18/09/2014 14:49 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Nếu không có thêm một cơn địa chấn nào nữa ở Incheon (Hàn Quốc) trong trận đấu giữa Kyrgyzstan và Iran vào chiều nay, nhiều khả năng Olympic Việt Nam sẽ giành ngôi nhất bảng F. Cùng với diễn biến tại bảng G (cũng có 3 đội), nơi UAE thể hiện đẳng cấp vượt trội sau chiến thắng 5 sao trước hạt giống nhóm 2 là Ấn Độ, thầy trò HLV Toshiya Miura có thể chuẩn bị cho cuộc chạm chán với Jordan (nhóm 3) ở vòng 1/8 ngay từ lúc này.
Về lý thuyết (luôn là lý thuyết), bóng đá Jordan vẫn đang ở một đẳng cấp khác so với các nước khu vực Đông Nam Á (xếp thứ 4 châu lục, sau Nhật Bản, Iran và Uzbekistan, tức trên cả Hàn Quốc, UAE, Australia và Saudi Arabia…, trên bảng xếp hạng FIFA 9/2014). Nhưng trong khuôn khổ 1 trận đấu, không gì là không thể!
Đường thênh thanh ta bước
Mặc dù lọt vào tới bán kết (xếp thứ 3, sau chiến thắng trước Hàn Quốc ở trận tranh HCĐ) giải U22 châu Á 2013 (AFC U22 Championship), sân chơi có thể xem là bản nháp cho Asian Games 2014, nhưng Jordan lại không được đánh giá cao, khi chỉ xếp vào nhóm hạt giống số 3 (ngang với Singapore và Kyrgyzstan, đối thủ tiếp theo của Olympic Việt Nam ở vòng bảng). BTC hẳn có lý do trong phân loại hạt giống, nhưng bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ, luôn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ.
Như Thể thao & Văn hoá đã phân tích ở các số báo trước, nếu thầy trò HLV Miura qua ải Jordan, đối thủ của Olympic Việt Nam tại tứ kết nhiều khả năng là Triều Tiên. Sau trận thắng 3-0 trước Trung Quốc, Triều Tiên gần như đã nắm chắc ngôi nhất bảng, để nhiều khả năng sẽ gặp Indonesia (hoặc cùng lắm là Thái Lan) ở vòng đấu loại đầu tiên 1/8. Đến thời điểm này, hẳn chúng ta chưa quên lần thất thủ 0-2 của Olympic Việt Nam trước chính Triều Tiên tại Asian Games 16.
Cứ mỗi kỳ Asian Games qua đi, bóng đá trẻ Việt Nam nếu nhích được thêm một bước tiến cũng là rất đáng ghi nhận. Tại Quảng Châu (Trung Quốc) cách đây 4 năm, thầy trò Henrique Calisto dừng chân ở vòng 1/8, nhưng lần này, hoạn lộ có vẻ hanh thông hơn dưới thời HLV Miura, sau chiến thắng thuyết phục trước nền bóng đá từng 4 lần giành HCV các kỳ Đại hội thể thao châu lục, Olympic Iran. Đó thực sự là những tín hiệu lạc quan, chứ không đơn thuần chỉ là gói “kích cầu”.
Cuộc cách mạng anh đào
Từ sự tò mò ban đầu về phương pháp huấn luyện khá mới mẻ, phải đợi đến khi HLV Miura tạo những cột mốc đầu tiên (về kết quả), người ta mới bắt đầu lật giở lại xem ông thầy người Nhật Bản đã làm gì để biến “vịt con thành thiên nga” sau chỉ một thời gian ngắn. Trên thực tế, mỗi HLV bóng đá đều lựa chọn một phương pháp huấn luyện không giống nhau, cách bày binh bố trận cũng khác nhau, nhưng suy cho cùng đích cuối cùng hướng tới là sự hiệu quả, là kết quả.
Chúng ta bàn nhiều đến sơ đồ rất lạ mắt 3-6-1 mà HLV Miura cho Olympic Việt Nam vận hành ở trận thắng Olympic Iran, nhưng sơ đồ xuất trận chỉ mang tính tương đối và nó bắt buộc phải phục vụ tiêu chí chiến thuật đề ra. Trong chỉ chừng 1 tháng làm việc cùng Olympic Việt Nam (chưa kể phải san sẻ với công việc ĐTQG), ông Miura không phải là thánh sống để bồi thêm sức vóc cho học trò (vốn cần sự tích luỹ lâu dài), nhưng sự hợp lý về mặt chiến thuật chuẩn bị là khác biệt lớn.
Người Việt Nam hay nói đến “tinh thần võ sỹ đạo” (hay “tinh thần samurai” cũng đại loại thế), song trên hết phải là tính kỷ luật, điều vô cùng cần thiết trong nghiệp nhà binh. Ít nhất so với 2 triều đại HLV nội gần nhất, những người vốn dĩ dễ thoả hiệp, HLV Miura đã tiến thêm một nấc nữa trong việc khơi gợi tính chiến đấu cũng như gò các học trò tuân thủ đấu pháp. Khái niệm ngôi sao gần như không tồn tại trong đầu HLV Miura, khi ông được toàn quyền quyết định chuyên môn.
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất