26/10/2015 13:27 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới (2016 - 2020), tỉnh Kiên Giang đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ phát triển nhanh, bền vững, có thương hiệu, điểm đến hấp dẫn của du khách.
Mục tiêu đến cuối năm 2020, Kiên Giang đón 6,8 triệu lượt khách du lịch trở lên, trong đó khách quốc tế 450.000 lượt, tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, doanh thu hàng năm tăng 22%/năm.
Trước mắt, Kiên Giang nỗ lực tổ chức thành công “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp, sự khởi động đi lên cho ngành “công nghiệp không khói”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang chia sẻ: Kiên Giang được chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016 là niềm vinh dự của tỉnh.
Đây là cơ hội tốt để phát huy tiềm năng du lịch, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và những sản phẩm du lịch đặc sắc của Kiên Giang với cả nước và thế giới. Trong đó, đầu tư du lịch biển - đảo trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là thương hiệu du lịch Phú Quốc, góp phần quảng bá, phát triển mạnh mẽ du lịch Phú Quốc - Kiên Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Du lịch Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh: Việc tổ chức thành công “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long” không những quảng bá văn hóa, con người, tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn mở ra sự liên kết hợp tác phát triển du lịch Kiên Giang với các tỉnh, thành trong, ngoài nước và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, du lịch Kiên Giang, Du lịch Việt Nam còn có cơ hội phát triển hơn khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến tới việc hình thành một cộng đồng thống nhất - Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, với khẩu hiệu “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng”. Tỉnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh của khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là vùng du lịch Phú Quốc, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế trong thời gian tới.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, q uy hoạch phát triển tổng thể du lịch Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ, phát triển du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái giữ vai trò chủ đạo.
Tỉnh xác định bốn vùng du lịch trọng điểm là: Phú Quốc; Hà Tiên, Kiên Lương - vùng phụ cận; Rạch Giá, Kiên Hải - vùng phụ cận; U Minh Thượng - vùng phụ cận. Phú Quốc là khu du lịch quốc gia ưu tiên đầu tư đến năm 2020 trở thành điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao. Hà Tiên là điểm du lịch quốc gia tập trung đầu tư đến năm 2020 trở thành đô thị du lịch ven biển.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh rà soát bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết các khu, điểm, tuyến du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm, triển khai nhanh các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch.
Tỉnh tập trung huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại bốn vùng du lịch trọng điểm. Chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và xây dựng công trình văn hóa, thể thao tạo điểm nhấn, ấn tượng phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí…
Bên cạnh đó, Kiên Giang thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng; chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư, nâng cấp cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, các làng nghề… để nâng cao chất lượng, đa dạng các sả phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách. Tiếp đến, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch.
Theo đó,tỉnh triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch; đầu tư, nâng cao chất lượng các trường, cơ sở đào tạo về du lịch gắn với liên kết đào tạo trong nước, quốc tế; chú trọng nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ, hướng dẫn viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc bước đầu nêu những kinh nghiệm trong phát triển du lịch đảo Phú Quốc thời gian qua: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhân tố có tính quyết định đến tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.
Xây dựng thương hiệu du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá thế mạnh về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, những nét văn hóa độc đáo của địa phương, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, an toàn, thân thiện, văn minh… sẽ thu hút du khách đến tham quan du lịch đảo Phú Quốc ngày càng nhiều hơn.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh thu hút được 242 dự án đầu tư du lịch, với tổng diện tích hơn 6.826 ha, trong đó có 169 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích hơn 4.278 ha và tổng vốn đăng ký 138.889 tỷ đồng.
Phú Quốc thu hút được nhiều dự án đầu tư du lịch nhất, với 187 dự án, trong đó có 147 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích 3.766 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký 134.029 tỷ đồng.
Những dự án đầu tư này đã và đang hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ sẽ tạo nên một diện mạo du lịch hấp dẫn, hiện đại cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Kiên Giang, nhất là du lịch đảo ngọc Phú Quốc.
Ngoài ra, trong những năm qua, nhiều công trình xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch được tỉnh Kiên Giang đầu tư mạnh, tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng đang phát huy hiệu quả tích cực.
Các công trình: Nâng cấp Sân bay Rạch Giá; xây dựng mới Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; các cảng biển Rạch Giá, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông; các tuyến đường quốc lộ 80, 63, 61, N1, đường hành lang ven biển phía Nam, đường trên đảo Phú Quốc; đưa điện quốc gia ra đảo Phú Quốc, Hòn Tre… tạo sức bật cho du lịch phát triển.
Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo kết hợp bảo tồn với phục vụ tham quan, du lịch như: Nhà tù Phú Quốc, di tích Ba Hòn (Hòn Đất), di tích lịch sử cách mạng U Minh Thượng, di tích núi Bình San (Hà Tiên), tháp Bốn Sư liệt sĩ (Châu Thành), chùa Phật Lớn và nhà trưng bày cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (TP. Rạch Giá)…
Cùng với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với lợi thế, tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú và những điều kiện thuận lợi, Kiên Giang đang mở ra thời cơ mới để phát triển mạnh, hiện đại ngành “công nghiệp không khói”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nơi vùng cực Nam Tổ quốc.
Lê Huy Hải (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất