Thể Công trong trái tim tôi

16/12/2016 05:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Bồi hồi về chuyện Lê Công Vinh chia tay ĐTQG và bóng đá, mà không, phải gọi là “sự kiện” mới đúng, vì cho tới hôm nay, tôi xem báo và thấy có không dưới 30 bài viết về đề tài này. Khác hẳn rất nhiều sự chia tay bóng đá của những danh thủ thời chúng tôi.

Đố bạn biết những tiền đạo lừng danh của sân cỏ thời bao cấp như Nguyễn Bính, Nguyễn Thế Anh, Thái Nguyên Bền, Nguyễn Cao Cường (Thể Công), Từ Như Hiển, Nguyễn Văn Đặng (CAHN), Đặng Ngọc Việt (Cảng HP), Trần Hùng (XMHP)… chia tay bóng đá lúc nào?

Tôi bảo đảm một dòng trên báo cũng không có chứ chưa nói đến chỉ một tin vắn. Đó là thiệt thòi của những nhân tài thời bao cấp, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, TDTT. Thế nhưng, có một đặc điểm chung, ở thời nào cũng vậy, niềm say mê môn thể thao vua– bóng đá– luôn giống nhau và tôi may mắn là một nhân chứng.

Nhưng trước hết tôi phải kể sơ qua về chuyện gia đình tôi. Cha tôi người làng Huyền Kỳ, xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông được các cụ ở quê cho ra Hà Nội học từ khi còn nhỏ để trở thành một công chức. Mẹ tôi là con ông giáo Đạt nổi tiếng ở Bắc Ninh. Ông bà cưới nhau năm 1940.

Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, cả nhà tôi rời xa Hà Nội, bồng bế nhau ra vùng căn cứ của Chính phủ cách mạng góp phần thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi Bắc Ninh, lúc Bắc Giang rồi Thái Nguyên, Tuyên Quang… mẹ tôi bồng bế con thơ liên tục theo chân cha di chuyển khắp khu vực Đông Bắc. Năm 1952, một biến cố kinh hoàng đã đến với gia đình tôi, mở đầu cho những năm gian khó: Trong một chuyến công tác  tại Thái Nguyên, cha tôi bị bệnh đột ngột qua đời để lại cho mẹ tôi, khi ấy chưa đầy 40 tuổi, gia tài là 4 đứa con còn nhỏ dại. Chị cả tôi 9 tuổi, chị hai lên 7, tôi là con trai duy nhất 4 tuổi và cô út mới sinh vài tháng.

Ngẫm từ cuộc chia tay của 'hậu bối' Lê Công Vinh

Ngẫm từ cuộc chia tay của 'hậu bối' Lê Công Vinh

... Tôi khóc vì tình nghĩa, vì ngày mai tôi phải rời xa đồng đội, rời xa những kỷ niệm, những trận đấu “để đời”!

Vốn sinh trưởng trong một gia đình trí thức, mẹ tôi cũng như đa phần lớp phụ nữ thành thị ngày ấy thường chỉ làm nội trợ, học hành thì hạn chế, lớn lên lấy chồng và sống phụ thuộc vào chồng. Nay cha tôi ra đi, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Cho đến tháng 5 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ hòa bình lập lại mẹ tôi liên lạc được với ông bà ngoại và lập tức rời Thái Nguyên đưa cả nhà về Hà Nội nhưng lúc ấy ông tôi cũng đã nghỉ hưu, thu nhập eo hẹp nên cũng không giúp gì được.

Sống ở Hà Nội, gần ông bà ngoại nhưng có thể nói đây là lúc gian nan nhất của gia đình tôi. Chị cả tôi mới 14 tuổi đã phải cùng mẹ đi làm cả ngày! Buổi tối, cả nhà lao vào làm các việc khác như đan len, móc ren, thêu khăn mùi xoa, áo gối, dán các loại hộp… để kiếm thêm từng xu…

Cuộc sống của gia đình tôi chỉ thay đổi vào năm 1956, khi cậu tôi khi ấy là sỹ quan, giáo viên khoa Hóa học thuộc Trường Sỹ quan lục quân Việt Nam (SQLQVN) vừa từ Trung Quốc về xin cho mẹ tôi và cả nhà lên sống và làm việc tại Trường SQLQVN ở Sơn Tây. Đó là bước ngoặt định mệnh để cuộc đời tôi gắn liền với bóng đá. Hơn thế, cái tên Thể Công đã bắt đầu khai phóng đời tôi.

(Còn tiếp)


VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm