25/07/2021 22:47 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thông tin Covid-19 TẠI ĐÂY
(Tiếp tục cập nhật)
Thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nhiều địa phương tăng cường biện pháp đẩy lùi dịch
* Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp trực tuyến với các sở, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố về tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Sở Y tế Phú Yên đến sáng 25/7 tỉnh đã ghi nhận 1.098 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm, tuy nhiên còn nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận ngoài cộng đồng, nguy cơ rất cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết, ngoài 3 ổ dịch lớn được phát hiện từ cuối tháng 6/2021 tại các xã Hòa Kiến, Bình Kiến, An Phú, những ngày gần đây thành phố ghi nhận thêm 2 ổ dịch mới tại phường 1 (Bến Chương Dương) và khu phố 6, phường 4 có nguy cơ rất cao. Riêng tại khu phố 6, phường 4 có 118 hộ trong diện phong tỏa với 380 nhân khẩu, qua sàng lọc đã phát hiện 35 trường hợp F0. Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa đã mở rộng phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng tại khu phố 6 để sàng lọc phát hiện trường hợp F0, tăng cường phun khử khuẩn xử lý môi trường, tăng cường kỷ cương, xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch trong khu phong tỏa.
Về công tác xử lý vi phạm trong phòng chống dịch, Đại tá Trần Trọng Hiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, trong hai ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, Công an tỉnh Phú Yên đã tổ chức 221 ca, 90 lượt tuần tra kiểm soát, xử phạt 40 trường hợp ra ngoài không thực sự cần thiết, xử phạt 16 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa và Đồng Xuân. Đặc biệt, Công an huyện Phú Hòa đã tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Hiếu (34 tuổi), trú xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bị công an tạm giữ hình sự vì dùng mũ bảo hiểm đánh một thành viên tổ tuần tra công an huyện Phú Hòa.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tăng tốc phòng, chống đẩy lùi dịch COVID-19. Về lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đề nghị các địa phương phải chấp hành nghiêm việc lấy mẫu xét nghiệm theo hình thức mẫu gộp, không lạm dụng lấy mẫu đơn, chỉ lấy mẫu đơn khi chưa có chỉ định, phải lấy mẫu nhanh gọn, quét được toàn bộ địa bàn, bóc tách được người có nguy cơ, F0 ra khỏi cộng đồng.
Hiện Phú Yên cũng đã ghi nhận số người dương tính với SARS-CoV-2 là người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trở về Phú Yên. Do vậy, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm soát dịch tại các chốt kiểm soát, yêu cầu người trở về Phú Yên phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly và xét nghiệm, đối với trường hợp không chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng cần kiên quyết đưa đi cách ly tập trung như diện F1. Đồng thời, việc đưa người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Phú Yên phải tuân thủ theo quy trình test hai lần có kết quả âm tính trước khi lên xe và về đến địa phương trước khi đưa người dân về cách ly tại gia đình bàn giao cho chính quyền địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhấn mạnh, dịch COVID-19 lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua là do chúng ta thực hiện phòng chống dịch chưa nghiêm, đặc biệt công tác quản lý, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại các khu cách ly, khu phong tỏa.
Do vậy, trong thời gian tới, Công an tỉnh Phú Yên cần tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm hơn nữa các vi phạm trong phòng, chống dịch, tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tăng cường công tác kiểm soát, nắm chắc số người ngoại tỉnh về địa phương, hướng dẫn thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý nghiêm cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chấp hành chưa tốt công tác phòng, chống dịch.
* Ngày 25/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai cho biết: Liên quan đến BN95028, lực lượng chức năng đã tiến hành truy vết, xét nghiệm tầm soát và đã ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 3 bệnh nhân mới ghi nhận đều là người nhà của BN95028 gồm H.V.A (17 tuổi), N.T.M.T (28 tuổi), T.T.Q (78 tuổi) đều thường trú tại địa chỉ 13/1 Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt, qua điều tra, truy vết Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai xác định BN95028 là F1 của BN36712 (phát hiện ngày 21/7, không phải là F2 như khai báo của BN95028).
Như vậy, tính từ ngày 26/4 đến 7 giờ 00 phút, ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 28 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó đã xuất viện 5 trường hợp, hiện 23 trường hợp đang được điều trị tại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Ngay sau khi ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính nêu trên, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã khẩn trương thông báo thời gian, các địa điểm dịch tễ để công dân có liên quan khai báo, cách ly theo quy định của Bộ Y tế; tiến hành phong tỏa khu dân cư, nhà ca bệnh tổ dân phố 1, đường Hai Bà Trưng, Trụ sở Ủy ban nhân dân phường Tây Sơn, các hộ dân cư lân cận, điểm quán nhậu Pờ Tó đường Phù Đổng; địa điểm quán Bida đường Nguyễn Du và các hộ kinh doanh Spa ở Tổ dân phố 5 đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Lý Tự Trọng, thành phố Pleiku bắt đầu từ 12 giờ 00 ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới. Các điểm có yếu tố dịch tễ với BN95028 đã được lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa, phun khử khuẩn môi trường ngay sau khi phát hiện ca bệnh.
Liên quan đến dịch tễ của BN95028, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai bổ sung một số địa điểm dịch tễ có liên quan gồm: Nhà số 71 Nguyễn Hữu Huân, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku (ngày 19/7). Công ty thiết bị điện ở đường Nguyễn Hữu Huân, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku (ngày 20/7) và Quán cà phê tại ngã ba đường Lê Duẩn- Tôn Thất Tùng, thành phố Pleiku (từ ngày 22- 24/7).
*Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là tại địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ngày 25/7, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 đối với xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ra Quyết định số 56/QĐ-BCĐUBND với nội dung: Thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 đối với xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, với 5.430 hộ và 24.034 nhân khẩu. Thời gian áp dụng 15 ngày kể từ 17 giờ 00 phút ngày 25/7/2021.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch; đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của nhân dân đối với các yêu cầu về giãn cách xã hội, gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết... đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình gương mẫu trong việc chấp hành các quy định vè giãn cách xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát từ 27/4 đến 15h ngày 25/7, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có tổng cộng 139 ca dương tính với SARS-CoV-2 (riêng ngày 25/7 có 22 ca mới).
*Ngày 25/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ban hành văn bản về việc triển khai cách ly công nhân từ vùng dịch về nơi cư trú.
Tính đến ngày 25/7, tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 569 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có gần 500 ca là công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nguy cơ lây lan dịch từ khu công nghiệp ra cộng đồng cao, tỉnh Vĩnh Long đã chấp thuận cho một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tạm dừng sản xuất để bổ sung các điều kiện phòng, chống dịch.
Nhằm hạn chế số lượng ca mắc COVID-19 khi công nhân tạm ngừng việc trở về địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Sở Y tế và các địa phương thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà đối với tất cả công nhân và người lao động tại các công ty trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tạm ngừng việc trở về nơi lưu trú. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế cùng cấp thực hiện sàng lọc, tiến hành xét nghiệm theo mẫu gộp cho các công nhân trong thời gian cách ly.
Các địa phương trong tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện cách ly, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà, không để xảy ra việc lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly. Theo phân cấp, phân quyền, các địa phương xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong quá trình thực hiện cách ly và vi phạm trong công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành các quyết định chấp thuận cho 15 công ty trên địa bàn tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID- 19. Trên địa bàn tỉnh có 6 công ty tạm dừng hoạt động sản xuất từ ngày 21/7 đến hết ngày 1/8/2021, có 3 công ty kể từ ngày 22/7 đến hết ngày 1/8/2021, 4 công ty tạm dừng hoạt động sản xuất từ 23/7 đến hết ngày 1/8 và 2 công ty tạm dừng hoạt động sản xuất kể từ ngày 27/7 đến hết ngày 1/8/2021.
Bệnh viện Phổi Hà Nội dừng tiếp bệnh nhân sau khi phát hiện các ca dương tính
Theo báo Hà Nội mới, tối 25/7, bác sĩ Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, qua xét nghiệm sàng lọc, bệnh viện đã phát hiện 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (gồm: 10 bệnh nhân, 3 nhân viên, 1 người nhà bệnh nhân) tại Khoa Nội 3.
Sau đó, 14 mẫu bệnh phẩm này được gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để xét nghiệm khẳng định. Tính đến 18h ngày 25-7, có 9 mẫu bệnh phẩm (gồm: 7 bệnh nhân và 2 cán bộ y tế) được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 (do CDC Hà Nội thực hiện). 5 mẫu còn lại sẽ có kết quả khẳng định vào đêm nay.
Trước đó, nữ bệnh nhân L.T.T.L (sinh năm 1997, địa chỉ ở quận Tây Hồ) được điều trị tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6/7 đến 22/7. Khi xuất viện vào ngày 22/7, sức khỏe của bệnh nhân L hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, đến ngày 24/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt và đến khám tại Bệnh viện Phương Đông. Tại đây, bệnh nhân được làm test nhanh và có kết quả dương tính. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương và ngày 25-7 có kết quả RT-PCR dương tính.
"Sau khi nhận thông báo về bệnh nhân L dương tính, từ 7h sáng nay, chúng tôi đã cách ly y tế toàn bộ bệnh viện, tiến hành "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Cùng với đó là tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ lấy gần 400 mẫu (gồm cả người nhà và cán bộ, nhân viên đang nghỉ cuối tuần tại nhà)", bác sĩ Phạm Hữu Thường nói.
Tính đến 18h tối nay, bệnh viện đã lấy được 323 mẫu, trong đó có 214 bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện. Sau khi xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 14 ca dương tính tại Khoa Nội 3, bệnh viện đã lập tức phong tỏa toàn bộ khoa này. Khi nhận được thông báo của CDC Hà Nội 9/14 ca có kết quả khẳng định dương tính, vào 18h tối nay, bệnh viện đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Hữu Thường cho biết, hiện chưa xác định được nguồn lây. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ đang được bệnh viện tiến hành rất khẩn trương. Trong đêm nay và sáng mai, khi tiếp tục có kết quả xét nghiệm, bệnh viện sẽ xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận Hai Bà Trưng thực hiện phong tỏa toàn bộ bệnh viện.
Từ ngày 26/7, người dân TP.HCM tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI lần thứ 7, tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tối 25/7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Bắt đầu từ ngày 26/7, người dân tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ. Tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, hiện nay, tình hình diễn biến khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách, từ chính một bộ phận người dân. Việc kiểm soát của cơ quan chức năng “ngoài chặt trong lỏng”. Một số địa bàn đang diễn ra việc tiếp xúc giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi ra đường dù thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. “Yêu cầu phải nhận thức được việc này là hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài, bắt buộc phải dùng các biện pháp mạnh hơn, cao hơn, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, trước đây, Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi đã nêu ra 3 kịch bản chống dịch. Dù cố gắng nhưng thành phố không đạt được mục tiêu kịch bản thứ 1 và phải thực hiện kịch bản thứ 2, tăng cường mạnh mẽ thực hiện chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao. Hiện nay, trước tình hình nêu trên, kịch bản thứ 3 nhiều khả năng sẽ được áp dụng với những biện pháp chống dịch như trong điều kiện khẩn cấp. Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là điều mà thành phố không mong muốn nhưng vì chỉ có một con đường để chiến thắng dịch bệnh, trên tinh thần Chỉ thị 12 của Thành ủy phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Để kịch bản thứ 3 không xảy ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã triển khai các biện pháp hết sức quyết liệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thành phố mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền thành phố để công tác chống dịch đạt kết quả nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, qua 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, chúng ta thực hiện được khá nhiều việc nhưng còn nhiều việc vẫn chưa làm được. Mục tiêu đề ra hầu hết chưa đạt được buộc phải kéo dài thêm một thời gian nữa với tinh thần quyết tâm để thực hiện cho bằng được.
Nhấn mạnh hội nghị này được tổ chức nhằm mục đích quyết tâm cùng nhau đem hết tâm huyết, hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh để mang lại kết quả cao nhất, Bí thư Thành ủy cho biết: Hội nghị bàn một việc cơ bản nhất là làm sao để thực hiện cho bằng được trong một thời gian sớm nhất, kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Sự thật chúng ta chỉ có một con đường nếu không thực hiện, tình hình diễn biến dịch bệnh diễn biến không lường được. Mọi người đều có một mong muốn chung là sớm kiểm soát được dịch bệnh”.
Từ ngày 31/5 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau. Từ thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tiếp đó, từ 0 giờ ngày 9/7, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố đến nay.
Ninh Bình ghi nhận 1 ca nhiễm COVID-19 có bệnh lý nền tử vong đầu tiên
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, vào hồi 5 giờ 20 phút ngày 25/7, tỉnh Ninh Bình ghi nhận 1 ca tử vong đầu tiên do nhiễm COVID-19 là ca bệnh 3865. Đây là bệnh nhân tái dương tính với SARS-CoV-2 có tiền sử ung thư phổi được cách ly và điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước khi tử vong bệnh nhân ho ra máu đỏ tươi, da xanh tái, mạch nhanh khó bắt, huyết áp không đo được. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành hồi sức hô hấp, tim mạch nhưng không hiệu quả.
Bệnh nhân 3865, sinh năm 1976 trú tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngày 4/5/2021 đến Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều điều trị u phổi, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân được lấy mẫu 5 lần trong đó 2 lần dương tính vào ngày 29/5 và 1/6; 3 lần âm tính từ ngày 3/6 đến 6/6, 9/6. Ngày 10/5, bệnh nhân được về cách ly tại Trạm Y tế xã Văn Hải và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 12/6, bệnh nhân được chuyển vào Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn.
Đây là ca tử vong đầu tiên do nhiễm COVID-19 tại tỉnh Ninh Bình có tiền sử bệnh lý nền ung thư phổi. Hiện tỉnh Ninh Bình đang điều trị cho 14 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 6 trường hợp được cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình và 8 trường hợp cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quỳnh Sơn.
Đắk Lắk ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, ngày 25-7, Đắk Lắk ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh trên địa bàn lên 117 trường hợp.
Các ca bệnh mới được ghi nhận tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Bông, Krông Ana, Ea Kar, Krông Búk và Krông Pắc.
Trong đó đáng chú ý là chùm ca bệnh được ghi nhận tại buôn Khóa, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, từ 2 ca bệnh ban đầu, có yếu tố dịch tễ trở về Bình Dương (phát hiện vào ngày 24-7) đã lây lan thêm 15 trường hợp khác.
Đồng thời, tại TP. Buôn Ma Thuột cũng ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, trong đó 2 trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến chùm ca bệnh nhà xe Tiến Oanh, 3 trường hợp còn lại ghi nhận tại ổ dịch 27/34 Tuệ Tĩnh, phường Ea Tam, xuất phát từ bệnh nhân N.Đ.A., sinh năm 1989, là giám sát bán hàng mỹ phẩm, hiện ngành Y tế đang điều tra yếu tố dịch tễ.
Huyện Ea Kar tiếp tục ghi nhận thêm bệnh nhân H.T.T.V., sinh năm 2001, ở thôn Cao Sơn, xã Xuân Phú, có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp bệnh nhân BN95003 tại thôn Đoàn Kết 1, xã Ea Tih.
Huyện Krông Ana ghi nhận thêm bệnh nhân Đ.T.T., sinh năm 1994, ở 11 Hoàng Diệu, thị trấn Buôn Trấp, có yếu tố dịch tễ trở về từ TP. Hồ Chí Minh.
Huyện Krông Pắc ghi nhận bệnh nhân H.X.L., sinh năm 2002, ở thôn Chợ, xã Krông Búk, có yếu tố dịch tễ trở về từ TP. Hồ Chí Minh.
Huyện Krông Búk ghi nhận bệnh nhân S.H.Đ.A., sinh năm 1997, ở thôn 10, xã Pơng Drang, có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp bệnh nhân BN51261 tại huyện Krông Ana.
Hiện ngành Y tế và chính quyền các địa phương đang tích cực khoanh vùng, điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp F1, F2, nhằm khống chế không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Thêm 7 ca mắc mới, Hà Nội đã có 41 ca dương tính trong ngày
Chiều tối 25/7, Sở Y tế Hà Nội công bố thêm 7 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 trường hợp ho, sốt phát hiện ngoài cộng đồng.
Như vậy, trong ngày 25/7, Hà Nội đã ghi nhận 41 trường hợp mắc mới COVID-19.
7 trường hợp mắc mới ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng (3); Ba Đình (1); Hoài Đức (1); Thạch Thất (1) và Tây Hồ (1).
Trong số ca mắc mới có 2 ca sàng lọc ho sốt tại cộng đồng; 2 ca liên quan B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng; 1 ca liên quan ca ho sốt; 1 ca ở Tân Mai, Hoàng Mai; 1 ca ở Bùi Thị Xuân.
3 ca ở Hai Bà Trưng:
Trường hợp 1: Bệnh nhân Đ.T.H.N. nữ, 28 tuổi, địa chỉ: Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, là F1 của bệnh nhân N.V.T., được chuyển cách ly tập trung tại Đại học Lâm nghiệp từ 21/7. Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng và xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trường hợp 2: T.V.A., nam, 28 tuổi, địa chỉ: Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, là F1, là em chồng của bệnh nhân K.M., sống cùng nhà bệnh nhân, cả gia đình bệnh nhân đã có nhiều ca dương tính. Ngày 19/7 được chuyển cách ly tập trung, ngày 24/7 xuất hiện sốt, kết quả xét nghiệm dương tính.
Trường hợp 3: Trần D.A., nam, 2 tuổi, địa chỉ ở B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, là con của bệnh nhân K.M, đã được cách ly tập trung từ ngày 19/7. Ngày 24/7 có triệu chứng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.
1 ca ở Hoài Đức:
Trường hợp: H.V.K., nam, 13 tuổi, địa chỉ: An Khánh, Hoài Đức, là F1 (con) của bệnh nhân N.T.N., được chuyển cách ly tập trung tại trường Đại học Lâm Nghiệp ngày 21/7. Ngày 23/7 có triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính
1 ca ở Thạch Thất:
Trường hợp: P.L.H., nữ, 48 tuổi, địa chỉ: Phùng Xá - Thạch Thất, là F1 bệnh nhân N.T.S., gặp lần cuối ngày 21/7. Ngày 24/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngày 25/7 khẳng định dương tính.
1 trường hợp ở Ba Đình:
Trường hợp: M.H.C., nam, 55 tuổi, địa chỉ: Phúc Xá, Ba Đình. Từ 13-19/7, bệnh nhân điều trị tại khoa Mắt, Bệnh viện Đức Giang. Từ 20-23/7, khoảng 7-10h bệnh nhân thường đi quản lý chợ Phúc Xá. Chiều 23/7 bệnh nhân thấy mệt mỏi được con gái đưa vào Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn khám.
Ngày 24/7, bệnh nhân có sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và có kết quả dương tính (Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện).
1 ca ở Tây Hồ:
Trường hợp: L.T.T.L., nữ, 24 tuổi, địa chỉ: Phú Thượng, Tây Hồ. Chị L. từng điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội từ 6/7- 22/7. Ngày 24/7 có biểu hiện sốt, đến khám tại Bệnh viện Phương Đông được làm test nhanh cho kết quả dương tính. Mẫu bệnh phẩm tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Trương ương xét nghiệm, kết quả RT-PCR ngày 25/7 khẳng định dương tính.
Thêm 3.552 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 7.531 ca
Bản tin dịch COVID-19 chiều 25/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.552 ca mắc COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh có 2.227 ca. Tổng số ca mắc trong ngày hôm nay là 7.531 ca. Trong ngày có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin các ca mắc mới:
- Tính từ 6h đến 19h ngày 25/7 có 3.552 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12);
Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 594 ca trong cộng đồng.
- Trong ngày 25/7 có 7.531 ca mắc mới, trong đó 06 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4555), Bình Dương (1249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218), Khánh Hoà (172), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Phú Yên (109), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78);
Cần Thơ (56), Vĩnh Long (50), Bến Tre (45), Trà Vinh (27), Bình Phước (26), Kiên Giang (25), Đà Nẵng (16), Hà Nội (15), Đắk Lắk (14), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (7), Bắc Ninh (6), Bình Định (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (4), Nghệ An (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), An Giang (2), Thừa Thiên Huế (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Tính đến chiều ngày 25/7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
- Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.
Hà Nội tìm người đi xe hãng taxi Sơn Tây
Chiều 25-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo tìm người đi trên xe taxi (biển số 30A - 86622) của hãng taxi Sơn Tây. Cụ thể:
Khoảng 15h ngày 21/7: Khách đón xe từ Ngọc Tảo - Phúc Thọ đi Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (xe biển số 30A - 86622 của hãng taxi Sơn Tây).
Khoảng 13h40 ngày 23/7: Khách đón xe ở Trung Sơn Trầm ra Phú Hà - Sơn Tây (xe biển số 30A - 86622 của hãng taxi Sơn Tây).
Người đi xe taxi thực hiện tự cách ly sức khỏe tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện đến số 0969082115 - 0949396115.
Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, trưa 25-7, Sở Y tế Hà Nội công bố 24 ca dương tính mới, trong đó có bệnh nhân N.M.C, nam, sinh năm 1983, địa chỉ Lê Lợi, thị xã Sơn Tây. Bệnh nhân làm nghề lái xe taxi, di chuyển nhiều nơi.
Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, rát họng và vào khám tại Bệnh viện Sơn Tây cho kết quả nghi ngờ. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được gửi đến CDC Hà Nội cho kết quả khẳng định dương tính.
Cách ly khu dân cư ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ
Ngày 25-7, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại xã Phụng Châu, nơi vừa có trường hợp dương tính Covid-19.
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng kiểm tra chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Phụng Châu.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Vương Danh Quang cho biết, ngày 22-7, trên địa bàn xã ghi nhận 1 trường hợp F1 là N.T.H (sinh năm 1975, ở thôn Long Châu Sơn). Trường hợp này tiếp xúc với F0 là Đ.P.H, sinh năm 1988 ở khu đô thị Dương Nội, phường La Khê, quận Hà Đông.
Ngày 23-7, bệnh nhân (BN) N.T.H đã được Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đưa đi cách ly y tế tập trung tại Trường Đại học Lâm nghiệp (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ).
Liên quan đến BN N.T.H, xã Phụng Châu đã xác định 11 người là F2 và đã ra quyết định cách ly y tế tại nhà. Đến ngày 24-7, xã nhận được thông tin, trong số 11 trường hợp F2 có 1 trường hợp dương tính với Covid-19 là N.T.T.H, sinh năm 1994, là con của BN N.T.H, làm việc tại Công ty Dịch vụ Mobiphone khu vực I ở quận Cầu Giấy, thường trú tại thôn Long Châu Sơn, xã Phụng Châu.
Huyện Chương Mỹ đã đưa BN N.T.T.H đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; phun khử khuẩn tại các gia đình F0, F1; lấy mẫu xét nghiệm và chuyển 3 F1 đi cách ly y tế tập trung; quyết định cách ly y tế 48 trường hợp là F2...
"Xã Phụng Châu đã lập chốt và phân công lực lượng trực tại 4 chốt ở thôn Long Châu Sơn, 5 chốt tại thôn Phương Bản...", Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Vương Danh Quang thông tin thêm.
"Trước mắt, xã Phụng Châu phải phong tỏa khu vực có ca mắc, nghi mắc Covid-19, thần tốc truy vết, xác định tính chất dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm... Các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội của thành phố...", Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Hà Nội phong tỏa tạm thời khu A - Toà nhà HELIOS Tower số 75 Tam Trinh
Sáng 25/7/2021, tại Hà Nội, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa tạm thời khu A - Toà nhà HELIOS Tower số 75 Tam Trinh (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đến khi có thông báo mới; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người dân sống ở tầng 27 toà nhà.
Hà Nội ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trưa 25/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 8 quận, huyện: Sơn Tây (07), Hai Bà Trưng (05), Hoàng Mai (05), Hoài Đức (03); Tây Hồ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh mỗi nơi có 01 bệnh nhân.
7 bệnh nhân tại thị xã Sơn Tây
1. Bệnh nhân N.T.N, nữ, sinh năm 1984, Sơn Lộc, Sơn Tây.
4. Bệnh nhân Đ.T.P.T, nữ, sinh năm 1982, Sơn Lộc, Sơn Tây.
Cả hai bệnh nhân là F1 của V.V.Q (tiếp xúc gần ngày 20/7). Ngày 22/7, các bệnh nhân tự cách ly tại nhà, ngày 23/7 được xác định là F1, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2. Bệnh nhân L.T.H.L, nữ, sinh năm 1971, Phú Thịnh, Sơn Tây, là F1 của K.T.T (bán hàng cùng chợ), tự cách ly tại nhà từ ngày 21/7, ngày 23/7 được xác định là F1 và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
3. Bệnh nhân N.M.N, nữ, sinh năm 1992, Quang Trung, Sơn Tây, là F1 của nhân viên đánh máy phòng khám (bệnh nhân đến siêu âm tại phòng khám tại Phùng Xá, Thạch Thất, có tiếp xúc với nhân viên đánh máy). Ngày 22/7, bệnh nhân chủ động xin tự cách ly tại nhà, ngày 23/7 được xác định là F1 và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
5. Bệnh nhân H.T.P, nữ, sinh năm 1991, Xuân Khanh, Sơn Tây.
6. Bệnh nhân H.D.M, nam, sinh năm 1980, Xuân Khanh, Sơn Tây.
Cả hai bệnh nhân là người về từ TP. Hồ Chí Minh từ ngày 22/7 được cách ly tập trung tại Xuân Khanh, Sơn Tây. Ngày 23/7, có triệu chứng của bệnh nên được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
7. Bệnh nhân N.M.C, nam, sinh năm 1983, Lê Lợi, Sơn Tây. Bệnh nhân làm nghề lái xe, di chuyển nhiều nơi, ngày 23/7 có triệu chứng sốt, đau rát họng vào khám tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả nghi ngờ, mẫu bệnh phẩm được gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, kết quả dương tính.
3 bệnh nhân tại huyện Hoài Đức:
1. Bệnh nhân N.T.V, n ữ, sinh năm 1960, An Thượng, Hoài Đức là F1 của C.T.H.Y, được cách ly tại nhà từ 19/7, ngày 20/7 chuyển cách ly tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội do đi chăm chồng bị bệnh loạn thần. Ngày 24/7, bệnh nhân sốt, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.
2. Bệnh nhân C.T.H, nữ, sinh năm 1976, An Khánh, Hoài Đức, liên quan đến B.T.N, thuộc chùm ca bệnh nhà thuốc Đức Tâm. Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính
3 Bệnh nhân. H.V.S, nam, sinh năm 2007, An Khánh, Hoài Đức là F1 của N.T.N. Ngày 20/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (âm tính) và đưa đi cách ly tập trung tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Ngày 24/7, bệnh nhân có sốt và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
5 bệnh nhân tại quận Hai Bà Trưng:
1. Bệnh nhân T.Đ.C, nam, sinh năm 1986, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, là công nhân làm việc tại công trường xây dựng tại 27 Tô Hiến Thành. Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đi khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngày 24/7, kết quả dương tính.
2. Bệnh nhân N.X.V, nam, sinh năm 2003, Đống Mác, Hai Bà Trưng, là nhân viên giao hàng tại nhà hàng Sói Biển (203 Trung Kính, Thanh Xuân). Ngày 21/7, bệnh nhân có triệu chứng, ngày 24/7 được lấy mẫu sàng lọc cho kết quả dương tính.
3. Bệnh nhân N.X.V, nam, sinh năm 1995, Đống Mác, Hai Bà Trưng, là anh trai và sống cùng nhà với N.X.V. Ngày 22/7, bệnh nhân có triệu chứng, ngày 24/7 được lấy mẫu sàng lọc, kết quả dương tính.
4. Bệnh nhân T.V.M, nam, sinh năm 1963, Đống Mác, Hai Bà Trưng, là người bị liệt, nằm tại nhà và ở cạnh nhà anh em N.X.V. Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu do ở trong khu phong tỏa, kết quả dương tính.
5. Bệnh nhân Đ.V.C, nam, sinh năm 1991, Đống Mác, Hai Bà Trưng, là con rể, sống cùng nhà với T.V.M. Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu do ở trong khu phong tỏa, kết quả dương tính.
5 bệnh nhân tại quận Hoàng Mai:
1. Bệnh nhân P.N.P, nam, sinh năm 1982, Mai Động, Hoàng Mai, là F1 (đồng nghiệp) của L.X.H. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại Tứ Hiệp, ngày 24/7 có kết quả dương tính.
2. Bệnh nhân H.T.H, nữ, sinh năm 1997, Tương Mai, Hoàng Mai, là F1 (cháu) của N.T.H có tiếp xúc ngày 18/7. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.
3. Bệnh nhân N.T.H, nữ, sinh năm 2010, Tân Mai, Hoàng Mai.
4. Bệnh nhân N.T.X, nữ, sinh năm 1949, Tân Mai, Hoàng Mai.
Hai bệnh nhân là F1 là mẹ và con của N.C.C (B8 tập thể Tân Mai). Hai bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 19/7, kết quả âm tính đồng thời chuyển cách ly tập trung tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 23/7, cả hai bà cháu có triệu chứng ho, sốt và được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 24/7 có kết quả dương tính.
5. Bệnh nhân T.V.A, nam, sinh năm 1950, Tân Mai, Hoàng Mai, là F1 của gia đình 7 người dương tính tại P205B8 tập thể Tân Mai. Ngày 18/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính và chuyển cách ly tập trung tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt và được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 24/7 có kết quả dương tính.
01 bệnh nhân tại huyện Thạch Thất là N.V.D, nam, sinh năm 1996, Phùng Xá là F1 (chồng) của N.T.T.H, thuộc chùm ca bệnh ho sốt tại cộng đồng. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính và chuyển cách ly tập trung. Ngày 24/7, bệnh nhân có ho, sốt, lấy mẫu có kết quả dương tính.
01 bệnh nhân tại huyện Đông Anh là Q.V.T, nam, sinh năm 1995, Hải Bối, Đông Anh, là F1 của H.V.N, thuộc chùm ca bệnh Công ty SEI, đã được cách ly tập trung tại Trường Đại học FPT- Thạch Thất. Ngày 24/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt và được lấy mẫu, kết quả xét nghiệm dương tính.
01 Bệnh nhân tại huyện Quốc Oai là Đ.T.L, nữ, sinh năm 1981, Cấn Hữu, Quốc Oai liên quan đến N.T.C (Thạch Thất). Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu và có kết quả dương tính.
01 bệnh nhân tại quận Tây Hồ là B.G.M, nữ, sinh năm 2003, Thụy Khuê, là F1 của N.T.T.L được UBND phường ra quyết định cách ly tại nhà từ ngày 22/7. Ngày 24/7, bệnh nhân có triệu chứng của bệnh, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.
Trong đợt dịch lần thứ tư từ ngày 294 đến nay Hà Nội ghi nhận 723 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay đã có 454 trường hợp dương tính, trong đó có 160 trường hợp thuộc chùm ca bệnh xác định được nguồn lây còn lại 294 trường hợp ở 7 chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Các chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây gồm: Sàng lọc ho sốt tại cộng đồng (nguyên phát) là 18; ho sốt tại cộng đồng (thứ phát) là 39; nhà thuốc Đức Tâm (50); Nguyễn Khuyến, Đống Đa (66); Tân Mai, Hoàng Mai (70); Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (30); B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng (21).
Vĩnh Long phong tỏa, truy vết các trường hợp liên quan chùm ca mắc COVID-19 sau khi đi đám tang
Ngày 25/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 30 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, phần lớn là người trong gia đình đã từng đến viếng đám tang của người thân. Ngành y tế phối hợp với địa phương đã phong tỏa khu vực có liên quan đến chùm ca bệnh trên, đồng thời khẩn trương truy vết, khoanh vùng để sớm cắt nguồn lây nhiễm.
Cụ thể, đám tang của cụ bà N.T.T (83 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Tam Bình) mắc bệnh mãn tính và tử vong diễn ra từ 13 giờ 30 phút 10/7 đến 12 giờ 12/7 tại nhà ở ấp 1, xã Tân Lộc. Trước đó, con rể bà T. có đến Ủy ban nhân dân xã Tân Lộc xin phép tổ chức đám tang, cán bộ xã có hướng dẫn việc tổ chức đám tang phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch, không quá 30 người, đảm bảo đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách...
Trong quá trình tổ chức, gia đình chỉ sắp xếp 3 bàn gồm: 1 bàn để bì thư, 1 bàn uống nước trà, 1 bàn ăn. Những người dự trong đám tang chủ yếu là con cháu trong gia đình. Đến trưa 12/7, gia đình tổ chức an táng bà cụ tại đất nhà.
Đến ngày 18/7, hai người cháu từng dự đám tang của cụ bà (đều là công nhân Khu Công nghiệp Hòa Phú – nơi đang có số ca mắc COVID-9 và ca thứ phát cao nhất tỉnh) đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á khám bệnh và được xét nghiệm test nhanh COVID-19. Qua xét nghiệm test nhanh và RT-PCR, hai trường hợp này đều dương tính với với SARS-CoV-2. Như vậy, 2 trường hợp F0 này xuất hiện sau 8 ngày tổ chức đám tang của bà cụ.
Ngay khi có kết quả 2 trường hợp dương tính, ngành y tế đã khẩn trương rà soát để khoanh vùng, truy vết các trường hợp có liên quan. Qua đó đã truy vết được 48 trường hợp F1, ngành y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả có 28 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, hiện tại có 20 F1 và 46 F2 đã được cách ly và xét nghiệm theo quy đinh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp Ban Chỉ đạo huyện Tam Bình đến địa phương nắm tình hình và thống nhất thực hiện phong tỏa đối với khu vực có các trường hợp dương tính nhằm điều tra, xử lý ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Từ 18 giờ ngày 24/7, cơ quan chức năng đã phong tỏa ấp 1, ấp 2, ấp 8 và ấp 9 của xã Tân Lộc với 1.371 hộ (5.405 nhân khẩu). Hiện lực lượng chức năng đã thiết lập các chốt kiểm soát 24/24 giờ và tổ chức truy vết người tiếp xúc ca bệnh để cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan.
Tính đến sáng 24/7, tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 583 ca mắc COVID-19, trong đó có 569 ca mắc trong cộng đồng. Tỉnh đang cách ly tập trung 3.605 trường hợp, cách ly tại nhà 8.921 trường hợp. Tỉnh đã điều trị khỏi 29 trường hợp mắc COVID-19, tuy nhiên cũng ghi nhận 4 trường hợp tử vong do COVID-19.
Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long đã kích hoạt 3 bệnh viện dã chiến và sử dụng 11 cơ sở y tế cách để ly điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long có chức năng điều trị các ca mắc COVID-19 nặng và trung bình. Các địa phương cũng đã kích hoạt hàng chục khu cách ly để tiến hành cách ly các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc mới tại 6 ổ dịch
Sáng 25-7, thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính mới với vi rút SARS-CoV-2 tại 6 ổ dịch.
4 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Bắc Giang tại Công ty SEI
1. Bệnh nhân D.T.T, nữ, sinh năm 1986; Hải Bối, Đông Anh.
2. Bệnh nhân T.T.H, nữ, sinh năm 1990; Võng La, Đông Anh.
3. Bệnh nhân N.T.T, nữ, sinh năm 1980; Vĩnh Ngọc, Đông Anh.
Cả 3 bệnh nhân đều là công nhân của Công ty SEI, được cách ly tập trung tại công ty từ ngày 5-7, sau đó chuyển cách ly tập trung tại Thạch Thất và Sóc Sơn, xét nghiệm nhiều lần đều âm tính. Ngày 24-7, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
4. Bệnh nhân N.V.Đ, nam, sinh năm 1999; Hiền Ninh, Sóc Sơn; là công nhân làm việc tại nhà máy F2, Công ty SEI. Bệnh nhân được công ty cho nghỉ làm cách ly tại nhà từ ngày 5-7. Ngày 14-7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 (âm tính). Ngày 19-7, bệnh nhân có triệu chứng sốt được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khám và điều trị, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng
1. Bệnh nhân P.V.S, nam, sinh năm 1941.
2. Bệnh nhân H.M.N, nữ, sinh năm 1980.
Cả hai bệnh nhân đều ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, là F1 (là bố đẻ và vợ, sống cùng nhà) của bệnh nhân P.V.T. Ngày 18-7 được chuyển cách ly tập trung tại Tứ Hiệp. Ngày 22-7 có triệu chứng sốt, ho. Ngày 23-7, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (thứ phát) là N.T.T.H, nữ, sinh năm 1994; Phụng Châu, Chương Mỹ. Bệnh nhân là người liên quan đến bệnh nhân Đ.P.H, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc chủ động ngày 22-7, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (nguyên phát) là N.T.L, nữ, sinh năm 1963; Vĩnh Lộc 1, Phùng Xá, Thạch Thất. Ngày 15-7, bệnh nhân xuất hiện ho, đau họng; ngày 22-7, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người sốt, ho, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan thành phố Hồ Chí Minh là M.T.T.T, nữ, sinh năm 1989; Cầu Diễn, Nam Từ Liêm. Bệnh nhân là người sinh sống tại Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội ngày 21-7 trên chuyến bay VN260 (ghế 30A), được cách ly tại nhà ngay sau khi về nơi lưu trú. Ngày 22-7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Tân Mai, Hoàng Mai là P.V.T.L, nam, sinh năm 2014; Phú Lãm, Hà Đông. Bệnh nhân là F1 (cháu) của bệnh nhân N.T.H. Ngày 21-7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (âm tính) và chuyển đi cách ly tập trung. Ngày 23-7, bệnh nhân xuất hiện sốt, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
Như vậy, Hà Nội đã có tổng số 699 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 kể từ ngày 29-4 đến nay, với 427 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 272 trường hợp là những người đã được cách ly tập trung. Thành phố Hà Nội đang tích cực sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng cũng như lấy mẫu ngẫu nhiên những trường hợp là lái xe, phụ xe buýt để xét nghiệm sàng lọc, đánh giá yếu tố nguy cơ.
Đồng Nai ghi nhận 2442 ca COVID-19, dịch bệnh có xu hướng lan rộng ra nhiều địa bàn, doanh nghiệp
Thông tin từ báo Chính phủ: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận tổng cộng 2442 ca mắc COVID-19. Dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng ở nhiều xã, phường tại thành phố Biên Hòa và các huyện, thành phố trong tỉnh, gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn lây. Số doanh nghiệp ghi nhận các ca dương tính tiếp tục tăng ở thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch.
Sáng 25/7, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, tỉnh vừa ghi nhận thêm 218 ca dương tính với COVID-19 (gồm 53 ca phát hiện qua khám sàng lọc và 165 đang cách ly, trong khu phong tỏa).
Thành phố Biên Hòa vẫn ghi nhận nhiều nhất với 135 ca; huyện Nhơn Trạch 42 ca, Xuân Lộc 10 ca, Định Quán 8 ca, còn lại ở Long Khánh, Thống Nhất, Long Thành, Trảng Bom…
Tổng số ca dương tính mới trong đợt dịch thứ tư là 2.442 ca. Trong đó, thành phố Biên Hòa nhiều nhất với 1.294 ca, huyện Vĩnh Cửu 314 ca, huyện Nhơn Trạch 232 ca, huyện Thống Nhất 172 ca. Đã ghi nhận 7 ca tử vong.
Theo lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai, dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng ở nhiều xã, phường tại thành phố Biên Hòa và các huyện, thành phố trong tỉnh, gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn lây.
Số doanh nghiệp ghi nhận các ca dương tính tiếp tục tăng ở thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch.
Việc thực hiện quy định giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm cũng gây ít nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy vết.
Ngành Y tế Đồng Nai đang đẩy nhanh tốc độ truy vết để bóc tách các trường hợp F0 trong cộng đồng đưa đi cách ly, điều trị. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng suất xét nghiệm để triển khai xét nghiệm nhanh, sớm phát hiện ca bệnh.
Từ ngày 24/7, lực lượng chức năng Đồng Nai đã ra quân lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng ở một số xã, phường có nguy cơ trên địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu.
Ngành y tế Đồng Nai mong nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng tình nguyện để công tác lấy mẫu xét nghiệm tiến hành nhanh hơn.
Sáng 25/7 ghi nhận 3.979 ca mắc mới; tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 19 giờ 30 phút ngày 24/7 đến 6 giờ ngày 25/7, nước ta có có 3.979 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh.
Trong nước ghi nhận 3.973 ca mắc mới, nhiều nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh (2.328 ca), Bình Dương (881 ca), Tiền Giang (218 ca), Đồng Nai (134 ca), Tây Ninh (127 ca), Khánh Hòa (82 ca), Vĩnh Long (50) ca, Bến Tre (33 ca), Cần Thơ (18 ca), Trà Vinh và Kiên Giang (cùng ghi nhận 17 ca), Đà Nẵng (16 ca), Phú Yên (14 ca), Hà Nội (11 ca), Sóc Trăng (9 ca), Bình Phước (6 ca), Bắc Ninh (4 ca), Hậu Giang (3 ca), Đắk Nông và An Giang (mỗi nơi 2 ca), Nghệ An (1 ca); có 922 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 25/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 94.913 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, và Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn gồm Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu và Hoà Bình.
Đến thời điểm này, tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta được điều trị khỏi là 17.583 trường hợp. Có 130 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 17 trường hợp bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Nước ta đã thực hiện tổng số 5.107.861 mẫu xét nghiệm cho 14.391.096 lượt người từ ngày 27/4 đến nay.
Trong ngày có 57.908 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.
Việt Nam đã tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vaccine Moderna do chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trong đó 1.499.960 liều đã được chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/7; còn 1.500.100 liều sẽ đến Hà Nội vào ngày 25/7. Nguồn vaccine này bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Đây là lô vaccine Moderna thứ hai đến Việt Nam trong tháng 7/2021, nâng tổng số vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX lên đến hơn 5 triệu liều. Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn số 885/KCB-NV gửi các Bệnh viện/Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành về việc tổ chức tiêm chủng an toàn, đảm bảo phòng chống dịch.
Cụ thể, Cục đề nghị các đơn vị khẩn trương chấn chỉnh ngay việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo an toàn tiêm chủng; an toàn phòng chống dịch bệnh; thực hiện đúng quy định về giãn cách; phân chia khung thời gian để tránh tình trạng tập trung đông người. Các đơn vị báo cáo các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 về Cơ quan thường trực Tiểu ban An toàn tiêm chủng theo số máy trực đường dây nóng 0984371919 và hộp thư [email protected].
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định thành lập tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố do Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hướng dẫn các quận, huyện tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 và thay đổi mô hình điều trị COVID-19 từ “tháp 4 tầng” sang “tháp 5 tầng”. Theo đó, tầng 1 là cơ sở cách ly tập trung cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì. Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng và các bệnh nền kèm theo. Tầng 3 là bệnh viện điều trị cho F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Tầng 4 là bệnh viện điều trị cho trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh nền hoặc bệnh lý đi kèm. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức cho F0 có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Bộ Y tế cho biết: Người dân từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm phòng vaccine COVID-19 cho cá nhân qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Hai cách để đăng ký tiêm chủng vaccine COVID-19 online: Cách thứ nhất, truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở đường dẫn:
https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person để đăng ký trực tiếp trên website.
Cách thứ hai: Truy cập đường dẫn https://hssk.kcb.vn/#/sskdt để tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất