14/11/2014 14:17 GMT+7 | Tennis
(giaidauscholar.com) - 6 giờ sáng, VĐV bóng ném Đức Michael Kraus vừa trải qua đêm tân hôn trong cuộc đời, bị dựng dậy bởi tiếng chuông cửa. Đứng nơi bậc thềm là nhân viên của Ủy ban phòng chống doping Đức (NADA), yêu cầu Kraus cung cấp mẫu nước tiểu.
Kraus như muốn phát điên. Anh chỉ trích cách thức làm việc của NADA chả khác gì “bắt nạt” VĐV. Nhưng ở góc độ khách quan, từ câu chuyện của Kraus, có thể nhận thấy rằng NADA đã đưa VĐV này vào tầm ngắm sau khi anh 3 lần bỏ lỡ kỳ kiểm tra doping. Thứ hai, có một sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra trong làng thể thao Đức.
Cú sốc để thức tỉnh
Quốc gia này xác định sẽ kiểm soát chặt chẽ về vấn đề chống doping - một việc mà trước đây họ từng phớt lờ. Năm 2009, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere bác bỏ việc đề ra dự thảo luật trong chống doping sau một loạt bê bối liên quan tới các VĐV Đức: "Tôi thận trọng với việc áp dụng ngay lập tức những quy định mạnh mẽ liên quan tới pháp luật". Năm năm sau câu nói đó, ông Maiziere cùng với Bộ trưởng Tư pháp Jeiko Maas đã quyết định ngồi lại bàn về dự thảo luật chống doping mới. Luật được trình bày hôm thứ Tư ở Berlin, trong đó phân tích rõ hậu quả mà "bóng ma" doping để lại cho thể thao Đức. Nói cách khác, Đức đang nỗ lực để xóa bỏ nỗi ám ảnh doping trong quá khứ.
Tháng 8 năm ngoái, một bản báo cáo được công bố đặt Bộ nội vụ Đức dưới nhiều áp lực, sau khi thông tin về việc chính phủ Tây Đức ủng hộ các CĐV sử dụng doping vào những năm 1970. Báo cáo cho biết Viện khoa học thể thao liên bang (BISp) đã phối hợp với các cơ sở nghiên cứu ở Freiburg, Cologne và Saarbrucken để thử nghiệm các loại chất kích thích qua nhiều thập kỷ và cho phép một số VĐV sử dụng, trong đó có chất đồng hóa anabolic steroids, testosterone và oestrogen. Trong số các VĐV sử dụng chất cấm có 3 thành viên của đội Tây Đức tham dự trận chung kết World Cup 1966.
Trước đó, vào năm 2010, trường đại học Leipzig của Đức cũng công bố nghiên cứu cho biết những cầu thủ Tây Đức tham dự World Cup năm 1954 đã được tiêm chất kích thích bí mật mà họ nghĩ rằng đấy chỉ là vitamin. Ngân sách dành cho những dự án này là tiền thuế của dân.
Xóa ám ảnh bằng luật pháp & tiền
Việc tiết lộ các báo cáo, tài liệu đã khiến dư luận rùm beng nhưng nó giúp nhà chức trách coi trọng hơn cuộc chiến chống doping. Dự thảo luật mới là hiệu quả có được từ tác động của dư luận.
Đáng chú ý nhất trong dự thảo luật mới là hình phạt tối đa 3 năm tù giam đối với những VĐV dương tính với chất cấm. Luật này được áp dụng ở thể thao chuyên nghiệp cho cả VĐV nam và nữ. Đồng nghĩa, có 7.000 VĐV sẽ nằm trong tầm ngắm của NADA.
Không chỉ VĐV vi phạm, tất cả những ai tham gia vào quá trình đưa chất kích thích vào người VĐV đều bị pháp luật Đức trừng trị. Bác sĩ, chuyên gia tư vấn hay những kẻ cung cấp doping sẽ đối diện với mức án cao nhất là 10 năm tù.
Để thực hiện chiến dịch “làm trong sạch nền thể thao”, cách đây 6 tháng, Đức đã thông báo kế hoạch tăng gấp đôi số lần kiểm tra doping đối với các VĐV.
Kế hoạch này đồng nghĩa Đức sẽ phải chi bộn tiền để NADA thực hiện tốt nhất công việc của mình. Với ngân sách hiện tại của NADA, chỉ cần thực hiện chương trình chống doping mới thì ngân quỹ của họ sẽ cạn kiệt trong vòng 6 tháng. Quy trình chống doping khá phức tạp. Ngoài đội ngũ y bác sĩ lấy mẫu thử còn phải có hệ thống xét nghiệm quy mô quốc tế. Ví dụ, mỗi năm chỉ riêng Liên đoàn bóng đá Đức đã chi 800.000 euro/năm cho việc lấy và phân tích các mẫu thử. Vào năm tới, số tiền này sẽ tăng lên bởi NADA muốn lấy mẫu thử ở trên sân tập lẫn sau trận đấu.
Theo tính toán của NADA, ngân sách dành cho chiến dịch cần phải tăng từ 7,7 triệu euro lên 10 triệu euro mới có thể đáp ứng yêu cầu cơ bản trong nỗ lực xóa sạch doping trong làng thể thao Đức.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất