17/11/2020 07:35 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngoài sự nghiệp viết văn, Kim Lân còn đóng những vai diễn ấn tượng cho nền điện ảnh nước nhà. Nhưng ít ai biết ông còn là một diễn viên sân khấu.
Là một người bạn của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái nhà văn Kim Lân, đã nhiều lần tôi được chị tâm sự về cha, về cơ duyên cha chị là “tài tử tay ngang” mà chuyên nghiệp hơn cả chuyên nghiệp. Chị lý giải: “Sở dĩ thầy tôi vào phim đạt như vậy là bởi từ khi còn thanh niên, thầy đã là “cây” văn nghệ của làng, từ vẽ tranh, nặn tượng, cho đến lập nhóm diễn kịch…”.
Từ kịch thơ “Kiều Loan”…
Năm 1941, phong trào kịch nói, kịch thơ ở Hà Nội với những cây bút danh tiếng như: Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Công Khanh… đã lan tỏa sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Từ đó, không khí văn chương nghệ thuật đã tác động đến Kim Lân và làng quê của ông. Ông đã được truyền cảm hứng nghệ thuật từ quê hương, gia đình và những người bạn. Ngày đó, Phù Lưu là một địa chỉ thuận tiện để các văn nghệ sĩ đi về. Những thành viên Hội Văn hóa cứu quốc cũng thường xuyên qua lại đây gây dựng phong trào. Những hoạt động văn nghệ cứ thấm dần và tác động đến ông sâu sắc.
Đầu những năm 40 của thế kỷ 20, sau vở diễn Bóng giai nhân (kịch thơ: Yến Lan - Nguyễn Bính, Chu Ngọc: dàn dựng, Vũ Trọng Can: tổ chức biểu diễn, diễn viên: Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương và Trần Huyền Trân) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) gây tiếng vang, Kim Lân cùng Hoàng Cầm đã mời đoàn kịch về biểu diễn ở đình làng Phù Lưu cho người làng Chợ Giầu xem.
Ý tưởng thành lập Ban kịch Đông Phương được ủng hộ, Kim Lân hồ hởi tham gia Ban kịch cùng các văn nghệ sĩ Kinh Bắc là Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh, Trần Hoạt, vợ chồng nhạc sĩ Văn Chung, Tuyết Khanh, Trúc Lâm… Ban kịch lên kế hoạch dàn dựng vở kịch thơ Kiều Loan (Hoàng Cầm). Các nghệ sĩ cùng nhau tập diễn kịch. Tuyết Khanh vai Kiều Loan, Hoàng Cầm vai Hiệu Úy, Kim Lân đảm nhận vai ông già…
Kiều Loan có sức ảnh hưởng trong giới văn nghệ thời ấy khá lớn. Nhưng vở kịch thơ có số phận khá lận đận. Giữa năm 1943, Hoàng Cầm đã định đưa Kiều Loan lên sân khấu thị xã Bắc Giang nhưng kịch bản đã bị Công sứ Pháp ở đây là Luciani gạch bỏ. Cuối năm 1943, Ban kịch Hà Nội của Chu Ngọc cũng định dựng diễn Kiều Loan giữa Hà Nội, nhưng ý định không thành vì kịch bản lại bị Phủ Thống sứ Bắc Kỳ bác khi kiểm duyệt. Phải đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, khi Hoàng Cầm đưa Kiều Loan đến Hội Văn hóa cứu quốc và đã được các văn nghệ sĩ: Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng khuyến khích dàn dựng.
Sau Cách mạng tháng Tám vở Kiều Loan đã nhận được sự giúp đỡ của giới văn nghệ Thủ đô và Hội Văn hóa cứu quốc. Vào Chủ nhật cuối tháng 11/1946, vở Kiều Loan ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội hơn 4 tiếng đồng hồ đã chinh phục khán giả Thủ đô. Kim Lân thể hiện quá xuất sắc vai một nhà Nho yêu nước, mang nỗi uất hận giằng xé trước nỗi đau thời thế.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể: “Lúc diễn, thầy tôi tự sáng chế ra kiểu đi lùi từ cánh gà ra sân khấu làm ai cũng bất ngờ. Thầy lảo đảo đi ra, quay lưng lại khán giả, chưa nói một lời nào, nhưng chắc nhìn dáng điệu lẻo khẻo và cử chỉ bất cần của ông khiến người xem vỗ tay không ngớt. Đúng là kiểu sáng tạo ngoài kịch bản nhưng lại rất hiệu quả, khiến khán giả vỗ tay giòn giã”.
Nhà thơ Hoàng Cầm cho biết: “Khán giả kịch hồi đó tinh lắm. Sự sáng tạo của Kim Lân diễn tả rất tinh tế tâm trạng của một ông già trí thức, ngán ngẩm và quay lưng với cuộc đời...”.
…Tới “Bóng giai nhân” và “Cái tủ chè”
Ban kịch dàn dựng vở Bóng giai nhân và vở hài kịch Cái tủ chè (Vũ Trọng Can). Trong vở Cái tủ chè, Kim Lân vào vai anh chàng nhà quê Cả Khiết, Trần Hoạt đóng vai Ký Phong… Cốt truyện đơn giản nhưng Kim Lân diễn hay đến nỗi người dân Bắc Giang cười nghiêng ngả đổ cả rạp.
Hoàng Cầm rất phục cái tài của Kim Lân, coi Kim Lân là “bậc kỳ tài” trên sân khấu, nhất là trong hài kịch. Các vở kịch do được dàn dựng diễn tại đình Phù Lưu đã tạo nên một không khí nghệ thuật đặc sắc.
Vượt khỏi làng Phù Lưu, Bóng giai nhân, Cái tủ chè đến với nhiều vùng miền khác từ Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng đến nhiều thôn làng của 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi mà khói lửa của cuộc chiến tranh chưa bén tới. Tính đến giữa năm 1948, vở Bóng giai nhân đã diễn khoảng 60 buổi…
Bài thơ Bên kia sông Đuống Hoàng Cầm sáng tác vào 4/1948 chính nhờ cơ duyên và cả “cái vía đẹp” của Kim Lân. Hoàng Cầm được Kim Lân giới thiệu, gia nhập Vệ quốc quân ở Chiến khu 12 và gợi ý bạn viết về chủ đề quân và dân tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp…
(Còn tiếp)
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất