Nghệ sĩ xiếc Tuấn Lê: Tác phẩm tiềm năng chưa được xem là món hàng đầu tư

06/07/2014 08:20 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sau hàng trăm suất diễn bán vé ở trời Tây, vở xiếc Làng tôi vẫn long đong trên đường đến với khán giả Việt Nam. Và trong thời gian ấy, À ố show được đầu tư tiền tỷ với mục tiêu hòa vốn sau… 5 năm. Nhiều chuyện thú vị được nghệ sĩ Tuấn Lê (một trong 2 thành viên sáng tạo của 2 vở xiếc) chia sẻ  xung quanh việc đầu tư văn hóa từ “bài học” Làng tôi À ố show.

* Trong gần 2 thập niên qua, K-pop là ngọn cờ văn hóa xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc. Và song song đó, K-pop đi đến đâu thì hàng hóa theo đến đó. Sống ở nước ngoài nhiều năm anh có lẽ cũng đã thấy điều này. Và bây giờ nhìn vào việc xuất khẩu văn hóa của Việt Nam, anh có suy nghĩ gì không?

- Thật ra tôi có suy nghĩ nhưng không theo hướng đó. Mô hình Hàn Quốc theo tôi nó gần giống với hệ thống xuất khẩu văn hóa kiểu Mỹ. Sản phẩm văn hóa đi trước và bán kèm thêm hàng trăm ngàn thứ đi sau. Còn Việt Nam tôi nghĩ chúng ta có cái xuất khẩu được, có thể đầu tư văn hóa được nhưng làm chưa tới đâu. Mà một khi chưa tới được, chưa có sản phẩm đính kèm để chứng minh thì hãy cứ tạm đừng so sánh.

* Đúng là chưa nên so sánh nhưng chúng ta đang nói hướng đi. Hàn Quốc đã dùng K-pop làm nhịp cầu đầu tư gần 2 thập niên, không lẽ chúng ta không có gì mới hơn nón lá, câu hò vọng cổ… khi ra nước ngoài?

- Thứ nhất là phải có thị trường để ta khai thác. Mà muốn có thị trường thì ta phải có tác phẩm mà muốn có tác phẩm thì anh phải đầu tư. Đến đây câu hỏi sẽ là, ai đầu tư và đầu tư như thế nào? Mà nhiều khi chúng ta có tác phẩm thì đã chắc gì đảm bảo chúng ta biết khai thác và biết tận dụng đúng thị trường của nó? Muốn có điều đó thì phải nghiên cứu. Cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn đang được lặp đi lặp lại.


* Vậy lấy ngay vở Làng tôi của các anh đi, rõ ràng các anh đã thắng ngay trên sân khách còn gì?

- Với tôi thị trường Việt Nam hay châu Âu thì cũng như nhau cả thôi. Quan trọng là ngôn ngữ văn hóa được thể hiện. Nhưng cách làm thì khác nhau đấy. Làng tôi không phải là một vở để đi giao lưu văn hóa mà là một chương trình có đầu tư rất nhiều và nhà đầu tư là người Pháp. Tôi gọi đó là đầu tư văn hóa. Họ đầu tư rất nhiều cho vở diễn, từ khi ý tưởng hình thành cho đến khi sản phẩm ra đời và công diễn gần 300 buổi có bán vé. Làng tôi khác với cách làm hiện nay ở Việt Nam là nó cần phải được diễn dài lâu và phải bán được vé. Đối với Làng tôi, người Pháp khi nhìn ra tiềm năng của nó là sẵn sàng đầu tư ngay. Và họ thành công. Trong khi ở Việt Nam, một tác phẩm có tiềm năng vẫn chưa được xem là một món hàng đầu tư đích đáng.

* Vậy còn À Ố Show hiện nay ở Việt Nam?

- Đúng, đó là dự án của người Việt, của tư nhân và chúng tôi cũng gọi đó là đầu tư văn hóa bởi chính chúng tôi đầu tư. Bởi cũng xuất phát từ tiềm năng mà chúng tôi nhìn thấy từ thị trường du lịch.

* Nói về du lịch thì ta cũng khai thác văn hóa nhiều đấy chứ?

- Chúng ta đang khai thác cái đang có sẵn, đó không phải là đầu tư. Đầu tư liên quan đến người bỏ tiền, tầm nhìn và cái mà họ muốn giới thiệu. Nhưng dù muốn giới thiệu bất cứ điều gì về văn hóa thì tôi nghĩ cũng phải có sáng tạo. Sáng tạo là điều quan trọng cho đầu tư văn hóa. Nhiều người không hiểu rõ sự sáng tạo là gì cho nên họ vẫn lấy những hình ảnh cái cũ, những cái mà ai cũng biết, nào là Việt Nam là phải như thế này, phải có đờn ca tài tử, phải có áo bà ba... Sẽ là rất khó cho một đất nước sau nhiều năm đóng cửa nhưng khi mở ra thì chỉ có qua loa nhiều thứ. Thực chất chúng ta có rất nhiều thứ để đầu tư nhưng phải có người đi sâu và sáng tạo. Tôi vẫn thấy rằng, Việt Nam là một thị trường tương đối mới và nếu như ai thấy được tiềm năng đó thì rất nên đầu tư văn hóa..

* À Ố Show có đến 80% lượng khách là người nước ngoài. 20% người bản địa còn lại nói được điều gì?

- Mục tiêu của À Ố Show không đơn giản chỉ là một chương trình mà là một điểm đến. Chúng tôi khai thác lượng khách nước ngoài, khách du lịch. Người Việt  đến đây đa phần do tò mò và thật sự là chưa lan tỏa lắm. Nhưng về lâu dài tôi tin người Việt sẽ đến đây nhiều hơn.

* “Về lâu dài”, điều này có nghĩa là bao lâu, theo dự tính của anh?

- Chúng tôi đặt mục tiêu À Ố Show sẽ lấy lại vốn trong 5 năm và mô hình xiếc mới sẽ đứng vững chắc ở đây trong thời gian sớm nhất là 10 năm.

* Có nghĩa xét về mức độ đầu tư kinh phí, đây sẽ là một con số khổng lồ?

- Cũng không đến mức ấy đâu. Bài toán thì đơn giản lắm. Mỗi một nghệ sĩ múa bên tôi nhận lương từ 16 đến 20 triệu đồng mỗi tháng. Có nghĩa một tháng tính tất cả, từ lương nghệ sĩ cho đến nhân viên, 80 người, thêm địa điểm, chi phí này nọ… thì chúng tôi sẽ phải lo một khoản phí vào tầm 2 tỷ. Số tiền này nhân lên cho 5 năm là một con số rất lớn. Nhưng hiện tại bọn tôi đã có thể tự cân đối chỉ bằng nguồn thu từ vé. Vốn ban đầu của chúng tôi là 20 tỷ cho 2 năm. Vì thế đối với chúng tôi doanh thu từ vé là mục tiêu sống còn. Muốn sống thì phải tự tin vào nội dung hấp dẫn. Mà muốn đo lường được sự hấp dẫn thì chúng tôi đã nghiên cứu rồi. Trước mắt là người nước ngoài và theo thời gian sẽ lấn dần vào bản địa. Và hiện chúng tôi đang tự xoay xở được có nghĩa đứng được. Nói thế để thấy, văn hóa, đặc biệt là những tiết mục đặc thù của xiếc, bọn tôi không thể nào “ăn” trong vòng vài đêm mà là cả một quãng đường. Chúng tôi lên ý tưởng, hình thành, xây dựng, phân phối suốt nhiều năm. Tôi nghĩ đầu tư văn hóa đồng nghĩa với kinh doanh văn hóa. Phải có lợi nhuận, không bán được vé thì bạn cần phải xem lại mình. Đó là lý do mà tôi không xếp những vở diễn của mình vào dạng giao lưu văn hóa.

* Mô hình này đúng là chưa thấy ở Việt Nam. Tôi chưa hình dung 5 năm sau các anh sẽ như thế nào vì có thông tin từ Đà Nẵng rằng, một tháng một người dân chi 61.000 đồng cho nhu cầu văn hóa. Rõ ràng điều này khó mà lạc quan được.

- Có những chuyện chính mắt tôi chứng kiến là người Việt có thể bỏ cả chục triệu cho một bữa ăn tối nhưng khá thờ ơ với việc bỏ tiền đi xem nghệ thuật. Nhưng cũng người Việt lại là người bỏ tiền mua vé ở chỗ ngồi đắt nhất để đi xem À Ố show chứ không phải khách nước ngoài. Tôi chưa lý giải được về vấn đề này, có thể nó liên quan tới tỷ lệ giàu nghèo và cũng có thể nó chỉ xảy ra ở một vài trường hợp nào đấy nhưng những trường hợp ấy lại không phải là nhân tố chính để thúc đẩy sự phát triển trong việc thưởng thức văn hóa. Quan trọng vẫn là số đông và số đông thì vẫn đang thờ ơ.

Con số ở Đà Nẵng như bạn đưa ra đúng là quá thấp, tôi cũng hiểu đó chỉ là con số bình quân và tôi cũng rất muốn biết số tiền bình quân chi cho vấn đề ăn nhậu là bao nhiêu. Tôi sẽ không bàn chuyện đó. Tất nhiên, với 61.000 đồng bạn vẫn có thể thưởng thức văn hóa nhưng sẽ không cao. Nhưng vẫn có cách nào đó, tôi tin vậy. Như ở Pháp hay Đức, luôn có một hệ thống bán vé theo mùa, theo rạp. Có nghĩa là bạn chỉ cần bỏ ra 100 đến 200 euro là bạn có thể xem tất cả những chương trình diễn ra tại một rạp hát trong một năm trời, bất kể lớn hay nhỏ. Điều đó có nghĩa bạn sẽ được lợi rất nhiều. Về mặt lợi ích cá nhân, bạn có lợi về giá vé khi bình quân là 15 euro. Về mặt văn hóa điều đó càng có lợi. Về mặt kinh doanh, những nhà đầu tư văn hóa sẽ dễ dàng nâng cấp, thay đổi tiết mục để phục vụ bạn. Cả một guồng máy được bôi trơn. Vậy là tốt chứ sao. Tôi tin ở Đà Nẵng, nếu mỗi tháng một người dân bỏ ra 61.000 đồng, vị chi một năm mỗi người bỏ ra 800.000 đồng, khoản ấy có thể mua vé năm của Nhà hát Trưng Vương, thì tôi tin tình hình sẽ thay đổi phần nào.

* Cứ gọi sự xuất hiện của Làng tôi hay À Ố Show là một sự đầu tư văn hóa của anh tại Việt Nam. Nhưng anh chắc cũng phải hiểu ở thời điểm này nó sẽ mang nhiều tính phiêu lưu và rủi ro cao chứ?

- Tôi về Việt Nam vì những mục tiêu tại nước ngoài đã xong rồi và vì tại đây có rất nhiều tiềm năng với những chất liệu bản địa mà chưa ai khai thác hết. Vậy thôi. Làng tôi và À Ố Show đều là một tầm nhìn mà chúng tôi có thể khai thác. Trước đây, thị trường xiếc mới tại Việt Nam hoàn toàn trống vắng, giờ thì chúng tôi đã xây dựng được thị trường cho khách du lịch và chúng tôi tiến tới xây dựng thêm những tiết mục mới dựa trên bản sắc này. Tôi không nghĩ mình phiêu lưu.

* Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, múa rối nước. Nhiều thập niên qua, nó vẫn sống bằng hào quang cũ và cũng chẳng có gì mới. Một ngày nào đó, các anh cũng sẽ như vậy?

- Chuyện đó chắc chắn sẽ không có. Thật ra cách mà chúng tôi làm không phải là mang tính giới thiệu “À, văn hóa Việt nó là như vậy đấy, câu chuyện là như thế đấy”. Chúng tôi muốn khán giả tự mình hiểu và khám phá. Múa rối nước, ở tầng nghĩa nào đó, cách đang làm cũng chỉ là mang tính giới thiệu mà thôi. Chúng tôi hy vọng cùng với nhiều người làm mới lại được nó. Cụ thể hơn, chúng tôi đang lên ý tưởng cho chương trình mới mang tên, Làng nước. Ở đó, chúng tôi làm mới sân khấu thủy đình, trong đó có cả múa rối nước. Mới tới đâu thì phải xong mới nói được. Nhưng tôi tin là sẽ thú vị.

* Bên anh có hay nhận được lời mời của phía Nhà nước hay các tổng công ty, những nơi thường có những hoạt động giao lưu văn hóa?

- Chưa, tôi chưa bao giờ nhận được.

Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm