Kịch 'Buồn ơi, chào mi': Vui trong kịch, buồn ngoài đời

26/11/2014 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Vở Buồn ơi, chào mi (KB: Châu Bích Thủy, ĐD: NSƯT Thành Hội), sẽ sáng đèn suất kế tiếp vào lúc 16h ngày 30/11 tới đây tại Kịch Hoàng Thái Thanh (139 Bắc Hải, Q.10, TP.HCM), là một thể nghiệm về nhân sự vì toàn bộ vai chính được dành cho các diễn viên trẻ. Không phụ lòng mong mỏi, các diễn viên này đã thực hiện trọn vẹn vai trò của mình, để lại ấn tượng tốt đẹp.

1. Ca sĩ Kim Ly (do Hoàng Vân Anh thủ vai), nhạc sĩ Lê Trần (Thế Hải), bác sĩ Tâm (Ngọc Tưởng), họa sĩ Phù Dung (Đoàn Thanh Phượng)… là những vai được diễn viên đầu tư tốt trong vở này. Vở kịch tâm lý xã hội mà vài lớp diễn lấy được nước mắt người xem đã là thành công bước đầu.

Hiếm khi một vở kịch tâm lý xã hội có đến 9 diễn viên trẻ, mà tất cả các vai đều được trau chuốt bài bản, đầy đặn. Nhìn vào hiệu ứng các bạn này đạt đến thì có thể yên tâm phần nào về đội ngũ kế tục và tinh thần làm kịch nghiêm túc mà Kịch Hoàng Thái Thanh cũng như nhiều đạo diễn khác đang theo đuổi.

Kịch bản được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Bonjours Tristesse (Buồn ơi, chào mi) của Francoise Sagan và ca khúc Buồn ơi, chào mi của Nguyễn Ánh 9. Đây cũng là một trong số ít vở kịch mà phần âm nhạc và nhạc chủ đề thuộc diện đắt giá, hai ca khúc Cô đơn Buồn ơi, chào mi hoàn toàn phù hợp. Trước cảnh bẽ bàng mà Kim Ly gặp phải khi theo “tiền” bỏ cuộc chơi, những lời hát văng vẳng như: “Buồn ơi, ta xin chào mi, khi người yêu đã bỏ ta đi/ Buồn ơi, ta xin chào mi, khi tình yêu chắp cánh bay đi...” đúng là vết dao cứa vào lòng.

2. Niềm vui là vậy, nhưng nỗi buồn cũng đến từ đây, khi mà sân khấu Việt Nam đang thật sự thiếu vắng những gương mặt trẻ (tuổi 8X trở về sau), những người có tố chất trở thành diễn viên sáng giá hoặc ngôi sao. 9 diễn viên trong Buồn ơi, chào mi và hàng chục diễn viên trẻ đang hoạt động tại địa bàn TP.HCM có thừa sự nghiêm túc, yêu nghề, nhưng thật sự thiếu “độ sáng”, điều mà chỉ riêng thanh - sắc - vóc khó bù đắp nổi.

Đấy là chưa nói, môi trường kịch nghệ vốn khắc nghiệt, khó nuôi sống bản thân, nhiều diễn viên trẻ có tố chất thì lại thiếu sự kiên nhẫn để khẳng định mình. Hoặc khi vừa nổi lên chút đỉnh thì đã nhảy sang đóng phim truyền hình, kết quả mất chất và mất đam mê. Việc Kịch Hoàng Thái Thanh và vài sân khấu khác kiên trì với việc tạo đất diễn cho diễn viên trẻ là đáng ghi nhận, nhưng tự thân họ cũng cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Còn nếu có gì tiếc nuối thì giá như NSƯT Thành Hội đừng đạo diễn Buồn ơi, chào mi, mà giao cho một đạo diễn trẻ nào đó, có thể vở này sẽ tươi mới hơn nữa, tránh được tình trạng “bình mới rượu cũ”. Thế nhưng để tìm một đạo diễn trẻ nghiêm túc, có sức sáng tạo và phù hợp với tiêu chí làm kịch nghiêm túc… thì còn khó hơn tìm một diễn viên trẻ có độ sáng rất nhiều lần.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm