Golf: Phát triển golf qua… thị trường điện thoại di động!

30/10/2015 15:18 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Hiếm có môn thể thao như golf, người hâm mộ cũng là người biết chơi môn thể thao này. Vì thế, thay vì đánh giá lượng fan ở một quốc gia, PGA Tour giờ có thể biết được điều đó thông qua số người sử dụng điện thoại di động có những ứng dụng của golf. Đây cũng chính là hướng phát triển mới của golf!

Và thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới nằm ở… Trung Quốc, một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Quốc gia đông dân hàng đầu này đang có một trong những tầng lớp trung lưu năng động và thị trường điện thoại di động đang đứng vị trí số 1. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nội dung video về golf đang chuyển nhanh từ ti-vi và truyền hình cáp truyền thống sang các thiết bị di động để mang đến số lợi nhuận không hề nhỏ.

Sự dịch chuyển này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với golf tại Mỹ? Đúng hơn thì câu hỏi này nên dành cho PGA Tour bởi vì giờ đã có PGA Tour Trung Quốc bên cạnh Canada và những quốc gia Mỹ Latin khác. Nghĩa là việc đánh giá sự tăng trưởng lượng fan ở golf không còn dựa vào một mức thu nhập nào đó nữa mà giờ đây phải dựa cả trên những con số sinh lợi ở thị trường điện thoại di động.

Vì thế, nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có thể đo đếm được thì trong ngành công nghiệp golf, người ta cũng sẽ làm được tương tự. Bằng cách nào? Các tổ chức golf có khả năng nắm bắt và chớp thời cơ làm giàu đang cố gắng rút ra những bài học từ lịch sử của golf. Nó cho chúng ta thấy rằng, golf ở châu Á có biểu đồ tăng rất ngoạn mục. Sự phát triển mạnh mẽ của golf tại khu vực này được thấy rõ sau Chiến tranh thế giới 2.

Trước tiên là Nhật Bản và hãy xem tốc độ gia tăng của golf tại đây. Từ năm 1945 đến nay, golf đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản khi có từ 5-8% dân số nước này chơi golf. Điều này cho thấy Nhật Bản là một thị trường golf tốt. Thậm chí, có thể xem Nhật Bản như là thị trường golf lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ với một tỷ lệ dân số chơi golf tương tự.

Thứ hai là xem xét lịch sử golf ở Hàn Quốc. Phải đợi đến Olympic 1988, thị trường golf tại quốc gia này mới được khai phá. Giờ đây, Hàn Quốc đã đạt được số người chơi golf theo tỷ lệ dân số là 5%. Dĩ nhiên, điểm mấu chốt là Nhật Bản phải mất 70 năm mới đạt tới con số trên, trong khi chỉ mất hơn 30 năm, Hàn Quốc đã đạt được ngưỡng 5% dân số chơi golf.

Những ví dụ đó cho thấy golf sẽ có nhiều cơ hội ở Trung Quốc. Dù gì Trung Quốc cũng có hơn 1,3 tỷ người. Với dân số thế giới hơn 7,3 tỷ người, xem như cứ 7 người thì có 1 người Trung Quốc. Vì thế, khỏi cần tính, người ta cũng biết rằng, 5-10% số dân Trung Quốc chơi golf sẽ là như thế nào.

Điều này giải thích tại sao cũng như những công ty, tập đoàn trên thế giới, PGA Tour đã xem Trung Quốc như là một thị trường lớn và cần tăng cường nội dung video ở ngành công nghiệp thiết bị di động. Chẳng hạn như mới đây, PGA Tour đã bổ sung phần mềm ghi điểm để người hâm mộ có thể tra cứu điểm số của các giải đang trực tiếp diễn ra. Hay cuối mùa hè vừa qua, họ lại tiếp tục tung ra nội dung video dành cho PGA Tour Live, cho phép người xem theo dõi các golf thủ yêu thích qua những vòng vào ngày thứ năm và thứ sáu. Vì thế, khi golf ở Trung Quốc phát triển, các dịch vụ gia tăng cũng sẽ phát triển theo.

Mặc dù vậy, cơ hội cho golf phát triển ở Trung Quốc nằm trong chuỗi vận động kinh tế nói chung. Nó cần có sự tương tác của một số yếu tố, chứ không chỉ nội dung video, để tạo được dấu ấn tài chính lớn hơn.

Lấy ví dụ, sự xuất hiện của những golf thủ xuất sắc có thể thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển golf ở một quốc gia. Như Hàn Quốc, số người chơi golf tại nước này tăng mạnh không chỉ nhờ vào Olympic. Tuy nhiên, Olympic đã đưa Hàn Quốc từ một nền kinh tế khép kín sang một nền kinh tế thị trường. Từ đó, chính phủ có thể nhận ra lợi ích trong việc cải thiện quan hệ, du lịch, cơ sở hạ tầng và thương mại. Sự phát triển của golf nằm trong sự phát triển này của kinh tế. Đến lúc đó, những golf thủ xuất sắc của Hàn Quốc xuất hiện và giải thích tại sao họ giờ có hơn 40 tay golf nữ trong LPGA và vô địch nhiều giải tại Mỹ, châu Âu. Họ trở thành thần tượng của giới trẻ và từ đó, họ khuyến khích những thế hệ sau này say mê golf.

Lợi thế kinh tế là điều không thể phủ nhận và từ đó, giá trị của bản quyền truyền thông đi kèm sẽ tăng theo. Đây là điều đã được PGA Tour nhận ra và vấn đề chỉ là thời gian thay vì câu hỏi có hay không golf ở Trung Quốc, cũng như châu Á có cơ hội phát triển.

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm