08/04/2020 07:18 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đại dịch Covid-19 tác động thế nào đến giới sáng tác tại Việt Nam? Thử lắng nghe kịch tác gia Vương Huyền Cơ chia sẻ một góc nhìn riêng của chị về đại dịch này.
Chị bắt đầu câu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):
- Đại dịch, tốt nhất là không nên xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra và ta buộc phải tiếp nhận nó với nhiều góc độ. Tích cực hoặc tiêu cực, chấp nhận hoặc hoảng loạn. Ở góc độ nào đó, đại dịch như một lời cảnh báo con người luôn phải sẵn sàng trong mọi tình huống, bình tĩnh ứng phó, đừng ở thế bị động. Có ai nào ngờ một vật bình thường như khẩu trang trong một ngày bỗng chốc trở nên quý hiếm và cần thiết. Còn nếu tiêu cực hoặc hoảng loạn, chúng ta chỉ làm khổ bản thân, bởi cả hai thái độ này chẳng thể mang lại kết quả tốt đẹp gì.
* Được biết chị đang viết một kịch bản về đại dịch này, vậy góc độ tiếp cận của chị thế nào?
- Các vấn đề xảy ra trong xã hội luôn đem lại cho người cầm bút những ý tưởng. Đại dịch toàn cầu là vấn đề quá lớn, có thể khai thác ở nhiều góc cạnh. Bản thân tôi nhìn về việc này như một lời cảnh báo, cuộc sống có nhiều chuyện xảy ra mà ta không thể nào ngờ được.
Virus không chỉ là virus, mà nó đang đại diện cho cái xấu, cái ác, cái thâm hiểm… vẫn âm thầm phát triển trong xã hội loài người. Chúng vô hình nhưng ngầm hủy hoại nhân phẩm, đạo đức của con người, sự gắn kết của cộng đồng. Khi quốc gia nào cũng nghĩ tới cái lợi cho quốc gia mình thì virus càng có cơ hội len lỏi, lây lan, bởi giao thông và xuất nhập khẩu thời nay đã là cuộc sống toàn cầu.
* Chị có hy vọng kịch bản này mau được dàn dựng thành kịch hoặc thành phim?
- Kịch bản nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật nói chung cũng có số phận của nó. Có kịch bản vừa ráo mực đã được bao nhiêu nơi săn đón, nhiều sân khấu dàn dựng. Cũng có kịch bản dù mình rất tâm đắc nhưng nhiều nơi tiếp nhận với thái độ e dè. Cho nên tôi chỉ cần viết hết tâm sức, còn tương lai thế nào thì để số phận của chính nó quyết định.
* Có một khái niệm trong lý luận nghệ thuật rằng “hiện thực thì hơn hư cấu”. Nhìn ra hiện trạng đại dịch rồi nhìn vào giới sáng tác như hiện nay, chị có nghĩ giống vậy không?
- Hiện thực cuộc sống có nhiều sự việc, nhiều tình huống xảy ra còn gay cấn, éo le, ly kỳ hơn những gì hư cấu của một bộ óc đầy sáng tạo. Nhưng hiện thực chỉ là chất xúc tác để người cầm bút nhìn thấu được điều gì ẩn giấu đằng sau.
Thí dụ với vụ án một thiếu niên giết người. Người viết “bò sát hiện thực” sẽ chỉ kể lại câu chuyện, thêm thắt vài chi tiết cho hấp dẫn, nhưng người cầm bút có tư duy sẽ tìm hiểu, nhìn ra được vấn đề đằng sau đó.
Cậu bé thích chơi điện tử bạo lực, hàng ngày nhìn cảnh bắn giết quá bình thường. Sống trong gia đình cha mẹ cãi nhau, thường xung đột đấm đá. Bước ra xã hội thấy dùng bạo lực để giải quyết vấn đề… Kết cuộc, cậu bé ấy dễ thấy việc dùng nắm đấm hoặc vũ khí để tự bảo vệ mình là chuyện đương nhiên, rồi phạm tội một cách hồn nhiên. Tác phẩm phải có tính dự báo, phải ngăn chặn những tội phạm hồn nhiên trước khi nó xảy ra thì mới là người cầm bút có trách nhiệm với xã hội.
* Đồng ý là nghệ thuật phải có tính dự báo, không nên mô phỏng thô thiển hiện thực. Chị nghĩ sao về cơ hội của người cầm bút chuyên nghiệp trước đại dịch này?
- Khi sứ mệnh giao cho ta việc cầm bút thì sứ mệnh đã ưu ái ta quá nhiều. Vậy thì hãy viết một cách xứng đáng với những gì được giao, hãy chuyển tải những thông điệp tốt đẹp nhất của con người và cuộc sống, lay động lương tri của người xem, người đọc.
Bản thân tôi nhìn đại dịch như một thử thách của ý chí, nên đã biến mấy mươi ngày qua trở thành những ngày thật có ích. Biết an nhiên sẽ an nhiên.
* Cảm ơn chị. Chúc kịch bản của chị sớm được dàn dựng.
Một sự nghiệp dày dặn Bước vào nghề biên kịch từ khoảng 1995, đến nay gia tài biên kịch của Vương Huyền Cơ thật đồ sộ. Chị đã có hơn 80 kịch bản được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp khắp cả nước, với các vở nổi tiếng như Giai điệu tổ quốc, Công lý như mặt trời, Hẻm nhỏ Sài Gòn, Ảo và thật, Nàng Hến tầm duyên, Nàng Xuân đại náo… Chị cũng đã có 7 kịch bản phim truyền hình dài tập được dàn dựng, ấn tượng có Xóm gà, Lâu đài tình ái, Kỳ phùng địch thủ, Ầu ơ ví dầu, Câu chuyện tình đời… Ngoài ra chị còn là biên kịch của hơn 400 tiểu phẩm truyền hình, kịch truyền hình, chương trình táo quân, phim điện ảnh… Chị đã xuất bản 2 tuyển tập kịch bản là Giai điệu tổ quốc, Công lý như mặt trời. |
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất