09/05/2025 05:51 GMT+7 | Thể thao
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Với lĩnh vực thể dục thể thao, kinh tế tư nhân mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp và doanh nhân đã, đang có những đóng góp to lớn trong nhiều năm qua để tạo nên diện mạo mới cho sự phát triển của thể thao nước. Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ làm cho dòng chảy ấy thêm mãnh liệt trong khát vọng vươn tầm của thể thao Việt Nam.
Danh xưng "ông bầu bóng đá" có lẽ đã xuất hiện từ thời còn bóng đá bao cấp. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ở các giải đấu cấp quận tại TP.HCM đã nổi lên nhiều đội bóng phong trào thuộc sở hữu của cá nhân, đa phần ở khu vực có nhiều người Hoa sinh sống. Nổi lên có bầu Hưng, tức ông Quách Thành Lai của Thành Long hay bầu Ba Vạn của Đá Mỹ Nghệ.
Họ là các ông chủ doanh nghiệp tư nhân, mê bóng đá nên bỏ tiền "lập đội bóng đá coi chơi". Thu nhập của các cầu thủ ở các đội phong trào này tốt đến mức nhiều cầu thủ sau khi giải nghệ rủ nhau đến đầu quân. Chất lượng của các đội bóng ấy cũng không tệ, như trường hợp Giang Thành Thông, người từng đá cho đội của bầu Hưng, sau chuyển sang chơi chuyên nghiệp ở V-League.
Vì "kinh tế tư nhân" trong đời sống bóng đá đã có sẵn nên ngay khi bóng đá chuyên nghiệp ra đời, thì những ông bầu bóng đá đã cho thấy sự khác biệt. Những người như bầu Đức, bầu Thắng chủ động đến gặp cơ quan quản lý thể thao tại địa phương và đề nghị tiếp nhận đội bóng tỉnh nhà. Hiệu quả tức thời. Trước khi bầu Đức xuất hiện, đội Gia Lai chưa từng lên chơi ở hạng cao nhất, nhưng chỉ sau 2 năm chuyển giao, không còn cơ chế nào trói buộc, những bản hợp đồng bom tấn được bầu Đức thực hiện. Khái niệm về tiền lót tay ra đời, rồi việc trả lương không giới hạn đã giúp HA.GL hút gần như toàn bộ đội tuyển Việt Nam và Thái Lan về phố Núi để rồi họ vừa thăng hạng đã vô địch V-League 2 mùa liên tiếp. Còn khi bầu Thắng đến gặp Giám đốc Sở TDTT Long An, thì đội bóng đang làm thủ tục giải thể. Vậy mà chỉ 4 năm sau, Gạch Đồng Tâm Long An đã vô địch 2 mùa liên tiếp.
Câu chuyện của bầu Hiển ở Hà Nội T&T thậm chí còn ly kỳ hơn, đáng được xem là hình mẫu của kinh tế tư nhân trong thể thao. Tập đoàn T&T của bầu Hiển mua lại một đội bóng phong trào vừa giành quyền thi đấu ở giải hạng Ba. Trong 3 năm kế tiếp, Hà Nội T&T thăng liền 3 hạng và lên chơi V-League. Từ đó đến nay, họ trở thành đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá Việt Nam với 6 chức vô địch quốc gia, vượt qua những tượng đài như Thể Công, Cảng Sài Gòn…
Năm 2020, bầu Hiển chuyển sang thành lập CLB bóng bàn cũng với cách làm đã thành công trong bóng đá. Đó cũng là thời điểm mà các "ông bầu" đã "phủ sóng" ở nhiều môn thể thao, không chỉ riêng bóng đá. Nổi bật có "bầu" Phong của đội bóng chuyền nữ Bình Điền Long An, bầu Tú của futsal Thái Sơn Nam, bầu Bảo Hoàng của đội bóng rổ Sài Gòn Heat …
Dù danh xưng "ông bầu" thường gắn với tên một doanh nhân có liên quan trực tiếp đến đội bóng/CLB, nhưng ở góc độ rộng hơn, đó là từ để nói về dấu ấn của "kinh tế tư nhân" trong đời sống thể thao. Một đội bóng có "ông bầu" sẽ đi kèm với cơ chế tài chính thoáng, trả lương theo cống hiến, mạnh dạn đầu tư cho lực lượng và gắn liền với quyền lợi, uy tín doanh nghiệp đầu tư. Đó đều từng là những điểm nghẽn, thứ đã kìm hãm sự phát triển của các CLB cũng như tài năng thể thao.
Câu chuyện của bầu Hiển (phải) ở Hà Nội T&T, bây giờ là Hà Nội FC, xứng đáng được xem là hình mẫu của kinh tế tư nhân trong thể thao. Ảnh: Hoàng Linh
Năm 2001, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League) ra đời với sự tham gia của một số đội bóng thuộc quản lý của doanh nghiệp tư nhân. LĐBĐ Việt Nam (VFF) thu về một số tiền lên đến 2 triệu USD từ việc "khoán" thương quyền trong 3 mùa giải cho Công ty tiếp thị thể thao Strata. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam "có cái để bán" và "bán có giá".
10 năm sau, Công ty VPF ra đời hoạt động như một Công ty tư nhân để quản lý và khai thác thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp. Doanh thu mỗi năm đều tăng, lên đến hơn 200 tỷ đồng, tức là gấp hàng chục so với thời điểm V-League ra đời. Rồi 10 năm sau, Công ty VPF chính thức bán được bản quyền truyền hình V-League, điều mà chỉ mới 2 thập niên trước đó chỉ "có trong mơ".
Để làm được điều đó, thì gốc rễ phải bắt đầu từ việc các đội bóng chuyên nghiệp phải là những pháp nhân Công ty tư nhân. Họ tự chịu trách nhiệm, tham gia bóng đá chuyên nghiệp trên tinh thần "lời ăn – lỗ chịu". Mặc dù vẫn còn những tồn tại, nhưng sự vận hành của thị trường đã giúp cho các đội bóng phải tự đầu tư để nâng cao chất lượng thi đấu, thành tích trong mùa giải. Đội nào không đủ tài chính, cũng không phải tự đào thải, không thể trụ lại được ở sân chơi đỉnh cao.
Một ví dụ khác của kinh tế tư nhân trong thể thao có thể thấy rõ ở sự ra đời của giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA). Bóng rổ không phải là môn thể thao thế mạnh, thậm chí gần như không phát triển ở mảng đỉnh cao.
Nhưng 10 năm trước, các doanh nhân Việt kiều đã quyết định thành lập một giải đấu chính thức hoạt động theo mô hình "công ty trong công ty" với 6 CLB sáng lập cũng là các cổ đông, đồng thời là đội bóng dự giải.
VBA vận hành theo thị trường, bỏ vốn để thực hiện công tác tiếp thị, sản xuất vật phẩm, tự tạo ra một nhóm "khách hàng" riêng của mình. Cũng vì hoạt động theo mô hình Công ty nên đến nay, số lượng thành viên của VBA vẫn chưa tăng lên nhiều, nhưng họ vẫn tiếp tục tung thêm tiền để nâng cấp giải đấu như một hoạt động đầu tư dài hạn…
Những cú hích từ "kinh tế tư nhân" ấy chưa thay đổi hoàn toàn diện mạo của thể thao Việt Nam nhưng đó là động lực và yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự thay đổi khi trở thành lời giải cho bài toán kinh tế thể thao.
Quá trình vận hành của các "ông bầu" và những CLB thuộc sở hữu tư nhân ấy đang tạo ra các "sản phẩm" cụ thể như bản quyền hình ảnh, các trận đấu được "đóng gói" về mặt tiếp thị, có lượng khán giả riêng và một môi trường kinh doanh tiềm năng trên mạng xã hội…
Vẫn cần sự tham gia sâu hơn
Mặc dù đã có hơn 3 thập niên tính từ khi "kinh tế tư nhân" chính thức được tham gia trực tiếp vào hoạt động sở hữu, thi đấu thể thao đỉnh cao, nhưng không khó để thấy những dấu hiệu chậm lại: Số lượng "ông bầu" xuất hiện công khai ngày càng ít, số doanh nghiệp đặt thương hiệu vào tên các CLB cũng không tăng và quan trọng hơn, số rút đi cũng nhiều như những người mới đến.
Một khía cạnh khác, là hoạt động của kinh tế tư nhân trong thể thao chủ yếu dừng lại ở mức độ quảng bá, tiếp thị, gần như không tham gia sâu vào chuỗi giá trị để có thể tạo ra một nền kinh tế thể thao đúng nghĩa. Mặc dù các CLB đều mang tư cách pháp nhân Công ty, đăng ký ngành nghề kinh doanh thể thao, nhưng lại không có sản xuất hoặc tạo ra các sản phẩm hữu hình.
Thể thao Việt Nam không thể chờ đợi vào "tình yêu" thể thao của doanh nghiệp và đam mê mang tính cá nhân của các doanh nhân mà cần phải có hành lang pháp lý cũng như chính sách để khuyến khích lực lượng này tham gia đầu tư sâu hơn cho thể thao, từ chuyên môn, đến cơ sở vật chất, thậm chí là các ĐTQG.
Đối với các tổ chức quốc tế như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hay Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), các sự kiện của họ thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc bán vé rộng khắp là việc kinh doanh bản quyền truyền hình và thu hút tài trợ từ doanh nghiệp. Về bản chất, đó thực sự là kinh doanh và IOC hay FIFA không trực tiếp làm các công việc này mà ủy thác cho các doanh nghiệp làm nhà thầu cho các sự kiện.
Với trên 30 liên đoàn, hiệp hội thể thao chuyên ngành tại Việt Nam, nếu thực sự được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản, có sự hợp tác với các doanh nghiệp, chắc chắn hoạt động thể thao sẽ đem lại những giá trị chuyên môn và kinh tế vượt trội so với hiện nay. Đây cũng chính là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác và thu lợi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất