HLV Đặng Trần Chỉnh: Người muôn năm cũ! - Kỳ 1: Tuổi thơ “ngậm thìa vàng” và những biến cố buồn

15/06/2022 12:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Không biết bao nhiêu sản phẩm báo chí đã viết về HLV Đặng Trần Chỉnh. Dưới góc nhìn lãng mạn của nhà văn nữ, chúng ta sẽ thấy một Đặng Trần Chỉnh hiện lên đa chiều và thú vị hơn. Thể thao & Văn hóa mời bạn đọc tiếp cận với HLV nổi tiếng với câu nói: “Ghế HLV Việt Nam 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân”.

HLV Đặng Trần Chỉnh: 'U23 Việt Nam còn nguyên khả năng vô địch'

HLV Đặng Trần Chỉnh: 'U23 Việt Nam còn nguyên khả năng vô địch'

Trên hành trình vào bán kết năm nay, thầy trò HLV Park Hang Seo đã gặp phải hai khó khăn, trận hòa Philippines và trận thắng U23 Myanmar 1-0. HLV Đặng Trần Chỉnh cho rằng đấy cũng là điều dễ hiểu, cần chia sẻ.

1. Đặng Trần Chỉnh ở tuổi U60 có vóc dáng bệ vệ vì mỗi bước đi của ông dường như chậm hơn, chở nặng những suy tư mà dòng đời thì như gió cuốn. Ông có nụ cười hiền khô như ánh nắng ghé chơi khu vườn sau những ngày mùa Đông lạnh cóng. Nụ cười ấy khiến người đối diện ấm lòng, dễ chịu.

Chỉnh quê gốc ở làng Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh. Ông là con trai thứ 5 trong một gia đình có 9 anh chị em (5 trai, 4 gái), lại là con của một sĩ quan cao cấp trong chế độ cũ. 12 năm đầu đời trong ký ức Đặng Trần Chỉnh là tuổi thơ “lên xe xuống ngựa”. Cậu bé Chỉnh xinh xắn đáng yêu tính tình nhút nhát như con gái nên mẹ cho mặc đầm thay vì đồ con trai.

Khi cùng bố mẹ di cư vào Nam năm 1954, gia đình ông sống ở Nha Trang. Một gia đình 9 người con có đến 2 người giúp việc.

Đặng Trần Chỉnh mỉm cười bảo: “Người ta đẻ 2 đứa con mà đã vất vả chuyện nuôi nấng, mẹ tôi đẻ 9 đứa con mà bà chăm sóc đàn con thôi cũng hết ngày. Công lao nuôi dưỡng của mẹ tôi không có từ nào diễn tả hết .Vì thế sau này tôi luôn mong mình lớn thật nhanh để có thể lo cho mẹ đỡ gánh nặng và cũng là đền đáp công ơn của mẹ đã nuôi nấng tất cả anh em chúng tôi”.

Tuổi thơ của ông và các anh em trong nhà là được sống trong sự no đủ, có lái xe đưa rước 9 anh em nhà ông đi học, đi chơi mỗi ngày. Hồi nhỏ ông học ở trường Tiểu học Sơn Ca tại Nha Trang.

Khi còn bé ông hiền lành, ít nói và nhút nhát đến mức mẹ mặc đầm cho suốt thời thơ ấu vì sự nhu mỳ như 1 đứa con gái. Cái sự lành của ông khiến một người bạn của bố mẹ đến chơi đã khuyên: “Cho bé Chỉnh vô chùa đi tu, chứ hiền lành thế này ra ngoài đời sao chịu nổi sóng to gió lớn?”.

Hồi đó mới 8,9 tuổi, nghe nói đến việc vô chùa ở, ông sợ hãi ôm mặt khóc. Cuộc đời ông gần gũi mẹ nhất vì bố là sĩ quan. Mẹ tần tảo đẻ và nuôi đàn con cùng hai cô giúp việc. Nhà đông con quá, mẹ ông cũng không có thời gian để quan tâm săn sóc từng đứa con, bà chỉ dặn dò đàn con là sống lễ phép với người lớn, coi trọng việc học hành, đi đâu cũng phải thưa trình chứ không được tự tiện.

Chín anh em nhà ông thương yêu nhau và sống rất đoàn kết. Ngôi nhà cấp 4 rộng hàng mấy trăm m2 ở Nha Trang 12 năm đầu đời còn sống mãi trong ký ức ông những năm tháng sau này khi ông đã rời xa nó. Bởi đó là khoảng thời gian mái ấm gia đình của ông đông đủ, không thiếu vắng một ai.

Sau này, khi sống lưu lạc giữa dòng đời, ông mới hiểu có một mái ấm gia đình đủ đầy thành viên, có một mái nhà che mưa che nắng thật bình yên xiết bao, nơi ấy không bão giông nào có thể gặm nhấm.

Chú thích ảnh
Đặng Trần Chỉnh (dấu x) cùng 8 anh chị em. Ảnh: NVCC

2. Bố mẹ là người gốc Bắc nên sống rất gia giáo và nghiêm khắc. Cứ tới giờ cơm, không cần gõ kẻng, bố mẹ ngồi vào bàn ăn, cô giúp việc chỉ cần nói: “Tới giờ ăn cơm rồi các cháu!” là đàn con của bố mẹ lần lượt ra bàn ăn và ai ngồi đâu thì phải ngồi đúng vị trí đó. Ông và các anh chị em trong nhà luôn nằm lòng câu nói “ Ăn trông nồi - ngồi trông hướng”.

Thời của ông ai cũng ước mơ làm phi công, sĩ quan, cảnh sát. Vì thế Đặng Trần Chỉnh trở thành VĐV bóng đá cũng vì bước ngoặt lớn lao của lịch sử do gia đình ông đứng ở bên kia chiến tuyến.

Ngày 20/3/1974, khi nhận tin quân giải phóng tiến vào đến Đà Nẵng, gia đình ông cùng hàng ngàn gia đình sĩ quan được đưa xuống phà ra biển có một con tàu chờ sẵn để di tản vào Sài Gòn.

Những ngày lênh đênh trên tàu, nhìn qua cánh cửa thấy cảnh loạn lạc của chiến tranh. Cậu bé Chỉnh đâu biết rằng từ giây phút ấy, cuộc đời ông cũng sang trang theo câu chuyện lịch sử. Ông bắt đầu cuộc đời đi “ở nhờ” nhà người quen, mẹ và mấy anh chị em nhà ông được gửi đi ở nhờ những gia đình bạn bè của bố suốt mấy năm trời.

Đặng Trần Chỉnh từ cậu bé được sống trong cảnh lên xe, xuống ngựa trong dinh cơ rộng hàng trăm m2 có xe ô tô đưa rước, ông bắt đầu làm quen với cảnh “sống tạm” trong căn nhà 30m2 mà 20 người sống vật vờ ở đó. Đến tháng thứ 7 thì mẹ xin cho ông “ở nhờ” trong gia đình một người họ hàng rộng hơn nhiều lần.

Đến giờ ông vẫn không quên việc lau căn nhà 200m2 ba tầng lầu mỗi ngày thật mỏi mệt với cậu bé 12 tuổi chưa từng quen với lao động chân tay. Sau khi lau nhà xong ông được giao cho một thúng 5kg gạo để mỗi ngày đều đặn nhặt sạn, thóc, bông lúa. Cứ cần mẫn làm việc như vậy, không đếm thời gian. Với Đặng Trần Chỉnh khi ấy, niềm vui thật sự rất mông lung!

Chưa kể, ông cũng phải thích nghi với việc nấu ăn. Ông ở cùng bà cô rất khó tính vì thế thức ăn nêm nếm mặn nhạt cũng bị la. Ông kể: “Bị la mắng không đáng sợ bằng cảm giác trống trải, cô đơn những ngày bà cô đi vắng. Trời mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm … cậu bé 12 tuổi nhớ mẹ, nhớ anh em và thèm khát một mái ấm gia đình đến mức chỉ còn biết ôm mặt khóc”.

Chú thích ảnh
Ngoài cùng (bìa trái) cùng CLB Cảng Sài Gòn hào hùng một thuở. Ảnh: NVCC

Những ngày “ở nhờ” ấy, cậu thiếu niên Đặng Trần Chỉnh luôn nghĩ về mẹ và ước sao có thể kiếm ra tiền để đỡ đần cho mẹ và phụ giúp lo cho các em.

Có lần ông gặp mẹ, ông tâm sự thật xót xa: “Mẹ ơi, con muốn về sống với mẹ. Dù đói khổ cỡ nào con cũng chỉ muốn được ở bên mẹ thôi!”. Nhưng vì hoàn cảnh chưa thể đoàn tụ, mẹ ông vẫn động viên con chịu khó “ở nhờ” cho qua ngày rồi mẹ sẽ cố gắng để có 1 mái nhà riêng cho gia đình mình.

***

Chính ở nơi mà ông sống những tháng ngày gia đình ly tán đó, ông thấy nhóm trẻ con trong cư xá chơi đá banh bằng quả banh nhựa. Ông tham gia chơi cùng và ông nhận ra mình có năng khiếu bóng đá. Lúc ấy, trên đài phát thanh hay tường thuật các trận bóng đá của trong nước và các tường thuật viên thường hay nhắc đến tên những cầu thủ bóng đá nổi tiếng: Lê Thụy Hải, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Cao Cường, Thế Anh…( phía Bắc); Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Đình Thăng, Tư Lê, Dương Văn Thà, Hồ Thanh Cang (phía Nam ).

Cậu thiếu niên Đặng Trần Chỉnh cũng mơ ước một ngày nào đó cái tên của mình cũng xướng lên như các anh với suy nghĩ của mình để có sự danh tiếng như các anh không hề đơn giản. Khi ấy ông luôn động viên bản thân mình phải lao động chăm chỉ, kỷ luật bản thân, bằng mọi giá phải đạt được ước mơ hoài bão của mình. Có như thế mới có thể thay đổi cuộc sống của mình.

Năm 1979 bố mất, năm 1982 gia đình của cậu thiếu niên Đặng Trần Chỉnh mới có căn nhà đầu tiên do người bà con mà mẹ và các anh chị em ông ở nhờ tặng lại khi họ ra nước ngoài sinh sống. Và cuộc đời gia đình Đặng Trần Chỉnh cuối cùng cũng có căn nhà che mưa che nắng sau 7 năm tha hương.

Đặng Trần Chỉnh hăng hái đi làm các việc không quản ngại vì mong muốn đỡ đần cho mẹ. Ông đi làm công nhân tổ hợp mì sợi kiếm tiền. 12 tuổi nhưng cậu bé Đặng Trần Chỉnh đã trưởng thành trong suy nghĩ sau biến cố gia đình ly tán, phải lao động chăm chỉ để tồn tại, chờ đợi ngày mai tươi sáng hơn!

Đón đọc Kỳ II: Bước vào “ngôi đền thiêng” bóng đá

Đặng Trần Chỉnh là cầu thủ nổi bật của CLB bóng đá Cảng Sài Gòn, và được xem là người có đóng góp lớn đối với bóng đá TP.HCM trong suốt hơn 20 năm. Tên tuối ông gắn liền với đội Cảng Sài Gòn những năm 80 và 90 của thế kỉ 20, cùng thời với ông còn có Trương Văn Dưỡng, Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn... Ông cũng là một trong những nhân tố nổi bật của đội tuyển Việt Nam những năm 90.

Nhà văn Lý Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm