(giaidauscholar.com) - Võ Thanh Tùng đang trở thành một hiện tượng đặc biệt không chỉ của riêng đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam (TTNKTVN) mà còn là của cả Asian Para Games lần này. Kình ngư 29 tuổi đã giành tấm HCV thứ 4 cho riêng mình và gần như thống trị ở các nội dung thi đấu cự ly 50m nam hạng thương tật S5.
Không còn là hy vọng, mỗi khi Võ Thanh Tùng xuống nước ở cự ly 50m nam, gần như đoàn TTNKTVN lại cầm chắc thêm một tấm huy chương và vấn đề chỉ còn là tấm huy chương đó màu gì.
Khi tất cả các đối thủ ở hạng thương tật S5 tại Asian Para Games II đều đã trở nên quá quen thuộc, Võ Thanh Tùng dường như chẳng còn rào cản nào về tâm lý trước mỗi đợt thi đấu chung kết. Sáng ngày 22/10, Thanh Tùng vào cuộc ở chung kết nội dung 50m tự do nam với một sự tự tin và hứng khởi rất lớn, kình ngư này thể hiện rõ quyết tâm sẽ không để tuột mất cơ hội tích lũy thêm HCV cho bộ sưu tập của riêng mình tại đấu trường châu lục.
Và thực tế cuộc đua diễn ra sau đó đã cho thấy, Thanh Tùng hoàn toàn xứng đáng với tấm HCV. Với lợi thế về tốc độ và khả năng xuất phát tốt, kình ngư 29 tuổi nhanh chóng bỏ xa các đối thủ phía sau và về đích đầu tiên với thành tích 35 giây 40. Và phải đến hơn 3 giây sau, người được xác định có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Thanh Tùng là Suzuki Takayuki (Nhật Bản) mới chạm tay vào vạch đích.
“Giành tấm HCV thứ 4 cho riêng mình, Thanh Tùng đã trở thành một “hiện tượng” đặc biệt tại Asian Para Games II và của đoàn TTNKTVN. Chúng tôi thực sự rất bất ngờ với Thanh Tùng trong các cuộc thi đấu tại đại hội, dù trước đó vẫn biết là Thanh Tùng có khả năng cạnh tranh huy chương ở các cự ly 50m” - Trưởng đoàn TTNKTVN Vũ Thế Phiệt cho biết.
Cũng theo lời ông Vũ Thế Phiệt, sở dĩ Thanh Tùng lấn át các đối thủ tại Asian Para Games ở các cự ly 50m lần này là do kình ngư này có thế mạnh đặc biệt về tốc độ và khả năng xuất phát rất tốt. Ngoài ra, thời gian gần đây, sức bền của Thanh Tùng cũng đã được nâng lên đáng kể. Vì thế, Tùng có thêm cơ hội cạnh tranh ở các cự ly dài hơn mà tấm HCV 100m tự do, 200m tự do các ngày trước đã cho thấy điều đó. Và với tâm lý hưng phấn, Thanh Tùng luôn thi đấu rất tốt bất chấp cường độ khá dày đặc.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 22/10, một hi vọng rất lớn khác của TTNKTVN đã không thành hiện thực khi nhà vô địch thế giới Phạm Đức Trung dừng bước ở bán kết nội dung đơn nam hạng thương tật SL3 môn cầu lông.
Trước trận đấu này, do thời tiết ở Incheon khá lạnh vào buổi tối nên Phạm Đức Trung bị cảm cúm nhẹ. “Việc không có được thể lực tốt nhất đã khiến Trung không thể vượt qua Ukun Rukaendi (Indonesia) trong trận bán kết dù đã nỗ lực ở khả năng cao nhất. Cá nhân tôi cũng rất tiếc cho Trung, bởi về chuyên môn Trung được đánh giá cao hơn nhưng thể lực không đảm bảo nên mới thất bại” - Trưởng đoàn Vũ Thế Phiệt chia sẻ.
Ngoài tấm HCĐ của Phạm Thành Trung, trong ngày 22/10, đoàn TTNKTVN còn giành thêm 3 tấm HCĐ khá do công Cao Ngọc Hùng (ném lao nam, hạng thương tật F57), Nguyễn Thị Mai (ném lao nữ, hạng thương tật F37/38) môn điền kinh và Trần Minh Nhuận/Phạm Hồng Tuấn nội dung đôi nam, hạng thương tật SL3 môn cầu lông.
Như vậy, trước ngày thi đấu áp chót của Asian Para Games II, đoàn TTNKTVN hiện đã giành được 7 HCV, 6 HCB và 8 HCĐ, tạm đứng thứ 9 trên bảng tổng sắp huy chương.
Phúc Hưng