14/05/2019 07:55 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, sứ mệnh của Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành, mở ra hướng chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ mới, với ước mong đường mòn Hồ Chí Minh sẽ được phát triển lên một tầm thế mới trong công cuộc dựng xây đất nước.
Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, Lễ khởi công công trình đường Hồ Chí Minh được tổ chức tại bến phà Xuân Sơn – Bố Trạch, Quảng Bình, một di tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần Di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, là ngã ba đường 20 - Quyết Thắng và Đường Hồ Chí Minh trước đây.
Những lần trở lại với con đường, trở lại với những cánh rừng Trường Sơn, được chứng kiến nhiều đoạn đường hư hỏng nặng bởi thời tiết, thời gian, đã hối thúc ngành Giao thông Vận tải về ước mơ hiện đại hóa con đường huyền thoại. Ông Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, người Đội trưởng Thanh niên xung phong N39 thuộc Binh trạm 16, Binh đoàn Trường Sơn năm xưa, bồi hồi khi nhắc đến tuyến lửa huyền thoại, nay là đường Hồ Chí Minh chạy dọc dải hành lang phía Tây của Tổ quốc.
Việc định hình một tuyến đường xuyên Việt thứ 2 có ý nghĩa không chỉ quan trọng về mặt giao thông khi phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1, đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 gặp sự cố, tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông, Tây của đất nước, mà còn góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng vai trò quan trọng về mặt an ninh quốc phòng, có tác động rất lớn để kết nối với các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia.
Trong vấn đề địa chính trị, giao thông cũng như xương sống của chiến lược phát triển bền vững, mà các tuyến đường dọc, ngang của đất nước, của vùng, chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự liên thông của đất nước, phát triển kinh tế và giao thoa văn hóa, tạo sức mạnh phát huy vị thế địa chính trị của đất nước. Năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh để hình thành trục dọc đường bộ thứ 2 ở phía Tây đất nước với tên gọi Xa lộ Bắc Nam. Đến tháng 8/1998, công trình chính thức được đặt tên là Đường Hồ Chí Minh, ông Lê Ngọc Hoàn chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng Đường Hồ Chí Minh, ông Lê Ngọc Hoàn cho biết, nhiều đồng chí lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời kỳ đó rất ủng hộ. Song cũng có ý kiến băn khoăn, kinh tế đất nước còn khó khăn, nên cần cân nhắc xem thời điểm làm và chọn ưu tiên hướng tuyến để làm. Phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, ban đầu chỉ làm từ Hà Tĩnh đến Kon Tum, thiết kế chiều rộng chiều rộng chỉ 7m đối với đoạn không qua thị trấn, còn qua thị trấn là 12m.
Quan điểm xây dựng là nền móng đường phải tốt, mặt đường hầu hết là cấp phối, chỉ những đoạn quan trọng mới trải nhựa. Sau vài lần điều chỉnh, bổ sung lý do vì tiền đầu tư quá lớn, cuối cùng, phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là tập trung làm đoạn Hà Tĩnh – Kon Tum đã được thống nhất, khi có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng.
Việc Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định, khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng đường Hồ Chí Minh chính là định hướng, quyết tâm xây dựng con đường này từ Pắc Pó, Cao Bằng đến Đất Mũi, Cà Mau theo dọc chiều dài đất nước. Giờ đây, nhớ lại khoảng thời gian lập chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh càng thấy rằng, những quyết sách thời đó là hoàn toàn đúng. Đường Hồ Chí Minh ngày càng có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quốc phòng và cũng là con đường để xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
“Nếu thời kỳ đó chúng ta chần chừ, có lẽ đã đánh mất thời cơ xây dựng kéo theo những khó khăn trong bảo vệ biên giới đất nước bởi đường Hồ Chí Minh hiện nay đã trở thành tuyến chi viện để mở các tuyến đường biên giới và nối thông với các tuyến cửa khẩu. Tuyến đường khi hình thành cũng trở thành tuyến tránh cho Quốc lộ 1A, nhất là trong những giai đoạn ngập lụt”- ông Lê Ngọc Hoàn nhấn mạnh.
Hồi nhớ lại năm 1997 khi Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Hà Đình Cẩn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh nói rằng: Đó là con đường nối hai thế kỷ, con đường của thời đại công nghiệp hóa, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tuyến đường này chủ yếu chạy dọc phía Tây đất nước, có ưu điểm vượt trội là gần như có sẵn, bởi hơn 90% tổng chiều dài là các đường hiện hữu nhưng chưa đưa vào cấp nào, do nhiều năm không được đầu tư. Trong đó, hơn 70% tuyến đường đi theo hướng đường Trường Sơn trong chiến tranh, nhưng thời điểm đó không đi được do bị bỏ hoang phế mấy chục năm. Vùng phía Tây tiềm năng rất lớn, có hàng chục triệu héc ta đất lâm nghiệp, đất làm công nghiệp, nhiều tài nguyên khoáng sản, nguồn thủy điện dồi dào nhưng chưa được khai thác, tận dụng. Lại có tới hơn 10 triệu dân, với trên 70% là đồng bào dân tộc ít người, một lòng một dạ theo cách mạng.
Trong ký ức của ông Hà Đình Cẩn, thời gian trực tiếp đi thị sát dọc tuyến đường ngay từ những ngày đầu cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc Nam, đưa huyền thoại năm xưa trở lại hiện thực, đã nghe nhiều câu chuyện, thấy những nỗi niềm đau đáu và càng hiểu quyết tâm của Đảng, Nhà nước xây dựng con đường máu thịt này. Khi ấy, cả ngàn cây số từ ngoài vào đến Bắc Tây Nguyên không có lấy một khúc đường nhựa. Ngày nào cũng đi, từ sáng đến tối, mất cả tuần. Xe như bò trên đường, xóc đến nhừ tử, gọi là đường nhưng đâu có đi được. Bây giờ vượt qua đèo Đá Đẽo qua sân bay Khe Gát về Đồng Hới chỉ mất nửa giờ, còn xe bò hồi đó từ lúc vàng mặt trời đến nửa đêm mới tới.
Sau này, mọi người mới biết dưới đó còn nhiều bom đạn chưa nổ. Rồi một chiều đi qua đoạn Hiên ở tỉnh Quảng Nam, đoàn gặp các cháu nhỏ người dân tộc thiểu số, mình trần, chân đạp đất đang đi xem vô tuyến ở một đơn vị đóng quân. Các cháu cho biết: Đường xa lắm, nửa ngày mới tới. Cứ hai tối, các chú bộ đội mới mở ti vi một lần để kết hợp cho quân, dân cùng xem. Lại có trường hợp chiến sỹ ở Đồn Biên phòng tại Khe Sanh, Quảng Trị, bị sốt rét ác tính, đồng đội cáng đi trạm cứu thương nhưng đã mất giữa rừng Trường Sơn vì đường quá khó đi.
“Lúc ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lặng đi, rồi nói: Hòa bình đã gần ba chục năm rồi mà cái hạnh phúc đơn sơ nhất của đời người là có đoạn đường tốt, đi lại dễ dàng, đến giờ hàng chục triệu đồng bào vẫn chưa có để mà hưởng, nói gì đến văn minh, phát triển”, ông Hà Đình Cẩn nhớ lại.
Từ huyền thoại đến tương lai * Bài 3: Mạch máu đất nước (TTXVN 16/5)
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất