Cầu thủ trẻ như những món hàng đổi chác

11/09/2011 19:04 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần) - Tại Italia, cứ 100 cầu thủ độ tuổi U-21 thì chỉ có 2 người được sử dụng trong các trận đấu Serie A, trong khi đó, ở Pháp và Tây Ban Nha, con số này là 9, ở Anh là 10. Còn ở Đức? Con số này là 18. Thế mà ở Italia, những cầu thủ trẻ ít ỏi ấy luôn bị đẩy đến các đội khác, hoặc trở thành món hàng “gá” trong các vụ chuyển nhượng cầu thủ khác. Điều gì đang xảy ra?

Raffaele Poli là giám đốc của Quan sát bóng đá nhà nghề có trụ sở ở Neuchatel, Thụy Sĩ, một tổ chức được UEFA thuê để tiến hành hàng loạt các nghiên cứu liên quan đến tình hình phân bổ cầu thủ trẻ ở các nơi trên thế giới.    

Pantaleo Corvino, Giám đốc thể thao của Fiorentina, một chuyên gia săn lùng tài năng trẻ - Ảnh Getty

Chuyên gia gốc Italia này khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh Sky Italia: “Những nghiên cứu của chúng tôi trong nhiều năm qua cho thấy một sự thật nhức nhối, là ở Italia, các cầu thủ trẻ không có đất dụng võ. Lứa cầu thủ trong độ tuổi U-21 chỉ được ra sân số trận chiếm 2% tổng số trận tất cả các cầu thủ khác đã đấu, thấp nhất so với Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Điều đáng lo ngại hơn, là Serie A ngày càng có xu hướng nhập nhiều cầu thủ trẻ người nước ngoài. Ở các giải khác, cầu thủ trẻ nước ngoài cũng không ít, nhưng điều quan trọng là cầu thủ trẻ bản địa vẫn được ra sân hàng tuần. Do đó, hiện tại, cầu thủ trẻ người Italia chịu một lúc 3 áp lực nặng nề: 1) các CLB không sử dụng họ, 2) họ bị cầu thủ trẻ ngoại quốc lấy mất chỗ và 3) họ không có một CLB ổn định sau mỗi mùa hè. Họ thường xuyên bị các CLB đẩy đi theo dạng cho mượn hoặc đồng sở hữu, hoặc được dùng như một món hàng đổi chác”. Ví dụ không ít: D’Alessandro (hiện ở Roma) mới 20 tuổi nhưng đã trải qua Lazio, Roma, Grosseto, Bari, Livorno và Verona; Destro (Genoa) cũng mới 20 tuổi nhưng đã qua Ascoli, Inter, Genoa và Siena; cũng ở tuổi ấy, Soriano (Empoli) đã trải qua Bayern Munich, Sampdoria và Empoli. Còn nhiều câu chuyện tương tự như thế nữa.

Theo các số liệu thống kê của Poli, trung bình 23,7% cầu thủ trong đội hình 1 của các đội bóng hàng đầu châu Âu đến từ chính lò đào tạo trẻ của đội đó, trong khi ở Italia, trong vòng 3 năm qua, con số này chỉ đạt ngưỡng chưa đầy 10%. Theo Poli: “Tại Đức, một loạt các trung tâm đào tạo tài năng trẻ được lập ra ở các vùng, dưới sự bảo trợ của các CLB. Tại Pháp, nhà nước bắt buộc các CLB phải mở các trường đào tạo cầu thủ ở địa phương mình. Tại Tây Ban Nha, các CLB Barcelona và Bilbao có một mối liên hệ chặt chẽ với địa phương của mình. Trước kia ở Italia, thường là các CLB nhỏ và trung bình tìm kiếm các cầu thủ trong vùng đất của họ. Nhưng thành tích về thể thao buộc họ phải thực dụng, và các CLB bắt đầu thay đổi chính sách. Điển hình là đội Catania chỉ mua về các cầu thủ người Argentina, cả trẻ lẫn già, bởi họ làm việc chặt chẽ với tay môi giới nổi tiếng Jorge Cysterspiller (người quản lí của Maradona khi anh còn chơi cho Napoli)”. Mùa trước, Catania không đưa ra sân bất cứ cầu thủ nào dưới 22 tuổi (dù trong đội hình của họ có đúng 2 cầu thủ ở lứa tuổi đó) mà hoàn toàn tin cậy vào đội ngũ gồm 10 cầu thủ người Argentina ở độ tuổi 27,28. Mùa này, xu hướng có vẻ đã thay đổi, khi Catania đã bắt đầu chú trọng đến các cầu thủ người gốc Italia hơn. Nhưng theo các chuyên gia, họ vẫn sẽ chỉ tin vào các cầu thủ người Argentina.

Tóm lại, những gì người ta đang làm trên đất Italia hoàn toàn trái ngược với những nơi khác, khi có 2 yếu tố khiến các CLB đóng chặt cửa với các cầu thủ trẻ, là áp lực thành tích khiến họ buộc phải đi con đường thận trọng, là tin cậy vào các cầu thủ có kinh nghiệm, và xu hướng toàn cầu hóa khiến các CLB đầu tư một cách cởi mở vào các cầu thủ ngoại và thay vì đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ mà chính họ đào tạo ra, đưa về hàng loạt cầu thủ trẻ ngoại quốc và đẩy các cầu thủ trẻ của mình vào các hợp đồng đổi chác như những mớ rau. Đấy là lí do tại sao ở mùa bóng 2006-2007, số cầu thủ ngoại chỉ chiếm 30% số lượng cầu thủ cả giải, nhưng mùa vừa rồi, con số đã tăng vọt lên lên 47%. Người ta không hiểu tại sao những tài năng trẻ như Balotelli hay Santon không tìm được chỗ đứng ở Serie A, trong khi Roma lại bỏ ra đến 19,5 triệu euro để mua về Lamela, cầu thủ 19 tuổi mới chỉ có lưng vốn hơn 20 trận cho River Plate, hay Inter bỏ ra 14 triệu euro để đưa về Ricky Alvarez, người mới ghi được 2 bàn cho Velez Sarsfield. Mùa trước, 20 CLB Serie A bỏ ra 45 triệu euro cho đào tạo trẻ, chỉ bằng chưa đầy 1/3 số tiền CLB Anh và Tây Ban Nha cho công tác này.

Trong những năm qua, những CLB như Fiorentina, với vị Giám đốc thể thao nổi tiếng Pantaleo Corvino, một trong những chuyên gia hàng đầu về san tìm tài năng trẻ ở Italia, đã tìm cách phát triển bóng đá trẻ theo hướng hòa hợp giữa đào tạo cầu thủ người Italia và người nước ngoài trong một chính sách phát triển đầy tham vọng. Fiorentina hiện là một trong số các đội có tuổi trung bình trẻ nhất ở Serie A và luôn có xu hướng tung ra sân những cầu thủ tài năng khi họ còn rất trẻ. Hai mùa trước, Fiorentina đã lăng xê chân sút trẻ Babacar lúc ấy mới có 16 tuổi, và giờ, ở tuổi 18, cậu đã trở thành một cầu thủ quan trọng trong đội hình của HLV Mihaijlovic. Fiorentina có 220 cầu thủ ở các lứa trẻ và đang ươm các mầm non theo tư tưởng của Corvino là đào tạo và đưa lên đội 1. Nhưng một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân. Tại sao các CLB không theo gương đội bóng áo tím? 

Thư Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm