Bài 1: Làm sách "nội" nhà sách không sống nổi!

25/01/2010 08:51 GMT+7 | Đọc - Xem

Tổ chức chuyên đề : TRẦN HOÀNG NHÂN


HÀNG NGOẠI LÃI HƠN HÀNG NỘI

Không thể phủ nhận vai trò của các đơn vị làm sách tư nhân trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập công ước Berne (26/10/2004) và Luật xuất bản mới có hiệu lực (1/7/2005). Chính các công ty sách tư nhân đã góp phần quan trọng làm sôi động thị trường sách, chính họ là những người đi tiên phong và đầu tư nhiều nhất mua bản quyền nước ngoài để dịch và xuất bản sách ở Việt Nam. Cũng chính họ là những người mạnh dạn nhất trong việc xuất bản các tác phẩm của các tác giả trẻ còn ít tên tuổi, “thương hiệu” chưa đủ độ tin cậy để các nhà xuất bản bỏ tiền ra in sách, góp phần đưa nhiều tác giả vô danh thành những nhà văn được đông đảo độc giả biết đến và tìm đọc.

Tuy nhiên phải nói thẳng là không có nhiều tác giả Việt Nam (trong phạm vi bài này tôi nhấn mạnh  đến các tác giả trẻ) có thể làm giàu cho các công ty sách. Lý do đơn giản là nguồn tác phẩm văn học nước ngoài có rất nhiều để lựa chọn, nếu đã tìm được tác phẩm tốt thì sẽ in được rất nhiều lần, mà chi phí mua bản quyền và dịch đã nằm hết ở lần in đầu tiên, những lần in sau hầu như chỉ mất tiền in và một chút tiền quản lý phí cho các nhà xuất bản, giá thành cuốn sách ở những lần in sau giảm đi rất nhiều trong khi giá bán không đổi, lợi nhuận của các công ty sách ở những lần in sau đương nhiên sẽ cao hơn. Nhưng với tác phẩm của các tác giả trong nước, trừ một số ít cuốn "hot", hầu như cuốn nào cũng chỉ in được 1-2 lần, in lần nào phải trả nhuận bút cho tác giả lần đó, giá thành sản xuất giữa các lần in là như nhau, do vậy lợi nhuận của người làm sách ở những lần in sau cũng chỉ như lần in đầu, tức là rất thấp.


Sách học tiếng Anh thường bị in lậu rất nhiều
Mặt khác, có thể do năng lượng và kỹ thuật viết của nhiều tác giả trẻ còn hạn chế, các tác phẩm của họ thường không dày. Một cuốn sách "hot", tiếng là in được dăm bảy nghìn bản nhưng doanh thu có khi chưa bằng một cuốn sách dịch chỉ in một hai nghìn bản, do vậy lợi nhuận của nhà sản xuất không đáng là bao. Mà những cuốn sách trong nước được như vậy cũng rất hiếm. Bách Việt đã in rất nhiều sách của các tác giả trong nước nên tôi biết, nhiều nhà văn in sách ra một hai nghìn bản, báo chí lăng xê rùm beng, bạn bè, người quen và “fan” đi mua rầm rộ, bán hết loạt in đó chẳng còn ai mua nữa vì cuốn sách không có chiều sâu, không có tầm tư tưởng, cách viết - dù cố gắng cũng không “câu khách” nên đời sống cuốn sách không thể tồn tại lâu dài, không tạo được hiệu ứng lan truyền để người này mua đọc thấy hay nói cho người khác đi mua tiếp.

Một năm Bách Việt xuất bản khoảng 100 đầu sách nhưng chỉ có trên dưới 20 đầu sách là văn học Việt Nam mặc dù bản thảo gửi về hàng vài trăm tập. Công ty “sống” được chủ yếu là nhờ vào các tác phẩm văn học nước ngoài, không ít cuốn sách chúng tôi in được trên dưới một vạn bản. Mảng văn học trong nước, mặc dù Bách Việt có tiếng là xuất bản nhiều, “đỡ đầu” cho nhiều tác giả trẻ, gây dựng nên một số “ngôi sao” hiện nay trên văn đàn, nhưng nói thật, cũng “làm cho vui” là chính thôi, không đủ tiền trả lương nhân viên và thuê văn phòng!
 

Sách giảm giá
Làm sách của tác giả trong nước, doanh thu, lợi nhuận đã không đáng là bao, lại còn hay gặp nhiều chuyện mệt mỏi. Có tác giả đọc hợp đồng nhưng không hiểu hết các điều khoản, cứ nghĩ nhà sản xuất “ăn quịt” nên còn dọa mời luật sư đến làm việc và kiện ra tòa, chúng tôi vừa bực vừa… buồn cười.

Chưa phải đã hết, may mắn tìm được cuốn sách bán chạy (không nhiều) còn đỡ, rất nhiều cuốn in ra ế chỏng chơ, bị các nhà sách trả về, tác giả đi nhà sách không thấy lại phàn nàn với công ty là sách bán “cháy hàng” mà không chịu đưa đi bán. Thực tế thì chúng tôi tuần nào cũng đi thăm các nhà sách, thấy sách của các nhà văn đó nằm khuất dưới ngăn cuối cùng sát mặt đất, hoặc đã được trả về nằm trong kho của công ty.

Khổ nhất là “công đoạn” đi bán sách ế. Sách được giảm giá đến 60-70%, thậm chí 80-90% - tức là gần như cho không mà cũng không có người mua. Nhân viên phát hành của công ty phải đi năn nỉ bán từng cuốn một, có đầu sách ế vài trăm cuốn, bán mấy năm không hết. Trong kho của chúng tôi hiện có những cuốn xuất bản từ đầu năm 2007, mang tặng cũng bị mang tiếng là tặng những cuốn sách chẳng ra gì nên giờ vẫn nằm xếp đống trong kho. Nhiều tác giả không biết được rằng nếu sách của họ mà "hot", thì sao khi đi nhà sách họ lại có thể thấy sách của mình đã in từ 5 - 6 năm trước ở các NXB khác vẫn còn nằm trên giá?

ĐƯỢC IN LẬU LẠI... MỪNG?

Những kẻ chụp giật, "hớt tay trên" ngày càng có nhiều mánh khóe nhanh nhạy và liên tục "phát tài"; còn những người làm sách chân chính, lao tâm khổ tứ thì bị thiệt hại rất nhiều. Bi kịch dai dẳng này đã ám ảnh ngành xuất bản từ rất lâu nay.

Với thực trạng thờ ơ của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, chẳng có cách gì hạn chế nổi sách lậu. Chỉ cần “đánh hơi” thấy cuốn nào bán chạy trên thị trường là ngay lập tức, các bản sao chụp y chang nguyên gốc tác phẩm đã được sản xuất cấp tốc rồi ào ạt tuôn ra thị trường.

Mỗi năm Bách Việt xuất bản khoảng 70-80 cuốn sách dịch, hầu hết là sách văn học. Bán chạy nhất là các cuốn sách của tác giả Tào Đình, cuốn Bên nhau trọn đời của Cố Mạn, Anh có thích nước Mỹ không của Tân Di Ổ, Cô đơn vào đời của Dịch Phấn Hàn (Trung Quốc), 11 phút của Paulo Coelho (Brazil)…

Trong số trên dưới 20 đầu sách văn học trong nước, hầu hết là của các tác giả trẻ. Hot nhất là cuốn Phải lấy người như anh của Trần Thu Trang, trong vòng 3 năm Bách Việt đã in và trả nhuận bút cho Trần Thu Trang gần 1 vạn bản (kể cả lần tái bản thứ… n hiện đang in gần xong), nếu cuốn này không bị in lậu chắc chắn con số phải nhiều gấp ít nhất hai lần. Cuốn Giày đỏ của Dương Bình Nguyên in 5 lần, với 7.500 bản và Khi nào anh thuộc về em của Cấn Vân Khánh cũng đã in đến 4 lần với 6.000 bản trong vòng 2 năm.

Đa phần sách lậu nhìn thấy ngay khác so với sách thật, nhưng cũng có những cuốn lậu rất kỳ công. So với sách thật, hai cuốn trong bộ sách trinh thám mới nhất của Bách Việt hiện nay là Kẻ tầm xươngVũ điệu của thần chết có ruột và bìa y hệt nhau, về màu sắc, đường nét, hình ảnh… chỉ khi cầm trên tay, gáy sách thật chắc chắn, vuông thành sắc cạnh  hơn, gáy sách lậu lỏng lẻo và độ dày mỏng kém hơn đôi chút. Còn bìa vẫn có logo BachvietBooks, mã vạch đầy đủ.

Một khi đầu nậu đã “đánh hơi” được nhu cầu người đọc đang tăng với một cuốn sách nọ, thì những máy in với công suất cực lớn sẽ hoạt động cả đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng các sản phẩm đang thuộc dạng best-seller với giá thấp hơn hẳn giá của nhà sản xuất đưa ra. Đầu nậu chỉ tốn tiền mực, giấy và công in; nếu mẻ hàng bị tịch thu họ cũng chỉ bị mất những chi phí đó. Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút, không công biên tập, chế bản... - "Một vốn… mười bốn lời", lợi nhuận quá lớn của in lậu đủ sức kéo một số cá nhân của các ngành liên quan tới lĩnh vực xuất bản “bảo kê”, thậm chí hùn vốn vào làm ăn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó rồi hưởng lời.

Nhiều nhà xuất bản, công ty sách chống in lậu bằng cách đổi bìa liên tục, thậm chí dùng loại bìa đặc chủng; nhưng với thị trường bát nháo và công nghệ hiện đại ngày nay, chỉ non tháng sau là toàn bộ công nghệ ấy đã thành ra lỗi thời đối với giới lậu sách.

Nhìn chung, càng ngày kỹ thuật làm sách của giới in lậu càng cao đến nỗi chất lượng bản sách lậu chỉ kém một chút so với sách thật. Và nó lại được bán ra với giá thành thấp hơn sách thật ít nhất là 15% và nhiều nhất có thể lên tới 55%. Chính sự chấp nhận của độc giả càng khiến in lậu có được cái thế vững chắc hơn.

Bách Việt đã từng phải hạ giá sách thật chỉ bằng ¼ giá bìa, chỉ bằng với giá sách lậu, nhưng đó cũng chỉ là biện pháp mang tính thời điểm, bởi nghĩ rằng “Tôi dám chạy đua giảm giá với sách lậu vì khi tôi chấp nhận làm sách hòa vốn có nghĩa là người làm lậu sẽ bị lỗ vốn: in lậu chi phí phải cao hơn in chính thống vì thường in ban đêm, ngoài kế hoạch chính thức lại còn hàng trăm khoản “đi đêm” phải chi. Cùng một giá thành, các nhà phân phối sẽ thích lấy sách của tôi hơn, vì bản in đẹp hơn, tâm lý người bán cũng thoải mái hơn”. Nhưng không phải công ty sách nào cũng dám áp dụng biện pháp này lâu dài, chúng tôi còn nhiều vấn đề phải lo lắng (bản thảo tốt, bản dịch hay, sách in đẹp…) và, tâm lý của nhiều nhà văn vẫn là “Được in lậu là mừng (vì sách bán chạy mới được làm “lậu”) nên biết đâu, đó vẫn là một cách tiếp tay gián tiếp cho việc làm sách lậu này còn tồn tại lâu dài???

Lê Thanh Huy (Giám đốc Công ty sách Bách Việt - Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm