07/12/2013 10:35 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Điều lấy làm vui nhất là trong Hồ sơ số 00.733 và các văn bản kèm theo, UNESCO luôn dùng cụm từ “Art of Đờn ca tài tử music and song”, chứ không phải “music of amateurs” hay một cụm từ nào khác. Bởi chữ “tài tử” trong trường hợp này không nhằm để chỉ sự “không chuyên nghiệp”…
Điều này vừa diễn tả sát khái niệm của văn hóa bản địa, vừa tôn trọng ngôn ngữ đặc thù. Bởi chính lịch sử cho thấy: dù nặng tính giải trí, vui sống, nhưng đơn đờn ca tài tử (ĐCTT) vẫn rất bài bản, chuyên nghiệp.
“Khẩu quyết” phải biết
Thực tế đời sống cho thấy ĐCTT khá cởi mở, biết đến đâu chơi đến đấy, không biết mà muốn phụ họa theo cũng dễ, vì cấp độ chơi đa dạng. Chính vì vậy, dù gốc của khái niệm tài tử trong tiếng Việt không đồng nhất với người nghiệp dư (amateur), nhưng qua thời gian, nó đã bao gồm cả khái niệm để chỉ: những tài năng; những bậc thầy trình diễn; đồng thời bao gồm những người nghiệp dư.
Trong hồ sơ của UNESCO nói học nhạc tài tử mất chừng 3 năm, đây là chỉ những bài bản phổ quát, chứ muốn thông suốt và điệu nghệ thì lâu hơn rất nhiều. Có một câu gần như “khẩu quyết” của các nhạc sư hay nghệ sĩ tài tử lành nghề, đó là: Nhất lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuất, thất chính, bát ngự, cửu nhỉ, và thập thủ liên hoàn. Đây là 10 bộ căn bản của nhạc tài tử, mà trong đó có các bộ phức tạp: bộ điểm gồm 36 bài đoản; bộ ngự gồm 8 bài; bộ thủ liên hoàn gồm 10 bài.
Từ “tổng bộ” này, phổ biến nhất trong giới tài tử là bộ nam (tên đầy đủ: Nam điểm oán chính) - mà ta quen gọi là 20 bản tổ - biết chừng này đủ chơi nhạc chuyên nghiệp. Nó cũng thành “dòng chính” của kỹ thuật âm nhạc tài tử suốt thế kỷ 20. Về sau này (từ thập niên 1940), khi cải lương phát triển mạnh, để dễ truyền nghề, nhiều nhạc sư chú tâm vào bộ lý (như Lý con sáo, Lý vọng phu, Lý giao duyên...) và bộ ngâm (như ngâm tao đàn, sa mạc...). Cho nên, dù cải lương kế thừa nhạc ĐCTT, nhưng thực chất chỉ chú tâm vào 3 bộ “nhất lý, nhì ngâm, tam nam”, hiếm khi khai thác 7 bộ còn lại. Mà ngay cả ĐCTT cũng vậy, về sau nó chịu ảnh hưởng ngược từ cải lương, nên chơi tương tự cải lương.
“Xí xóa” dần dần
“Một nghệ thuật âm nhạc với cả học thuật và nguồn gốc dân gian, đờn ca tài tử là một phần không thể thiếu của các hoạt động tâm linh và di sản văn hóa của người dân miền Nam Việt Nam” (theo UNESCO)
Gốc gác chính của ĐCTT là nhạc lễ, phổ biến từ thế kỷ thứ 17 ở Bắc Trung bộ, sau đó “biên chế” vào cung đình Huế và các tỉnh Nam Trung bộ. Nó thịnh hành ở Nam bộ vào cuối thế kỷ 19, rồi nhanh chóng thay đổi để hợp hoàn cảnh mới, để “hóa thân” thành nhạc ĐCTT.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp từng nhận định: “Trong các thập niên đầu thế kỷ 20, ca ra bộ và sân khấu cải lương đã đóng góp vào sự thay đổi trong tư tưởng xã hội. Nghệ sĩ không còn là xướng ca vô loài và vị trí người phụ nữ cũng được tôn vinh”. Chính ca ra bộ và sân khấu cải lương là “hoàn cảnh mới” của ĐCTT. Bước sang thế kỷ 21, nông thôn Nam bộ bị đô thị hóa mạnh mẽ, cải lương thì sa sút, ĐCTT cũng phải thay đổi theo, các CLB ĐCTT chủ yếu sống bằng dịch vụ, thay vì “vui chơi” như ngày trước.
Bài bản ĐCTT thì chưa phải thất truyền, nhưng biến tướng ngày một nhiều, do chủ yếu để “mau đáp ứng” hoàn cảnh làm dịch vụ. Cố nghệ nhân Bạch Huệ từng chia sẻ trên TT&VH: “CLB ĐCTT rất nhiều nhưng chỉ toàn chơi bài bản cải lương, nghệ nhân cũng không ít, nhưng có mấy ai thuộc được 20 bài tổ, phong cách chơi cũng đã biến tấu nhiều, không còn giữ được chất tài tử nữa”.
GS-TS Trần Văn Khê phân tích: ĐCTT vừa là di sản, vừa là đời sống, mà đời sống thì phải thay đổi, nên phải biết xí xóa dần dần để ĐCTT sống đời mới. Vậy nên, vấn đề chính của những người bảo vệ di sản thì phải gìn giữ được bài bản gốc và tìm cách lưu truyền nó bằng ngón nghề sinh động của nghệ sĩ, nghệ nhân. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng với ĐCTT thì phải như vậy mới được.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất