19/02/2017 07:14 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Thập niên 1950 được xem là “Kỷ nguyên vàng” của phim nhạc kịch (Musical). Và hãng phim MGM lừng danh - với biểu tượng con sư tử gầm thét - luôn là “anh cả” của thể loại này, cả về số lượng lẫn chất lượng phim...
Trong số những phim đó, “An American In Paris (Một người Mỹ ở Paris) là niềm tự hào của MGM.
Một người Mỹ ở Paris
An American In Paris là một tác phẩm giao hưởng của nhà soạn nhạc người Mỹ George Gershwin công diễn đầu tiên vào năm 1928. Lấy cảm hứng từ thời gian George sống ở Paris, vở kịch là một vần thơ làm nổi bật tầm nhìn và sức sống của thủ đô được mệnh danh là “Kinh đô ánh sáng” ở thập niên 1920.
Ngoài những nhạc cụ cổ điển thường được sử dụng trong các bản giao hưởng, nét mới đặc biệt của vở kịch này là phần nhạc đã được thêm vào những tiếng động đường phố và các loại còi xe cơ giới.
Khi vở diễn ra mắt tại New York, George đã bổ sung thêm những tiếng còi xe taxi đặc trưng chỉ có ở Paris. Mặc dù George Gershwin đã viết rất nhiều vở sân khấu, nhưng chỉ An American In Paris, cùng với vở Rhapsody In Blue, là hai tác phẩm giao hưởng được yêu thích nhất trong sự nghiệp của ông. Thật tiếc là ông đã qua đời rất lâu (1937) trước khi được chứng kiến An American In Paris trở thành một bộ phim Musical lừng lẫy trong lịch sử điện ảnh.
Hai ngôi sao Leslie Caron và Gene Kelly trong phim
Dự án làm phim này bắt đầu khi nhà sản xuất Arthur Freed đang chơi bida với bạn ông, nghệ sĩ viết lời bài hát Ira Gershwin. “Bán cho tôi cái tựa An American In Paris nhé?”, Freed hỏi. “Được, nếu anh sử dụng toàn bộ phần nhạc của George Gershwin,” Ira trả lời. Bộ phim kinh điển này đã ra đời như thế.
Dù rằng lúc ấy chưa có một cốt truyện hẳn hoi nhưng với uy tín của mình, Arthur Freed dễ dàng nhận được sự chấp thuận của hãng phim MGM cho dự án này. Kịch bản sau đó được giao cho Allan Jay Lerner thực hiện với câu chuyện tình tay ba đầy lãng mạn và cao thượng ở Paris sau Thế chiến thứ 2.
Một người Pháp tại Mỹ
Trùng lặp với chuyện phim của An American In Paris là câu chuyện ngoài màn ảnh của một người Pháp ở Mỹ - tài năng trẻ 17 tuổi Leslie Caron. Sau khi được chọn đóng vai chính Lise Bouvier, cô bé chưa từng biết đến ống kính máy quay này, háo hức đặt chân đến Mỹ, khởi đầu cho sự nghiệp điện ảnh đầy may mắn của mình.
Trong ngày quay đầu tiên của Caron, cô đã làm đoàn phim phải choáng váng khi xuất hiện với một mái tóc cắt ngắn theo đúng mốt đang thịnh hành tại Paris mà cô vừa cắt đêm trước.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với nhân vật mà cô đảm nhận. Nhưng mọi người đều xí xóa cho Caron, bởi họ thông cảm cho sự ngây thơ và thiếu kinh nghiệm của cô. Lịch quay bắt buộc phải điều chỉnh lại để dành thời gian cho tóc Caron mọc dài trở lại. Một chuyên gia làm tóc được cử riêng để theo dõi và chăm sóc cho mái tóc cho cô.
Ngoài sự cố đó ra, Caron đã làm cho mọi người phải thán phục vì sự tự tin hiếm có ở độ tuổi của cô. Caron vượt qua dễ dàng những đòi hỏi khắt khe từ đạo diễn Vincente Minnelli và ngôi sao Gene Kelly. Đặc biệt Caron đã phối hợp rất nhịp nhàng với Kelly trong những màn ca múa, bởi cô đã quá quen thuộc với điều này khi còn là vũ công tại Paris. Sau này ai cũng phải thán phục đôi mắt tinh đời của Gene Kelly.
Poster của phim “An American In Paris”
Một Paris ở Mỹ
Bộ phim khởi động tháng 6/1950. Ngoại trừ một vài cảnh mở đầu được tổ chức quay gọn nhẹ tại Paris Các nhà làm phim nhận thức được sự khó khăn và tốn kém nếu quay giữa thủ đô Paris, họ quyết định dựng toàn bộ Paris trong phim trường ở California (Mỹ)!
Để làm được điều này, đạo diễn Vincente Minnelli đã mời nhà thiết kế bối cảnh Preston Ames – người đã từng học tại thành phố nổi tiếng này trong hơn nửa thập kỷ. Ames và nhóm thiết kế của ông đã làm việc một cách cật lực để tạo nên một cái nhìn chính xác về Paris.
Sau đó ông còn phải thiết kế lại để tạo nên không gian đủ để thực hiện những màn biên đạo múa đông đảo và phức tạp của bộ phim. Trong đó phải kể đến kỳ công của Ames khi thực hiện lại bối cảnh nhà thờ Sacre Coeur.
Minnelli nói, “Dần dần chúng tôi phát triển thành ý tưởng miêu tả những địa danh đặc biệt của Paris, theo phong cách của các họa sĩ theo trường phái ấn tượng nổi tiếng, bất kể trước đây họ có vẽ cảnh này hay không”.
Người xem sẽ thấy những phong cách nghệ thuật hội họa được sử dụng trong các bối cảnh:Quảng trường de la Concorde theo phong cách của Raoul Dufy, Chợ hoa Madeleine - Auguste Renoir, Bãi họp chợ phiên - Maurice Utrillo, Vườn hoa Jardins - Henri Rousseau, Nhà hát Opera - Vincent Van Gogh, Đại lộ Montmartre - Henri de Toulouse-Lautrec.
Trailer của phim “An American In Paris”
Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất