. Lega Calcio buộc các đội bóng hạng 3 phải hạn chế sử dụng cầu thủ quá 23 tuổi nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ cho bóng đá Italia, nhưng AIC cho rằng như thế là đẩy hàng vạn đồng nghiệp của họ ra đường, dù rằng hầu hết các cầu thủ bị thải loại đều không xứng đáng được gọi là cầu thủ.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm